Bên bờ hồ Victoria ở phía Kenya, cô Justine Adhiambo Obura đang chăm chú nhìn vào một chiếc thuyền. Đó là buổi sáng bận rộn bên bờ hồ. Thuyền cập vào bờ mang đầy cá: cá rô sông Nile, cá da trơn, cá omena - hay còn gọi là cá mòi hồ Victoria. "Đó là chiếc thuyền đầu tiên của chiến dịch No Sex For Fish (Không lấy tình đổi cá)", cô nói. Trong ảnh là Justine Adhiambo Obura, chủ tịch của hợp tác xã No Sex For Fish ở bãi biển Nduru, Kenya, đứng bên chiếc thuyền đánh cá của cô. Ảnh: NPR. |
Cuộc sống của Justine không diễn ra theo cách cô muốn. Cô từng mơ ước trở thành bác sĩ nhưng đã bỏ học cấp ba sau khi mang bầu. Justine có 9 người con, một trong số đó bị khuyết tật, và 9 đứa cháu. Cô là nhân viên y tế cộng đồng được trả lương với nhiệm vụ tư vấn cho những người dương tính với HIV. Justine cũng ở trong hội đồng quản trị của bệnh viện địa phương. Cô có vài con bò, gà và dê. Trong ảnh là những phụ nữ bở bãi biển Nduru đến bờ hồ Victoria để mua cá từ những chiếc thuyền đánh cá suốt đêm. Ảnh: NPR. |
Và từ năm 2011, Justine là người đứng đầu hợp tác xã phụ nữ No Sex For Fish. Cái tên này thể hiện điều mà Justine, hiện 61 tuổi, và những người phụ nữ khác trong làng đã chiến đấu trong nhiều năm qua để thay đổi nó. Trong ảnh, những người buôn cá đến bãi biển Nduru bằng xe đạp và xe máy để mua cá bán cho các nhà hàng và chợ trong khu vực. Họ có tiền để mua những con cá lớn hơn mà phụ nữ địa phương không thể mua được. Ảnh: NPR. |
Ở hồ Victoria, hoạt động trong nghề cá được chia theo giới tính. Đàn ông làm chủ thuyền và đi đánh cá còn phụ nữ mua cá từ họ để bán ở chợ. Những năm 1970, số lượng cá trong hồ suy giảm vì đánh bắt quá mức và các vấn đề môi trường như nước thải nông nghiệp đổ xuống hồ. Số lượng cá bắt được không đủ để cung cấp cho tất cả những người phụ nữ bán cá. Vì vậy, các ngư dân đòi "đổi tình lấy cá" - thường được gọi là “jaboya”. Với nhiều phụ nữ, sự sống còn của gia đình họ phụ thuộc vào việc bán cá. Vì vậy, họ cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia jaboya. "Tôi đưa cho jaboya của tôi một túi nhựa. Anh ta đi đến hồ và mang cá tới cho tôi", Milka Onyango, một bà mẹ 40 tuổi đã có 6 đứa con nói. Ảnh: NPR. |
Những người tham gia jaboya có cơ nhiễm HIV rất cao. Ngư dân thường đi từ làng này sang làng khác và có bạn tình khác nhau ở mỗi địa điểm. Họ cũng không thích sử dụng bao cao su. Kết quả là các cộng đồng nghề cá của Kenya có tỷ lệ nhiễm HIV cao từ 30% đến 40%. Justine luôn phản đối jaboya. Cô nhớ khi lần đầu bán cá, một ngư dân trẻ nói với cô: "Tôi không muốn tiền của cô. Cô thật dễ thương. Tôi chỉ muốn cơ thể cô". Cô rất xấu hổ và tức giận. Cô đã nói: “Đồ ngu ngốc. Làm sao anh có thể nói với tôi như vậy". Ảnh: NPR. |
Sau đó, Justine có một cuộc trò chuyện thú vị với Dominik Mucklow, tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình đóng quân gần Bãi biển Nduru vào năm 2010. Là người làm việc với Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển Victoria (VIRED), một tổ chức phi lợi nhuận địa phương, Mucklow thường đến bãi biển Nduru và gặp gỡ những người phụ nữ ở đó. Mucklow nói anh sẽ giúp họ có tiền, và “thoát khỏi việc lấy tình đổi cá này". Trong ảnh là 6 người trong số những người phụ nữ của hợp tác xã No Sex For Fish. Từ trái sang: Rebbeccah Atieno, Alice Akinyi, Lorine Otieno Abuto, Justine Adhiambo Obura, Rose Atieno Abongo và Naomy Akoth. Ảnh: NPR. |
Mucklow giữ lời hứa. Anh giúp họ có khoản trợ cấp từ chương trình HIV nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ, chương trình PEPFAR. PEPFAR chi tiền cho 6 chiếc thuyền. Một tổ chức từ thiện khác có tên World Connect đã tài trợ 3 khoản tương tự tiếp theo. Kết quả là 9 ngôi làng quanh hồ Victoria được cấp 30 chiếc thuyền. Chiếc thuyền đã thay đổi cuộc đời của nhiều người trong số họ. Cô Naomy Akoth, góa chồng và có tám đứa con, từng tham gia jaboya để có cá bán. Cô bị nhiễm AIDS từ một trong những jaboya của mình. "Tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử", cô nói. "Tôi đã nghĩ đến việc uống thuốc diệt chuột và kết thúc đời mình". Ảnh: NPR. |
Thông qua No Sex For Fish, giờ đây Naomy đang có một chiếc thuyền của riêng mình. "Tôi rất, rất hạnh phúc vì cuộc sống của tôi đã thay đổi", cô nói. "Ngay cả các con tôi cũng hạnh phúc vì tôi có thuyền”. Ngay cả khi không có thuyền, những người phụ nữ khác cũng được giải thoát khỏi jaboya. Họ có thể mua cá từ thuyền của những người trong hợp tác xã No Sex For Fish. Ban đầu, những người đàn ông đánh cá không thích sự cạnh tranh này. Tuy nhiên, Justine khẳng định họ đang thay đổi quan điểm. Ảnh: NPR. |
Những người đàn ông nói rằng họ rất vui khi phụ nữ sở hữu thuyền và họ không thích ý tưởng phụ nữ phải quan hệ tình dục để có cá bán. Họ nói rằng họ không muốn mẹ, chị gái, vợ hoặc con gái của họ bị cuốn vào tập tục này. Tuy nhiên, năm 2019, dự án No Sex For Fish gặp trở ngại. Theo thời gian, nhiều chiếc đã bị hư hỏng, nước tràn vào thuyền, không thể dùng chúng được nữa. Theo ước tính của Justine, chỉ còn khoảng 6 chiếc thuyền là sử dụng được. Ảnh: NPR. |
Dan Abuto, nhân viên tại VIRED, cho rằng họ có thể đã sử dụng những chiếc thuyền này quá chức năng của chúng như dùng để hút cát. Những người phụ nữ của No Sex For Fish vẫn tin chắc rằng sở hữu thuyền là con đường dẫn đến tương lai tốt đẹp hơn. Theo bà Fielding-Miller, từ tổ chức Captrust, dự án No Sex For Fish còn mang lại những lợi ích khác. “Sẽ có những cô gái nhỏ nhìn vào Justine và nói: Tôi có thể làm như vậy. Việc có hình mẫu dám làm một thứ hoàn toàn khác sẽ tạo ra tiếng vang qua các thế hệ", bà Fielding-Miller nói. Ảnh: NPR. |