Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những sự mất tích thổi bùng lo âu ở Hong Kong

Nhiều người ở Hong Kong cảm thấy hoang mang sau sự biến mất của 5 nhân viên nhà xuất bản chuyên các ấn phẩm về những lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Nhiều người dân Hong Kong biểu tình sau khi 5 nhân viên nhà xuất bản Mighty Current mất tích. Ảnh: Reuters>

Nhiều người Hong Kong cảm thấy thỏa thuận lịch sử về việc Bắc Kinh cho phép đặc khu hành chính có chính quyền và hệ thống luật pháp riêng biệt có thể đang lung lay sau những vụ mất tích.

Theo kịch bản tệ nhất mà nhiều người đồn đoán, Bắc Kinh đã "bắt cóc" 5 người đàn ông và đưa về đại lục để ngăn chặn các phát ngôn và buộc họ khai các nguồn tin Trung Quốc.

Hôm 30/12/2015, Lee Bo, một biên tập viên của nhà xuất bản Mighty Current Media và có vợ là một trong ba đồng sở hữu nơi này, trở thành người mất tích mới nhất. Ông được nhìn thấy lần cuối hôm đó, khi rời khỏi một nhà kho.

Theo lời kể của Bei Ling, một nhà văn sống tại Mỹ và theo dõi vụ việc, ba ngày sau, Lee gọi điện cho vợ, Choi Ka Ping, từ Thâm Quyến – thành phố nằm sát Hong Kong. Lee nói ông đang hỗ trợ nhà chức trách trong một vụ điều tra.

Trước Lee, 4 người đàn ông làm việc cho Mighty Current Media lần lượt mất tích hồi tháng 10. Người thứ nhất là Gui Minhai, một nhà văn mang quốc tịch Thụy Điển và đồng sáng lập Mighty Current Media. Ông biến mất tại Thái Lan hôm 15/10/2015. Người thứ hai là Lu Bo, một nhà quản lý của công ty. Lu biệt tích khi ông tới Thâm Quyến. Zhang Zhiping, nhân viên phát triển kinh doanh, và Lin Rongji, một người quản lý nhà sách, cũng mất tích.

Các trường hợp này đều được cho là có liên quan với nhau và đã làm dấy lên rất nhiều giả thuyết. Mighty Current Media đã viết, xuất bản và tung ra thị trường những cuốn sách có nội dung phê phán mạnh mẽ nhiều chính trị gia Trung Quốc, đề cập tới nhiều chủ đề, bao gồm cả đời sống riêng tư của những lãnh đạo cấp cao và vấn đề tham nhũng. Những đầu sách này bị cấm ở Trung Quốc đại lục, nơi chính quyền kiểm soát chặt chẽ ngành xuất bản và truyền thông.

Thế nhưng, tại Hong Kong, nơi rất nhiều quyền tự do công dân được đảm bảo trong suốt nửa thế kỷ qua bởi thỏa thuận mở đường để Anh trao trả thành phố cho Trung Quốc vào năm 1997, xuất bản những cuốn sách chẳng những không phạm pháp, mà còn là ngành kinh doanh béo bở, với khách hàng gồm cả những người tới từ đại lục. Trong khi người ta không có bằng chứng nào cho thấy 5 nhân viên của Mighty Current Media bị giới chức Trung Quốc "bắt cóc", nội dung của những cuốn sách mà họ tung ra thị trường đã làm dấy lên những nghi ngại.

“Đây là vấn đề đáng lo đối với đa số người dân Hong Kong, vì họ chưa bao giờ nghĩ những việc như thế có thể xảy ra ở thành phố. Nếu sự liên quan của giới chức Trung Quốc được xác nhận, vụ việc sẽ càng trở nên tồi tệ”, Dennis Kwok, một luật sư khá nổi tiếng và là thành viên của Hội đồng Luật pháp Hong Kong, bình luận.

