Tôi xếp từng món đồ vào va li. Nào mì tôm, bột canh, mì chính, bột nêm, bánh gạo, giấy bút, sách vở, quần áo trong niềm hân hoan của bố mẹ và xóm làng.
Chuyến đi lần này của tôi còn khiến bố mẹ háo hức hơn khi đây là lần đầu tiên, bố mẹ thật sự được ngược đường xuống xuôi đúng nghĩa.
Hàng xóm không còn nhìn tôi với ánh mắt của ngày xưa nữa. Họ vui vẻ chúc mừng tôi lên đường may mắn với bao nụ cười trên môi.
Đỉnh cao của cái nghèo
Lặng một phút! Bạn hãy thử tưởng tượng mình đang đi đường ngược chiều, nhưng cảnh sát không những không phạt, mà còn chúc bạn lên đường thượng lộ bình an. Bạn thấy “cool” không? Bạn đã làm được điều mà chỉ xe cứu thương, hoặc xe cứu hộ làm được rồi đấy. Và tôi cũng thế!
Tôi và bố mẹ luôn đi một con đường ngược chiều, dưới cái nhìn soi mói, chán ghét và chút xa lánh của mọi người xung quanh mà tôi tự đặt tên cho họ là “cảnh sát”.
Cuối con đường ấy, lần đầu tiên, tôi thấy họ biểu lộ sự “không khó chịu” trước lúc tôi đi xa. Có chú nói với vào: “Cái Yến đi học đại học lúc nào? Chẳng thấy gia đình tổ chức liên hoan gì cả?”.
Bố tôi trả lời: “Nó học xong đại học rồi, bây giờ chuẩn bị xuống Hà Nội để mấy hôm nữa bay sang Đức”. Bố tôi trả lời lịch sự vậy thôi chứ cả bố, mẹ và tôi đều biết rằng chú là người quát khi mẹ chỉ vay 200.000 đồng.
Và chú cũng là người mẹ nhờ chở tôi xuống phố bắt xe đi nhập học, chú nói xe hết xăng nhưng lại phi vèo vèo phả khói nghi ngút ngay khi hai mẹ con tôi vừa quay lưng đi.
Quay ngược thời gian chút, đúng như tôi nói, cả gia đình tôi trên đà “phát triển” đi đến đỉnh cao của cái nghèo và nó đạt đến độ chín muồi khi tôi học năm cuối.
Sau khi mất trâu và bò, nhà tôi chẳng còn gì cả, bố mẹ bỏ xứ sang Trung Quốc trông vườn chuối. Sau đó, thằng Tâm cùng đi. Chị Mai đi lấy chồng, còn anh Tài cũng đã lập gia đình. Nhưng chị dâu bệnh triền miên, số ngày khỏe mạnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Bố mẹ làm bên đó họ không trả lương theo tháng hay ngày, mà khoán trả theo năm. Ví dụ, người ta giao cho bố mẹ tôi 10 ha chuối, khi thu hoạch xong người ta sẽ trả 50.000 nhân dân tệ chẳng hạn.
Đấy là tôi lấy ví dụ thôi nhé, chứ thực tế bố mẹ tôi trông bao nhiêu ha chuối, được bao nhiêu tiền tôi không hay biết. Tôi chỉ biết mỗi tháng bố mẹ đều xin ứng ông chủ gửi tiền ăn và tiền nhà cho tôi.
Năm cuối làm khóa luận, tôi không còn đi làm thêm nữa. Bố mẹ nói: “Con cứ yên tâm, cố gắng học thật giỏi, bố mẹ lo được. Con đừng lo nghĩ nhiều, bố mẹ đi làm, con ra trường là cũng đủ tiền chạy việc cho con đấy”.
Nhưng thực tế vốn không phải như vậy. Nếu chú tôi không nói cho biết, tôi sẽ mãi không hay rằng bố bị ngã ta luy gãy lưng không cử động được và cũng không về Việt Nam được. Bố mẹ đã giấu tôi, bố nói: “Sợ cái Yến lo lại không học được”.
Ông chủ của bố mẹ xảy ra tranh chấp với em trai ông ấy nên quỵt luôn tiền công cả năm của bố mẹ. Bố mẹ tay trắng trở về, không có gì ngoài tấm chăn đã thủng vài lỗ mà tôi lúc nào cũng mang bên mình.
Bố kể: “Bố mẹ sang bên đó làm, trời lạnh, mẹ con không có áo khoác nên trùm cái chăn đi chợ ai cũng nhìn”, rồi bố mẹ lại cười tít mắt. Mẹ quay sang nhìn bố vẫn thẹn thùng kiểu đôi mươi: “Ông này, ấm là được rồi”.
Hai người lại cười mà không biết rằng trong lòng tôi từng cơn mưa rào đang ào ào xoáy sâu vào tim lạnh buốt. Tôi giữ cái chăn như là vật bất ly thân, để luôn nhắc nhở chính mình: Không được gục ngã!
Chảo Yến. Ảnh: FBNV. |
Mọi thứ dồn dập cùng lúc, tôi chỉ biết khóc
Cùng lúc bố bị tai nạn, hạn đóng học phí kỳ cuối lại đến. Tôi được miễn một phần học phí theo ngành học thường vì có “thẻ VIP”. Nhưng nhà trường thông báo rằng tôi vẫn phải đóng học phí, sau đó trường mới trả lại theo đúng quy trình.
Mọi thứ dồn dập cùng lúc, tôi chỉ biết khóc. Tôi bất lực, lạc lõng, không phương hướng. Đáng ra tôi sẽ có tiền đóng học phí nếu lớp trưởng lớp tôi không quên nộp danh sách học bổng của lớp, học bổng của tôi cao lắm, 6 triệu cơ.
Tôi gọi về, mẹ bảo: “Hay con thử gọi hỏi thầy giáo Tây của con (là thầy Lee) xem thầy có giúp được không?”. Nhưng thầy ở bên Mỹ, làm sao mà tôi hỏi được. Hơn nữa, tôi từng có ký ức buồn về việc vay tiền thầy cô.
Vào cuối năm cấp ba, tôi từng thử vay tiền cô giáo giúp cái Mây đi thi đại học cùng tôi. Bố mẹ nó nhất quyết phản đối việc nó đi học, dù nhà có điều kiện. Khi tôi mới nhắn tin, cô giáo đã trả lời rất nhiệt tình, nhưng đến khi tôi hỏi vay tiền, cô đọc tin nhắn rồi im lặng, để tôi với cái Mây cứ ngồi nhìn nhau đợi tin cô cả ngày. Thế nên, tôi sợ. Tôi sợ phải lặp lại điều tương tự.
Tôi luôn tự hứa với bản thân, dù có không thích ai, việc tối thiểu là trả lời tin nhắn, tôi sẽ phải làm, bởi sự im lặng còn khiến người ta tổn thương nhiều hơn cả sự đánh đập.
Không còn cách nào khác, cố lấy đủ can đảm, tôi lên gặp thầy Tuấn - Phó hiệu trưởng nhà trường.
Cái tính dở hơi của tôi ấy mà, động tí là khóc, nhất là mỗi khi nói về bố mẹ. Gặp thầy, chưa nói được gì đã khóc, cứ đứng trước mặt thầy khóc một cách vô lý thế đấy.
Mãi sau, tôi cũng có thể mở đầu: “Thầy ơi, bây giờ em nợ 5 triệu học phí, nhưng nhà trường lại phải trả lại em gần 6 triệu, tiền em được miễn giảm theo ngành thường của mấy kỳ, bây giờ bố em…”, rồi tôi lại khóc.
Thầy giáo trấn an mãi tôi mới nói tiếp được: “Bây giờ bố em bị tai nạn, nhà em không đủ khả năng nữa, thầy có thể bảo phòng tài chính kế toán trừ luôn tiền trường nợ cho em không?”.
Thầy Tuấn đứng dậy: “Xuống phòng kế toán với thầy. Thế này là trường còn đang nợ tiền em, chứ em nợ tiền trường đâu mà không xử lý được”.
Thầy xuống phòng kế toán, mọi vấn đề của tôi được xử lý gọn gàng dù hơi “sai” so với quy định. Ôi, sức mạnh của thầy như là thẻ VIP của nhà tôi ấy. Nhờ thầy, bố mẹ và tôi đã có thể vượt qua con dốc tạm gọi là cuối cùng ấy.
Nhưng đỉnh dốc khi ấy thật chông chênh, chỉ cần cái chạm nhẹ của “cảnh sát” cũng có thể khiến ba cơ thể mệt mỏi ấy hoặc lăn ngược lại xuôi chiều con đường cũ, quay về nơi bắt đầu của cái nghèo, hoặc là lăn tiếp về phía trước, tiếp tục con đường ngược bao năm chúng tôi vẫn đi. Thật là may, phía sau tôi khi ấy ngoài bố mẹ còn có cả thầy Lee và thầy Dũng.