Hạ tầng giao thông TP.HCM đang có bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh cho địa phương. Thế nhưng đặt trong bối cảnh 5 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, hạ tầng liên kết vẫn còn là điểm nghẽn.
"Điều này càng là động lực để TP.HCM và các tỉnh thúc đẩy vành đai 3 TP.HCM, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ logistics, đòi hỏi nhiều công sức và thách thức", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường mở đầu tại Hội thảo Thúc đẩy dự án vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam, chiều 2/12.
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề quy hoạch kết nối đô thị vệ tinh, hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng và quy hoạch đồng bộ mạng lưới khu công nghiệp, khu dân cư.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, nhìn nhận đặc thù các dự án trong hệ thống giao thông vùng Đông Nam Bộ đều có suất sinh lợi ích kinh tế rất cao, điển hình 7 năm trước, suất sinh lợi ích của vành đai 3 đã là 16%.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Quang Định. |
Trước những lợi ích kinh tế rất lớn, chuyên gia nhìn nhận thách thức để hoàn thành tốt dự án vành đai 3 nằm ở việc thực thi và năng lực của lãnh đạo các địa phương.
Dẫn chứng từ Trung Quốc, ông Thành đánh giá đây là quốc gia được đánh giá có tốc độ phát triển hệ thống giao thông hạ tầng dẫn đầu thế giới.
Dù gặp những trở ngại về cơ sở hạ tầng, đến nay Trung Quốc đã có 3 đường vành đai 4, 5 và 6 được đầu tư và đưa vào khai thác. Mới nhất trong năm 2018, TP Bắc Kinh đã khép kín gần 1.000 km đường vành đai, trở thành tuyến vành đai dài nhất thế giới hiện nay.
"Chúng ta nói không dồi dào nguồn vốn, cơ chế mạnh mẽ, năng lực thực thi, nhà thầu thi công như Trung Quốc, nhưng vành đai 3 cũng cho thấy chúng ta có nhiều thuận lợi về cơ chế chính sách, phân cấp, phân quyền, thậm chí năng lực doanh nghiệp hiện nay cũng không thua kém", ông Thành nói và khẳng định áp lực xã hội lên từng lãnh đạo trong nhiệm kỳ này là rất lớn.
Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khẳng định cơ chế giải phóng mặt bằng là vấn đề rất quan trọng. Nghị quyết số 57 của Quốc hội đã cho phép người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tuy nhiên, việc chỉ định thầu cho ai ứng với mức giá đền bù thế nào, hỗ trợ tái định cư ra sao... vẫn chưa được chỉ rõ.
Hướng tuyến dự án vành đai 3 TP.HCM kết nối 4 địa phương lân cận. Đồ họa: Minh Trí. |
Theo ông, việc xác định giá đất chỉ căn cứ vào loại đất mà không căn cứ vào vị trí của đất đai sẽ là thiệt thòi của người dân. Ông Dũng cho rằng bên cạnh xét loại đất, thì vị trí đất cũng cần được cân nhắc công bằng để xác định giá đền bù cho người dân. "Nếu cơ chế này được giải quyết, sự đồng tình của người dân với chủ trương thu hồi đất chắc chắn sẽ cao hơn", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM dài 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.