Lương Chấn Anh, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, thông báo với báo giới hôm 4/1 rằng cảnh sát đang điều tra 5 vụ mất tích, đồng thời nhắc lại rằng chỉ giới chức Hong Kong mới có quyền thực thi luật pháp trong thành phố. Ông thừa nhận rằng nhà chức trách chưa có đủ bằng chứng để xác định thủ phạm của những vụ mất tích.

Hong Kong hưởng quy chế bán tự trị, với chính quyền và hệ thống luật pháp từ thời là thuộc địa của Anh, theo thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” với Trung Quốc. Simon Young, một giáo sư luật của Đại học Hong Kong, nói rằng dù đã ký hiệp ước dẫn độ với nhiều nước (gồm cả Mỹ), đặc khu này chưa ký hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh trong 18 năm từ khi trở về với Trung Quốc.

“Đó là một trong những hố đen tồn tại trong quan hệ pháp lý giữa Hong Kong và đại lục”, Young nhận xét.

Phóng viên không thể liên lạc với bà Choi, vợ ông Lee, qua điện thoại. Nhưng những người mất tích không hoàn toàn mất khả năng liên lạc. Theo Bei, biên tập viên Lee gọi điện cho vợ hôm 2/1, còn nhà văn Gui liên lạc với vợ ở Đức qua Skype nhiều lần, trong đó lần gần nhất diễn ra hôm 24/12. Ngoài ra Gui cũng chuyển tiền cho con gái nhiều lần.

Bao Pu, một nhà xuất bản ở Hong Kong cũng từng phát hành những sách chính trị mà chính phủ cấm ở đại lục, nói rằng Gui và Lee kinh doanh những cuốn sách về giới lãnh đạo Trung Quốc trong khoảng một thập kỷ qua. Đôi khi họ xuất bản một cuốn mỗi tuần.

Mighty Current Media kiểm soát một số công ty xuất bản. Bao và Bei nói những công ty đó cung cấp từ 1/3 tới 60% sách về chính trị Trung Quốc tại các sạp báo và hiệu sách. Như vậy, nếu Mighty Current Media bị khống chế, số lượng sách chính trị về lãnh đạo Trung Quốc sẽ giảm mạnh.

Người ta bán hàng nghìn cuốn sách về những nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tại phi trường và nhiều hiệu sách, sạp báo tại Hong Kong. Chẳng ai có thể khẳng định những cuốn sách như thế nói sự thật, song nhiều người ở đại lục tin nội dung của chúng.

Tại đại lục, người dân chỉ có thể phán đoán các vấn đề chính trị qua những tin đồn. Thực tế đó càng làm tăng ảnh hưởng của những cuốn sách, bởi chính quyền kiểm duyệt mọi cuộc thảo luận về chúng, ngay cả khi các học giả thảo luận để bác bỏ nội dung tác phẩm.

“Nếu một cuốn sách nói về Tổng thống Barack Obama và những người tình xuất hiện ở Mỹ, người dân sẽ nói chúng chỉ là những thứ vớ vẩn”, nhà văn Bei nhận định.

Bei, người đang đấu tranh cho tự do ngôn luận, đoán rằng rất có thể nhà chức trách Trung Quốc bắt 5 người đàn ông để truy tìm những người cung cấp thông tin cho họ viết những cuốn sách.

Dù chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận hay phủ nhận rằng 5 người đang ở đại lục, một bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã công kích cửa hàng sách của Mighty Current Media hôm 4/1. Bài xã luận nói mô hình kinh doanh của Mighty Current Media dựa vào việc gây rắc rối ở đại lục.

"Kiểu kinh doanh đó đang can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc một cách trá hình, đồng thời phá hoại những quyền lợi của Trung Quốc trong việc xây dựng xã hội hài hòa, ổn định", tác giả bài xã luận nhấn mạnh.

Biên tập viên Hong Kong báo tin an toàn sau khi mất tích

Vợ của Lee Bo, nhân viên tại một nhà xuất bản ở Hong Kong, nói bức thư viết tay được cho là do Lee viết nói ông vẫn an toàn sau những ngày biến mất đột ngột.

Linh Phong (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm