Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nâng cấp quan hệ Việt - Hàn là cầu nối tới sự phát triển của khu vực

Trao đổi với Zing, tiến sĩ kinh tế Kwak Sungil nhận định bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tạo cầu nối thúc đẩy các nước đang phát triển trong khu vực.

Tiến sĩ Kwak Sungil, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC, Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP), nói rằng quan hệ hai nước chắc chắn sẽ được tăng cường sâu rộng sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp thành Đối tác chiến lược toàn diện hôm 5/12. Ngoài vấn đề kinh tế, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ cùng nhau phát huy thành tựu hợp tác về ngoại giao, quốc phòng, xã hội và văn hóa, ông Kwak cho biết.

Ông Kwak Sungil có bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học George Washington (Mỹ). Ông từng là trợ lý cố vấn các vấn đề kinh tế cho Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2020-2021. Ảnh: KIEP.
hop tac viet - han anh 1
hop tac viet - han anh 1

Ông Kwak Sungil có bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học George Washington (Mỹ). Ông từng là trợ lý cố vấn các vấn đề kinh tế cho Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2020-2021. Ảnh: KIEP.

Theo ông Kwak, Hàn Quốc và Việt Nam trong những năm qua đã mang lại một cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau. Trước đây, Hàn Quốc sản xuất sản phẩm trung gian và xuất sang Việt Nam, sau đó Việt Nam sẽ dựa vào nguồn hàng đó để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Hiện nay, hàng hóa trung gian được hai bên xuất khẩu qua lại với nhau.

Nhận định về tiềm năng hợp tác trong tương lai, ông Kwak Sungil nói rằng về phía Hàn Quốc, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuỗi cung ứng. Hàn Quốc có thể cùng Việt Nam phát triển đất hiếm, cùng thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Ngược lại, với Việt Nam, Hàn Quốc như một đối tác để hướng tới bước phát triển mới thông qua hợp tác công nghệ, vị chuyên gia của KIEP nhận định. "Giữa hai nước vẫn tồn tại một mối quan hệ bổ sung có thể bù đắp cho những thiếu sót của nhau", ông nói với Zing.

Chất lượng thương mại nâng cấp rõ rệt

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2009, quan hệ song phương đã phát triển đáng kể, đặc biệt là hiệu quả kinh tế rất đáng ghi nhận, ông Kwak nhận định.

Vào thời điểm đó (năm 2009), thương mại song phương đạt chưa đến 10 tỷ USD. Nhưng sau 12 năm, con số này đã là 80,7 tỷ USD (năm 2021), ông nói.

Ngoài ra, ông cho rằng chất lượng thương mại giữa hai nước đã được nâng cấp rõ rệt kể từ khi nâng cấp quan hệ.

Cho đến năm 2010, Hàn Quốc chỉ xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là "nguyên liệu thô" và hàng hóa đã qua chế biến, cũng như "sản phẩm yêu cầu trình độ công nghệ thấp". Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ trung bình và cao đang dần được xuất khẩu sang Việt Nam, theo ông Kwak.

"Các mặt hàng công nghệ cao của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc trước đây có tỷ trọng thấp. Song tỷ trọng các mặt hàng công nghệ cao đã tăng lên từ năm 2010, chiếm hơn 50% vào năm 2020", ông nói.

hop tac viet - han anh 2

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hàn Quốc ngày 5/12 diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Việt Linh.

Còn nhiều tiềm năng đầu tư

Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc ngày 4-6/12, Chủ tịch nước đã gặp lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu ở Hàn Quốc, mở ra nhiều kỳ vọng về cơ hội đầu tư vào Việt Nam khi hai nước nâng cấp quan hệ.

Nhận định về tiềm năng hợp tác, tiến sĩ Kwak Sungil nói hợp tác kinh tế cũng được nâng tầm thêm một bước với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hàn Quốc cũng là quốc gia thứ 4 Việt Nam thiết lập quan hệ song phương cấp cao nhất, sau Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Trao đổi với Zing, ông cho rằng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong những năm gần đây phần lớn đến từ các công ty tư nhân, với quy mô nhỏ và tập trung vào các vùng cụ thể. Ông giải thích điều này đến từ việc Hàn Quốc gia tăng đầu tư quy mô nhỏ vào ngành dịch vụ nhiều hơn là ngành sản xuất.

Từ đó, để mở rộng quy mô hợp tác, ông đề xuất Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư, ngoài ra xem xét chính sách để tìm những điểm đến đầu tư mới, nhiều tiềm năng.

hop tac viet - han anh 3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhóm đối tác của Saigontel/KIND sáng 5/12. Ảnh: Việt Linh.

Về lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc quan tâm đến chuỗi cung ứng và hợp tác trong năng lượng tái tạo. "Phát triển và xuất khẩu đất hiếm để hợp tác chuỗi cung ứng cũng là một cách", ông Kwak nói. Nếu Hàn Quốc đa dạng nguồn hàng, bao gồm nhập khẩu từ Việt Nam, điều này có thể xây dựng chuỗi cung ứng ổn định.

Ngoài ra, về hợp tác khí hậu, Việt Nam có thể thúc đẩy thêm những dự án năng lượng tái tạo mới với Hàn Quốc, hướng đến việc giảm thiểu carbon và đạt được cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Cầu nối cho các nước đang phát triển

Theo ông Kwak Sungil, Hàn Quốc đang đóng góp cho cộng đồng quốc tế với tư cách là một quốc gia có vai trò then chốt trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam đang đóng vai trò như một quốc gia mới nổi tầm trung. Ông nhận định kinh nghiệm phát triển của Việt Nam hiện tại sẽ phù hợp và khả thi ở những nước đang phát triển khác.

"Vào lúc này, tôi tin rằng Việt Nam nên đóng vai trò là cầu nối cho giữa các nước phát triển và nước đang phát triển. Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ là 'người xây cầu' tìm kiếm và hỗ trợ các nước khác", tiến sĩ Kwak nhấn mạnh.

"Nói cách khác, điều quan trọng đối với Hàn Quốc và Việt Nam là hợp tác vì sự phát triển của các quốc gia đang phát triển khác", ông nói thêm.

Ông Sungil Kwak đề cập tiểu vùng sông Mekong có thể được xem như ví dụ cho sự hợp tác này - giữa Hàn Quốc, Việt Nam và khu vực Mekong.

"Do khu vực sông Mekong là nơi quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, việc hai nước (Hàn Quốc và Việt Nam) hợp tác để những quốc gia như Campuchia, Lào và Myanmar cùng phát triển là rất có ý nghĩa", ông nói.

Trước đó, trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày 5/12, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn, cơ chế của quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia, cùng quan tâm, bao gồm hợp tác Mekong - Hàn Quốc và các cơ chế hợp tác Mekong mà Hàn Quốc là đối tác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn Hàn Quốc
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn Hàn Quốc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đến chào xã giao vào sáng 5/12, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc từ ngày 4-6/12.
Bài liên quan

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm