Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo Mỹ bật khóc trước nghị lực của cô sinh viên người Dao

Dù tiếng Anh chưa tốt, nhưng khát vọng và nỗ lực của Chảo Yến đã chinh phục thầy giáo. Thầy trao cho cô suất học bổng.

Cho đến khi tôi học cấp ba, tôi chỉ biết trên đời này tồn tại bốn nghề, đó là: Giáo viên, bác sĩ, lâm sinh và công an. À, còn nghề chủ tịch xã nữa.

Vậy là năm nghề tất cả. Từ bé tôi đã ước mơ trở thành cô giáo, vì tôi thấy các thầy cô trên bản tôi được ăn cá khô với trứng rán rất ngon. Tôi cũng muốn được như thế.

Duong nguoc chieu anh 1

Chảo Yến tại Australia. Ảnh: Fb nhân vật.

Chọn học kiểm lâm với mong muốn bảo vệ rừng

Năm 2008, trận lũ lịch sử đã cuốn đi phân nửa ruộng nhà tôi và quét sạch một làng cách xã tôi tám cây số. Khi đi mua gà cay, tôi tình cờ xem được một chương trình ở ngoài quán tạp hóa gần trường.

Cảnh lũ cuồn cuộn ngập nhà, bay đồ đạc, có một vài người trèo lên nóc nhà đứng. Đoạn phim đó có trích một câu nói: “Chặt phá rừng gây nên lũ trầm trọng hơn”.

Câu nói ấy khiến tôi bị lay động, tôi có cảm giác muốn trở thành một “cán bộ khuyến nông” để bảo vệ rừng. Cùng với giấc mơ làm cô giáo từ bé, tôi nộp hồ sơ dự thi cả trường Sư phạm Thái Nguyên và trường Lâm nghiệp.

Sau đó, bố lại được cô hiệu trưởng trường cấp hai phổ cập cho là: “Trường Thái Nguyên sắp giải thể rồi, đừng đi thi”.

Vào Lâm nghiệp, tôi học ngành kiểm lâm cho đến buổi họp khoa đầu tiên. Thầy phụ trách chương trình giới thiệu về ngành “Quản lý Tài nguyên thiên nhiên (Chương trình tiên tiến)” đào tạo 100% bằng tiếng Anh và được các giáo sư bên Mỹ sang giảng dạy nữa.

Tôi liền bị thôi miên. Tôi ra phố được gần ba tháng rồi mà, nên cái bụng cũng sáng sủa lên một tí, tôi biết tầm quan trọng của tiếng Anh.

Bằng chiêu thức cũ, tôi thuyết phục “hai trợ thủ đắc lực” của tôi cho theo học ngành này. Bố mẹ sau khi nghe tôi phân tích rằng học ngành này sau biết tiếng sẽ dễ xin việc hơn, nên gật đầu cái rụp: “Quyết thế đi con gái”.

Thế là tôi chuyển sang học ngành tiên tiến, ngành được coi là VIP nhất của trường. Tôi đang từ người có “thẻ VIP của người nghèo” chuyển sang mang vỏ bọc “thẻ VIP cấp đồng của người giàu”, khi chẳng ai nghĩ một con bé nhà nghèo có thể đủ tiền học cái ngành mà học phí một kỳ gấp gần ba lần ngành thường.

Tôi lại càng không thể để lộ thân phận. Thôi, cố gắng đóng cho tròn vai vậy.

Đến năm thứ hai đại học, mặt nạ của tôi đã bị chính tôi lật xuống với biết bao sự đấu tranh, xáo trộn và hơi day dứt đến giây phút cuối cùng.

Học tiếng Anh

Vừa vào lớp mới, tôi mang tâm trạng háo hức nhất vì được học tiếng Anh. Tôi nghĩ “Trong năm đầu là đào tạo tiếng, nên thầy giáo chắc sẽ dạy từ cái cơ bản nhất như ngày xưa mình học tiếng Việt ấy mà”.

Thế nhưng, cả buổi thầy giáo nói tiếng Anh. Tôi nghe không hiểu gì cả. Tôi lại không quen ai ở lớp, sự háo hức và tự tin trước đó nhanh chóng rút xuống mức âm.

Thầy giáo gọi tôi lên bảng.

Tôi bước lên bảng, tiếng hai chân va vào nhau nghe rõ mồn một, các bạn phía dưới nhìn tôi với ánh mắt đợi chờ. Nhưng tôi biết gì đâu mà nói.

Thậm chí nếu các bạn ở dưới không nhắc nhiệm vụ của tôi là giới thiệu bản thân, tôi còn không biết. Đứng yên một hồi lâu để điều khiển lại cơ thể nhưng tôi vẫn không thể nói được gì.

Thầy giáo hỏi: “What is your name?”. Các bạn ở dưới nhắc: “Thầy hỏi bạn tên là gì?”. Hơ, tưởng gì chứ tên thì tôi biết, tôi quay sang thầy: “Yến ạ”.

