Con số 42 người thiệt mạng là tỷ lệ thương vong cao nhất từ khi Hàn Quốc bắt đầu ghi nhận số người chết vì nắng nóng vào năm 2011. Giới chức cho biết hơn 3.400 người phải nhập viện điều trị các loại bệnh liên quan đến nhiệt như say nắng kể từ cuối tháng 5.
Theo Guardian, hầu hết người thiệt mạng là người cao tuổi và người nghèo không có điều hòa. Tuy nhiên, ít nhất 5 người đã tử vong sau khi làm việc ngoài trời, gồm một người đàn ông trong độ tuổi 30 và một công nhân khoảng 50 tuổi.
Hơn 3.400 người Hàn Quốc phải điều trị các bệnh về nắng nóng. Ảnh: AP. |
Tuần trước, nhiệt độ tại thủ đô Seoul lên tới 39,6 độ C, cao nhất trong vòng 111 năm qua. Seoul hiện là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết dự định sẽ sửa luật để xếp nắng nóng cực đoan vào nhóm thiên tai, cho phép các nạn nhân được hưởng trợ cấp và đền bù.
Bão nhiệt bắt đầu hoành hành tại Hàn Quốc từ tháng 7. Trong tháng 7 và tháng 8, chính phủ đã giảm giá điện nhằm khuyến khích người dân sử dụng điều hòa. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, động thái này giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 240 triệu USD.
Người dân đổ về chật kín bể bơi tại Yongin, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Bão nhiệt còn ảnh hưởng tới quân đội. Theo Korea Times, quan chức Hàn Quốc cho biết một kho đạn dược đã phát nổ do “phản ứng hóa học ở nhiệt độ cao”. May mắn không ai bị thương.
Tại nước này, một số kho đạn dược được xây dựng trên mặt đất thay vì đặt trong hầm dưới đất. Những cơ sở này trở thành mối đe dọa lớn khi nhiệt độ tăng cao.
“Đối với một số kho vũ khí trong các thành phố, quân đội cần ngay lập tức rà soát, kiểm tra các nguy cơ" nhằm đề phòng tai nạn ảnh hưởng người dân, Kim Joong Ro, nghị sỹ đảng đối lập, cho biết.
Ngoài ra, nắng nóng đã dẫn đến một số khoảnh khắc bất ngờ như gà con nở từ trứng trong hộp để ngoài ban công. Nhiệt độ gần 40 độ C khiến cho lò ấp trứng trở thành thừa.
Tại Triều Tiên, các nông trại giáp ranh Hàn Quốc đang bị tàn phá nặng nề. Bình Nhưỡng đã kêu gọi người dân “cùng chung tay đối phó” hạn hán nhằm bảo vệ nguồn cung lương thực. Tờ Rodong của Triều Triên kêu gọi giảm thiểu thiệt hại nông nghiệp là “nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp”.