Liên tiếp nắng nóng nhiều tháng qua, nhiệt độ ở tỉnh Phú Yên dao động 35-40 độ C, khiến các cánh đồng khô kiệt, giếng trơ đáy, hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Tại huyện Tuy An, khô hạn diễn ra gay gắt, nhiều giếng đào ở các xã An Thọ, An Hiệp bắt đầu trơ đáy. Bà Lê Thị Sen, ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp cho biết: "Nhiều người phải lấy nước suối về lắng lọc để sử dụng vì không còn cách nào khác".
Xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa có gần 500 hộ dân, là một trong những địa bàn khan hiếm nước sạch nhất tỉnh Phú Yên nhiều năm qua. Hiện nay, tình trạng này càng nặng hơn, với khoảng 300 hộ thiếu nước, phải đi mua với giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/m3.
Tại xã này, hầu như nhà nào cũng có giếng, thậm chí có nhà từ 2 đến 3 cái, nhưng chỉ để sử dụng trong mùa mưa, còn mùa nắng thì cạn kiệt.
Vận chuyển nước về bán lại cho người dân xã Sơn Định. Ảnh: Kim Sa. |
Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Hòa Bình, xã Sơn Định) cho biết, mặc dù có giếng và máy bơm nhưng tuần nào gia đình cũng phải mua 2 m3 nước với giá 140.000 đồng, một phần thì ra suối lấy nước về lọc dùng tạm.
Từ tình hình khan hiếm nước, nhiều người lái xe tải đi mua nước về bán lại cho người dân ở đây. "Tôi mua ôtô để làm nghề vá lốp lưu động, nhưng do nhu cầu của bà con nên lắp thêm bồn, máy bơm chở nước về bán cho họ. Trong xã có 5 xe như vậy, bình quân mỗi chiếc chạy 7 chuyến/ngày, tương đương với 14 m3", ông Nguyễn Quốc Tuấn, chủ xe vận chuyển, bán nước sinh hoạt ở xã Sơn Định nói.
Xã Sơn Định được chính quyền đầu tư 3 công trình nước tập trung, với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, 1 công trình ngưng hoạt động nhiều năm qua, 2 trạm còn lại chỉ hoạt động hiệu quả vào... mùa mưa.
Ông Phan Tiến Dạng, nhân viên vận hành trạm cấp nước thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định cho biết, những tháng mưa, trạm hoạt động liên tục, bảo đảm nước sạch cho dân dùng, nhưng qua mùa khô thì không hoạt động vì sông trơ đáy. Nguồn nước từ công trình này, người dân chỉ để tắm giặt vì chưa qua xử lý, không đảm bảo chất lượng.