Một người bố gặp lại con trai sau hơn 20 năm con bị bắt cóc. Ảnh: CEN |
Tuần qua, tấm ảnh chụp từ video của camera an ninh do cảnh sát đăng trên Weibo được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều. Trong hình, một người phụ nữ đang nắm tay một bé gái bước đi. Tuy nhiên, bà ta không phải mẹ của em bé.
Cô bé sống với ông nội tại Quảng Đông. Một ngày nọ, người phụ nữ đến gần hai ông cháu để xin ăn. Người ông thương tình, đi đến cửa hàng gần nhà để mua thức ăn. Tranh thủ lúc này, bà ta nắm tay đứa trẻ rồi biến mất.
"Tôi không thể tìm lại cháu mình. Khi đó, tôi chỉ muốn nhảy xuống sông chết cho rồi", người ông kể lại với báo chí.
Khi cảnh sát đăng tấm ảnh lên mạng xã hội, phần lớn cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ và chia sẻ với nhau, hy vọng giúp gia đình tìm lại con bị bắt cóc. Tuy nhiên, họ không còn ngạc nhiên về tình trạng này.
Ảnh chụp từ camera an ninh cho thấy người phụ nữ đã dẫn bé gái rời khỏi nhà. Ảnh:
Huaxi Daily |
Từ khóa "đầu tiên là xin ăn, rồi bắt cóc cháu" nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. "Câu chuyện đau lòng quá. Chúng ta phải hỗ trợ tìm kiếm cô bé để giúp đưa em về nhà", một người bình luận ở bức ảnh.
Một ý kiến khác lên án gay gắt hơn: "Những kẻ bắt cóc đáng phải bị tử hình". Đây là ý kiến được đa số người dân Trung Quốc ủng hộ. Hiện tại, mức án mà các đối tượng bắt cóc và buôn bán trẻ em chỉ khoảng 10 năm tù.
"Thị trường" béo bở
Tình trạng bắt cóc trẻ em trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc trong những năm qua. Trang Quartz dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, khoảng 20.000 trẻ em đã bị bắt mỗi năm, tức khoảng 400 vụ xảy ra hàng tuần. Cảnh sát Trung Quốc phủ nhận con số này. Tuy nhiên, một số cơ quan truyền thông đại lục nêu con số còn cao hơn.
Buôn bán trẻ con bắt cóc là một chợ đen béo bở ở Trung Quốc. Phần lớn các em bị bán làm con nuôi ở gia đình khác. Một bé gái có thể bán với giá 50.000 nhân dân tệ (khoảng 8.000 USD), trong khi bé trai có thể được bán với giá gấp đôi. Do chính sách một con đã áp dụng ở Trung Quốc nhiều thập kỷ qua (kết thúc từ năm 2016), người mua thường chuộng những bé trai với mong muốn tìm một chỗ dựa khi về già.
Những trẻ em dễ bị các “mẹ mìn” nhắm đến nhất là con của các gia đình lao động nhập cư. Những trường hợp này phổ biến ở vùng nông thôn Trung Quốc, khi bố mẹ đi làm ăn xa ở địa phương khác, để con lại cho ông bà chăm sóc.
Một số vụ bắt cóc khác nhằm vào con cái của những gia đình khá giả nhằm đòi tiền chuộc. Đôi khi, các em bị đưa đến những đường dây ăn xin chuyên nghiệp, bị đẩy ra phố để thu hút sự thương cảm của người đi đường.
của trang web Baby Come Home. Ảnh: BBC |
Tìm con trên mạng
Giữa tháng 10/2015, người dân Trung Quốc chia sẻ câu chuyện kỳ diệu về người bố đã tìm thấy con trai sau 20 năm. Nhật báo Nhân dân cho biết, cậu Sun Wei bị bắt cóc từ khi mới 4 tuổi và được bán cho gia đình ở cách quê cũ hơn 2.200 km. Người bố, ông Sun Zhenghua, đã đi tìm con suốt 20 năm qua. Hai bố con gặp lại nhau sau khi kết quả ADN từ cơ sở dữ liệu của cảnh sát được khớp nối.
Tuy nhiên, câu chuyện của ông Sun chỉ thuộc về số ít trường hợp đoàn tụ may mắn. Do vậy, hàng trăm nghìn phụ huynh tuyệt vọng vì mất con đã viện đến mạng xã hội để huy động sự lan tỏa to lớn của nó. Nhiều người khác cũng tham gia nhằm tìm kiếm bố, mẹ của những đứa trẻ bị bắt cóc.
Chiến dịch tìm con trên mạng lớn nhất là Baby Come Home. BBC ngày 25/1 cho biết, Weibo của chương trình đến nay đã thu hút 350.000 lượt theo dõi. Chiến dịch cũng thành lập một trang web để người dùng đăng tải ảnh các trẻ em bị bắt cóc cùng nhiều thông tin khác nhau.
Kerry Allen, một nhà quan sát Trung Quốc, nhận định mạng xã hội có thể là công cụ mạnh mẽ để giúp kết nối bố mẹ với trẻ em thất lạc. "Chiến dịch có nền tảng vững mạnh do số người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng nhanh ở Trung Quốc, hiện khoảng 50% dân số và còn có thể tăng nữa. Khi đó, ngày càng nhiều người sẵn sàng chia sẻ thông tin về trẻ mất tích".