Suốt thời gian Bắc thuộc, chữ Hán dần trở thành ngôn ngữ chính được sử dụng trong xã hội Việt Nam phong kiến, nhưng người dân Việt Nam vẫn luôn có ý thức sáng tạo ra bản ngữ của riêng mình. Chữ Nôm ra đời trên tinh thần ấy.
Đến thời Trần, các trước tác chữ Nôm có dấu tích rõ rệt, đánh dấu một bước chuyển mình trong sự phát triển văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. Nhiều tác phẩm có giá trị ra đời, chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam.
Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng ở thể loại truyện thơ Nôm như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên… thơ chữ Nôm cũng đạt nhiều thành tựu với nhiều tác giả như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương….
Tập sách Nam thi hợp tuyển của học giả Nguyễn Văn Ngọc được xuất bản phổ biến trở lại nhằm bảo tồn những giá trị văn chương truyền thống trong dòng chảy văn học hiện đại.
Sách Nam thi hợp tuyển. |
Khi soạn cuốn sách Nam thi hợp tuyển, Nguyễn Văn Ngọc, trong lời tựa có viết: “Ta sở dĩ biên tập và chú thích quyển Nam thi đây, là chỉ vì những bạn thiếu niên bây giờ còn có bụng với thơ, yêu thơ và muốn ngâm thơ vậy. Nếu ta mà giúp được một phần trong muôn phần về cái khoa ngôn ngữ cho bạn thiếu niên ta, không để ai nói được rằng: 'Bất học thi, vô dĩ ngôn' thì ta làm quyển sách này cũng không phải là mất công vô ích vậy”.
Ông biên soạn cuốn Nam thi hợp tuyển với 114 bài thơ Nôm của các thi sĩ Việt, từ những tác gia nổi tiếng như: Lê Thánh Tôn, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…. đến những tác giả vô danh, ghi nhận công lao của họ đối với dòng văn học truyền thống.
Để tiện cho việc tìm hiểu và nghiên cứu của độc giả, tác giả đưa ra phần Thi pháp nhập môn, giới thiệu định nghĩa về thơ, các thể thơ, các lối thơ, bộ phận thơ, cũng như những niêm, luật trong thơ.
Với mỗi thi sĩ, Nguyễn Văn Ngọc tuyển chọn những bài thơ đặc sắc để dẫn giải.
Trong tập sách của mình, Nguyễn Văn Ngọc đã tuyển chọn những bài thơ xuất sắc của Trần Tế Xương như: Thi hỏng, Anh vô nghệ, Cái chữ nho, Cái học nhà nho, Về đi cày... Mỗi bài thơ đều phản ánh sự giễu nhại của Tú Xương với hiện thực xám xịt, đầy những bất công.
Thơ Trần Tế Xương thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Với thi sĩ, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường - thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Trần Tế Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
Bài thơ Anh vô nghệ của Trần Tế Xương:
“Giời đất sinh ra chán vạn nghề
Làm thầy, làm thợ với làm thuê
Bác này ấy mới thái vô tích
Sáng vác ô đi, tối vác về”
Trong phần giải Ý và Văn, tác giả viết: "cái ý bài vốn chỉ nhằm riêng có một người thôi, nhưng cứ kể, hạng người vô nghệ ở đời tưởng cũng còn nhiều, mà mỗi một người ấy chẳng dự cái tên là người vác ô được ư? Chữ vác đây nhắc lại hai lần thực là chữ nhãn tự của bài, thoạt nghe tưởng như gánh vác nặng nhọc lắm, song dưới thấy nói vác là vác ô lại có hai chữ đi, về kèm sau mới thành bật cười mà rõ ngay một anh vô nghệ vậy".
Dẫn ý như vậy thật khiến độc giả am hiểu hơn ý tứ sâu sắc của thi sĩ.
Tác giả Nguyễn Văn Ngọc. |
Trong tập sách Nam thi hợp tuyển, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng được tác giả tuyển tập nhiều bài thơ hay như: Khóc chồng, Phận lẽ mọn, Không chồng mà chửa, Sầm Nghi Đống, Cái quạt giấy...
Hồ Xuân Hương là thi sĩ đã thoát được cái quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình. Tài hoa và cá tính của Hồ Xuân Hương đến nay vẫn khơi gợi nhiều nghiên cứu của các học giả kim cổ.
Trong cuốn sách Nam thi hợp tuyển, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc thể hiện sự trân trọng những giá trị văn chương lâu đời của dân tộc, đồng thời đã "nêu một bài học quý về biên soạn khoa học văn chương, phổ cập trong người đọc với việc chú giải từ ngữ khó, điển tích cũ, so sánh các dị bản cùng tồn tại, thẳng thắn nêu chính kiến và sự đánh giá của người soạn" (Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện)
Nam thi hợp tuyển giúp văn học cổ đến gần hơn với độc giả hôm nay để độc giả có cái nhìn hệ thống và sâu sắc hơn, để những giá trị cũ không bị phai nhoà bởi thời gian.
Nguyễn Văn Ngọc từ nhỏ đã học cả Hán học lẫn Tây học. Sau một thời gian dạy học, ông làm Thanh tra các trường sơ học và phụ trách Tu thư cục của Nha học chính, rồi được bổ nhiệm đốc học tỉnh Hà Đông. Hơn 30 năm làm giáo học, ông đã sưu tầm, biên soạn nhiều sách giáo khoa, sách nghiên cứu văn học có giá trị.
Trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Văn Ngọc có nhiều tác phẩm có giá trị, như: Phổ thông độc bản (1922); Nam thi hợp tuyển (1927); Ngụ ngôn(1935); Tục ngữ phong dao I, II (1928); Bàn về vấn đề cải lương hương chính (1920); Câu đối (1931); Người Mường (1925); Đào nương ca(1932); Đông Tây ngụ ngôn (1927); Nhi đồng lạc viên (1936); Để mua vui(1929); Truyện cổ nước Nam (1932); Cổ học tinh hoa (hợp soạn, 1933)… Ngoài ra, ông còn là tác giả hai cuốn sách giáo khoa về Việt ngữ viết bằng tiếng Pháp: Méthode langue annamite (1933); Cours de langue annamite (1936).