Thầy tiếp: “How old are you?”. Riêng cái khác có thể tôi không biết, chứ câu hỏi này tôi học thuộc làu làu từ năm cấp ba rồi. Dù gì ba năm cấp ba tôi cũng có được học qua tiếng Anh một ít, chứ đâu phải tờ giấy trắng tinh khôi.

Cảm giác như chế độ tự tin vừa được ăn thêm cục pin, tôi quay sang thầy giáo: “I’m fine, thank you, and you?”.

Thế mà mọi người ở dưới cười, lại còn cười vang lên. Tôi trở về trạng thái run sợ, xấu hổ, tự ti và mặc cảm.

Từ sau “tai nạn” đó, tôi không dám đi học nữa. Tôi nghỉ học triền miên. Tôi rất sợ đến lớp tôi sẽ bị gọi lên bảng, sợ các bạn lại cười chê.

Thỉnh thoảng trong giờ học, thầy giáo giảng nói gì đó vui khiến các bạn cười, nhưng tôi lại chỉ dám cúi gằm mặt xuống bàn vì không hiểu thầy nói gì. Mỗi lần thầy cho bài tập, tôi lại một mình một góc, vẽ hoa bồ công anh, vẽ gấu, vẽ đủ mọi hình thù, chỉ để thầy nghĩ tôi đang bận sẽ không gọi tôi.

Lâu dần, tôi vắng bóng hẳn, nguyên năm nhất tôi cứ về nhà, lên rẫy làm việc cùng bố mẹ. Tôi nói dối là được nghỉ nên về.

Về nhà tầm hai tuần, tôi lại xuống trường với lý do là đi thi, rồi tôi về lại ngay sau đó. Đến hết năm nhất, cả lớp chẳng ai biết đến sự tồn tại của tôi ngoại trừ cái Giang, chỉ vì nó cùng đường đi học với tôi và nó ở cùng xóm với đứa bạn lớp cũ của tôi.

Một hôm, khi đang làm trên nương, bố mẹ hỏi tôi: “Thế con học cả năm rồi, đã biết nhiều tiếng Anh chưa?”. Tôi nói dối: “Cũng biết nhiều nhiều rồi mẹ ạ”. Mẹ bảo: “Thế nói một ít cho mẹ nghe đi”.

Tôi sững người, nhìn vào ánh mắt đang “tràn lan” hy vọng của mẹ. Một cảm giác cũ xâm chiếm lấy tôi, cảm giác mà dòng điện hay nhát dao nào đó vừa xuyên vụt qua tim mà không biết tim đang đau hay đang tê liệt. Một thứ tội lỗi đang bùng phát lên như dịch bệnh khiến tôi thấy xấu hổ với cả bố và mẹ.

Tôi cố an ủi bố mẹ bằng câu đơn giản nhất: “‘My name is Yến’, nghĩa là ‘Tôi tên là Yến’”, còn con mà giới thiệu về bố mẹ con sẽ nói: “My father’s name is Sơn and my mother’s name is Hoa”.

Bố mẹ tôi cười rất hạnh phúc: “Tiếng Tây nghe buồn cười con nhờ, nghe chẳng hiểu gì cả”. Bố lại hỏi: “Thế ăn cơm nói như thế nào?”. Thực lòng tôi không biết, lúc đó tôi chỉ biết mỗi từ “ăn sáng”, nên tôi cứ nói đại với bố: “Ăn cơm là ‘bờ rếch phợt’ (breakfast) bố ạ”.

Bố mẹ tôi lại cười to hơn: “Đúng là tiếng Tây con nhờ, nghe ‘phợt phợt’ như kiểu tiếng giun kêu ấy”. Tiếng cười của bố mẹ làm hòn đá tội lỗi trong tôi to dần lên, nặng nề, ì ạch như muốn đè bẹp cả con người tôi vậy. Tôi quyết định sẽ xuống trường đi học cho tử tế với quyết tâm đến cuối năm hai, tôi phải giao tiếp cơ bản được.

Quyết là làm, tôi tìm mọi cách để học tiếng Anh. Đi trung tâm học ư? Tôi không có tiền. Đi quán net học ư? Có biết sử dụng máy tính đâu? Quê chết!

Một sáng kiến mới hoạch định trong đầu lập tức được biến thành hành động. Tôi lôi hết tất cả các sách viết bằng tiếng Anh ra đọc.

Tôi “mô phỏng” theo mô típ học tiếng Kinh của tôi ấy mà. Kiểu cứ “a, cờ a ca, cái ca” mà trong đầu vốn chẳng biết “ca” là cái gì ấy. Tôi cứ lôi ra đọc để luyện cho cơ miệng tôi được dẻo, chứ chữ trong đấy còn lâu tôi mới coi chúng là họ hàng.

