Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nạn nhân bão Philippines kiện công ty làm biến đổi khí hậu

Nạn nhân của các cơn bão ở Philippines sẽ kiện 50 công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch vì vi phạm nhân quyền thông qua các hoạt động dẫn tới biến đổi khí hậu.

Một con thuyền dạt vào bờ khi bão Hải Yến tấn công thành phố Tacloban hồi năm 2013. Ảnh: AP

Những người dân chịu ảnh hưởng từ các cơn bão ở Philippines yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Philippines xem xét trách nhiệm của các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, theo Reuters.

Các tổ chức như Hòa bình Xanh Đông Nam Á, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Liên hiệp các hội khoa học hỗ trợ nhóm khởi kiện. Các công ty, bao gồm cả tập đoàn dầu nhờn Chevron, công ty dầu khí đa quốc gia Exxon Mobil, BP, Royal Dutch Shell và công ty năng lượng quốc tế ConocoPhilips, đã thải khối lượng lớn carbon dioxide và methane, làm biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu năm 2014.

Phản ứng trước đơn khiếu kiện từ các nạn nhân bão, Ủy ban Nhân quyền Philippines hôm 4/12 đồng ý xem xét liệu các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch quốc tế có vi phạm nhân quyền hay không.

Roberto Cadiz, một thành viên của ủy ban, thừa nhận số lượng các công ty dự trữ dầu, khí đốt và than phải chịu trách nhiệm cho trường hợp tử vong hoặc thiệt hại về tài chính sẽ tăng cao. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng biến đổi khí hậu do hai nguyên nhân, gồm hiện tượng thời tiết cực đoan đang tăng nhanh và nỗ lực hạn chế sự phát thải khí nhà kính diễn ra chậm.

Cadiz cho biết ủy ban sẽ khởi động cuộc điều tra trong quý I năm 2016.

Các nhà hoạt động gọi việc người dân Philippines khởi kiện là thách thức pháp lý đầu tiên nhằm tìm kiếm sự bồi thường cho hành vi vi phạm quyền con người thông qua biến đổi khí hậu.

Vụ kiện cùng chuỗi hồ sơ pháp lý gần đây của các nước như Đức, Pakistan, Hà Lan sẽ thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó tới con người hoặc việc đòi các công ty năng lượng bồi thường.

Các chuyên gia pháp lý tham gia cuộc phán của Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp) so sánh việc kiện các công ty dầu mỏ, khí đốt và than đá với những nỗ lực đầu tiên trong quá trình kiện các công ty thuốc lá phải bồi thường do tác hại về sức khỏe với người sử dụng.

Theo các chuyên gia, để giành chiến thắng, những người theo đuổi vụ kiện phải dành nhiều thời gian, có thể hàng chục năm, thậm chí đối mặt với thất bại. Tuy nhiên, vụ kiện có thể gây áp lực lên các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cảnh báo tới các nhà đầu tư.

“Các công ty sợ nhất là bị kiện. Cách tốt nhất để khiến họ chú ý là tuyên bố chúng ta có cơ sở pháp lý và sẽ đệ đơn kiện”, Gregory Regaignon, luật sư kiêm giám đốc Trung tâm Nguồn lực Nhân quyền và Doanh nghiệp có trụ sở tại Anh, nói.

Philippines là quốc gia thường xuyên hứng chịu những trận cuồng phong. Quốc gia Đông Nam Á cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất từ thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Siêu bão Hải Yến năm 2013 tấn công Philippines, cướp sinh mạng của hơn 6.000 người và thiệt hại 13 tỷ USD.

Veronica “Derek” Cabe, 42 tuổi, một trong những người tham gia vụ kiện, cho biết cô từng co ro trong bộ quần áo ướt cùng cháu gái hai tuổi suốt 12 tiếng khi bão Ketsana đổ bộ Philipines hồi năm 2009.

"Chúng tôi thấy thi thể người, động vật, quan tài nổi trên mặt nước, nhưng không thể giúp đỡ họ. Cảnh tượng giống khi xem một phim kinh dị và thật tàn nhẫn khi chúng tôi không thể tắt bộ phim đó", cô nói.

Thông qua dự thảo thỏa thuận ngăn biến đổi khí hậu ở COP21

Đại diện của gần 200 nước dự Hội nghị lần 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu ngày 5/12 thống nhất một dự thảo nhằm chung tay cắt giảm khí thải carbon trên toàn cầu.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm