Một con kênh "kiệt quệ" ở vùng Andalusia của Tây Ban Nha sau khi hứng chịu nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt. Ảnh: Guardian. |
Một báo cáo của EU cho thấy khủng hoảng khí hậu đã gây ra những tác động “đáng sợ” ở châu Âu vào năm ngoái, khi nhiều đợt nắng nóng làm 20.000 người thiệt mạng và mùa màng bị ảnh hưởng trầm trọng do hạn hán kéo dài.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong năm nay, hạn hán đã ảnh hưởng đến nhiều hộ nông dân. Cách duy nhất để hạn chế thiệt hại ngày càng tăng của tình trạng ấm lên toàn cầu là nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải carbon.
Báo cáo từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết các đợt nắng nóng lan rộng với biên độ lớn vào năm 2022 đã khiến châu Âu phải hứng chịu mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận. Đây là điều không thể tránh khỏi do ấm lên toàn cầu, dẫn đến nhiều ca tử vong sớm.
Nóng nực đến kỷ lục
Theo Guardian, người dân ở Nam Âu đã phải chịu đựng 70-100 ngày nắng nóng, trong đó nhiệt độ nhỏ nhất là 32 độ C, ảnh hưởng từ gió và một vài yếu tố khác. Trong khi đó, lần đầu tiên Anh ghi nhận nhiệt độ vượt quá ngưỡng 40 độ C.
Báo cáo cho biết nắng nóng cộng với lượng mưa thấp đã gây ra hạn hán ảnh hưởng đến hơn 1/3 lục địa, khiến 2022 trở thành năm khô hạn nhất được ghi nhận. Dòng chảy gần 2/3 các con sông của châu Âu thấp hơn bình thường.
Nhiệt độ cao đồng nghĩa với việc lượng khí thải carbon từ các vụ cháy rừng tăng mạnh vào mùa hè năm ngoái, cao nhất trong 15 năm qua và dãy núi Alps ở châu Âu đã mất đi lượng băng kỷ lục từ các sông băng.
Nhìn chung, Châu Âu đã trải qua năm nóng thứ hai từng được ghi nhận, với nhiệt độ tăng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu - nhanh hơn bất kỳ châu lục nào khác. Trong 5 năm qua, nhiệt độ trung bình đã cao hơn 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Một điểm sáng trong báo cáo là châu Âu đã nhận được lượng bức xạ Mặt Trời cao nhất trong 40 năm qua, do độ che phủ của mây thấp hơn, cho phép sản xuất năng lượng Mặt Trời ở mức trên trung bình.
Nhiệt độ trung bình hàng năm ở châu Âu so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020. Ảnh: Guardian. |
Khi khoa học lên tiếng
Mauro Facchini, người đứng đầu bộ phận quan sát Trái Đất tại Ủy ban châu Âu cho biết: “Tôi phải nói rằng những phát hiện này thật tồi tệ, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải biết sự thật. Ngày càng có nhiều thay đổi cực đoan xảy ra ở châu Âu. Mỗi người trong chúng ta đều có thể nhìn thấy điều đó”.
Carlo Buontempo, giám đốc của C3S, cho rằng báo cáo là “hồi chuông cảnh tỉnh khác để đẩy nhanh nỗ lực của chúng ta” nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon, vốn cũng đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Gần đây, các nhà khoa học đã dự đoán rằng sự trở lại sắp tới của hiện tượng El Nino sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng “ngoài dự đoán”.
Tiến sĩ Rebecca Emerton, tác giả chính của báo cáo C3S, cho biết: “Chúng ta đã không thể ngăn chặn những tác động khí hậu này được nữa - chúng ta chỉ có thể hạn chế tác động bằng cách giảm nhanh lượng khí thải nhà kính”.
“Thật không may, các tác động có thể đã xảy ra trong mùa trồng trọt, vì vậy chúng ta có thể thấy sản lượng cây trồng năm nay giảm. Nếu không có hiện tượng ấm lên toàn cầu, những đợt hạn hán như đợt kỷ lục ở Bắc bán cầu vào năm 2022 sẽ chỉ xảy ra bốn thế kỷ một lần”, cô ấy nói.
Giáo sư Daniela Schmidt, tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh, cho biết: “Chúng ta rõ ràng chưa chuẩn bị kỹ cho những đợt hạn hán như chúng ta đã thấy vào năm ngoái, dẫn đến những thiệt hại về nông nghiệp, thảm thực vật và ngư nghiệp quanh các con sông đang dần cạn kiệt. Chúng ta cần thay đổi để thích nghi”.
Đến băng cũng tan chảy
Báo cáo của C3S cũng thông tin về khu vực Bắc Cực và cho biết Greenland đã trải qua tình trạng băng tan kỷ lục trong các đợt nắng nóng, đặc biệt vào tháng 9, khi nhiệt độ trung bình cao hơn mức trung bình tới 8 độ C.
Một báo cáo riêng biệt, cũng được công bố vào hôm 20/4, cho thấy các dải băng ở Greenland và Nam Cực đã mất lượng lớn băng hàng năm kể từ khi công tác ghi nhận của vệ tinh vùng cực bắt đầu từ năm 1992, với 7 năm băng tan khủng khiếp nhất đều xảy ra trong thập kỷ qua. Băng tan làm tăng mực nước biển và lũ lụt ven biển ở khắp nơi trên thế giới.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái Đất, cho thấy các dải băng ở hai cực đã mất 7.600 tỷ tấn băng từ năm 1992 đến năm 2020, tương đương với khối băng khổng lồ có chiều cao 20 km.
Các nhà khoa học dự đoán nếu các tảng băng tiếp tục tan chảy với tốc độ này, chúng sẽ góp phần khiến mực nước biển toàn cầu tăng khoảng 15-27 cm vào năm 2100.
“Cuối cùng, chúng tôi đã ở giai đoạn có thể liên tục cập nhật các đánh giá về tác động của tảng băng vì có đủ vệ tinh trong không gian giám sát chúng, điều đó đồng nghĩa với việc mọi người có thể ngay lập tức tận dụng nghiên cứu của chúng tôi”, Giáo sư Andrew Shepherd, tại Đại học Northumbria (Vương quốc Anh), cho hay.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.