Tôi dần hiểu chút chút, nhưng mới chỉ hiểu, chưa nói được, mà còn chưa chắc tôi đã hiểu đúng ý nghĩa. Đầy lần phát biểu leo toàn xịt. Tấm thẻ VIP của tôi nhanh chóng phát huy tác dụng, thế lực đằng sau tôi mà đã ra tay thì tôi cứ thế rộng đường mà đi thôi, không phải đắn đo gì cả.

Kim, một bạn tình nguyện viên người Đức gốc Việt sang Việt Nam dạy tiếng Anh tình nguyện. Biết tin, tôi nhờ Giang liên hệ với Kim phụ đạo giúp tôi. Buổi học đầu tiên, chúng tôi đi bộ lên trên đồi thông, trên cả quãng đường chỉ có mình Giang với Kim nói chuyện, tôi im như thóc.

Tôi không thể nói, thật sự quá khó khăn. Cuối cùng, Kim là người mở đầu trước. Kim hỏi tôi cần giúp gì, tôi mới dám đưa bài thuyết trình của tôi cho bạn ấy xem, rồi bắt đầu đọc.

Tôi biết thừa bạn ấy chẳng hiểu gì, nhưng bạn ấy cứ khen “Good, you did well, very good”, nên tôi thấy vui lắm. Mà lạ lắm, từ sau hôm đấy, buổi tối đi ngủ tôi toàn mơ thấy tôi nói một thứ tiếng Anh chuẩn với người nước ngoài, sáng thức dậy, tôi thường hay nhẩm theo những gì trong mơ, tôi thấy cơ miệng mình dẻo hơn hẳn.

Ôi! Tôi lại bị cơn sung sướng vật giãy uỳnh uỳnh, cười nắc nẻ trên giường. [...]

Duong nguoc chieu anh 2

Sách Đường ngược chiều. Ảnh: Sống.

Suất học bổng trong mơ

Khi sự bế tắc của tôi đang dâng lên cao trào thì thầy Lee, thầy điều phối viên chương trình tiên tiến từ Mỹ sang, trao năm suất học bổng cho sinh viên ở lớp, nhưng đổi lại chúng tôi phải viết một bài luận nêu lý do chúng tôi xứng đáng nhận được nó.

Tôi cần suất học bổng đó để phụ bố mẹ, tôi phải lấy được nó, nhưng tiếng Anh lại là rào cản.

Tôi mất hai đêm trằn trọc và đấu tranh tư tưởng xem có nên để lộ thế lực đứng sau tôi hay không? Và tôi đã quyết định hạ màn.

Bài luận là bài tự sự về câu chuyện đến trường của tôi, về việc tôi đã cố gắng nhường nào để được đến trường. Tuy nhiên, tôi không biết thầy có thể hiểu được không, vì khả năng tiếng Anh của tôi không được tốt.

Thật may, danh sách được phỏng vấn có cả tên tôi. Tôi lại một lần nữa run sợ vì không biết phải đối diện với thầy như thế nào.

Các bạn vào 10 phút rồi ra ngoài cười nói vui vẻ. Tôi là thí sinh cuối cùng. Vừa bước vào phòng, thầy tiến đến và ôm chầm lấy tôi rồi khóc. Hai thầy trò cứ hết người này khóc rồi đến người kia khóc.

Tôi vẫn chưa hiểu hết tiếng Anh, thầy cũng biết điều đó, nên thầy nói như đánh vần từng từ một để tôi hiểu được ý thầy.

Tay thầy cầm bài luận của tôi, gạch chi chít ý để thầy hỏi thêm, nhưng tôi chẳng thể nào trả lời, tôi cố gắng để không khóc theo thầy là đã kiên cường lắm rồi.

Thầy nhìn tôi với ánh mắt đỏ hoe và nói: “You are a strong girl, you will be successful, try your best and a bit harder” rồi thầy bắt tay tôi, cái bắt tay vừa chặt vừa run. Thầy tiễn tôi ra khỏi cửa bằng câu “Good luck!”. Thật ấm lòng!

Các bạn ngồi đợi tôi bên ngoài liên tục hỏi: “Sao rồi, sao lâu thế, ok không?”. Tôi chỉ gật đầu rồi quay mặt đi chỗ khác, cố che giấu việc tôi vừa khóc. Tôi thấy nhẹ lòng hơn. Hóa ra việc tự lật mặt nạ vốn không quá khó khăn như tôi nghĩ.

Tôi giành được suất học bổng cao nhất của thầy. Điểm mỗi kỳ của tôi ngày một cao kèm theo lời động viên của thầy. Tiếng Anh của tôi cũng tiến bộ từng ngày, dù không hoàn hảo, nhưng so với năm nhất thì tôi thấy rất mãn nguyện.

Đỉnh cao của cái nghèo đang ở ngay trước mặt tôi. Tôi vẫn chưa thể tới được bên kia sườn dốc, nhưng tôi tin thứ ánh sáng phía trước tôi chính là “cầu vồng”.

Chảo Yến / NXB Thế giới và công ty sách Sống

SÁCH HAY