Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm sau tiêu nhiều hơn năm trước thì bao giờ an toàn nợ công?

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng với tư duy chi ngân sách hiện nay thì khó đảm bảo an toàn nợ công. Phần quyết định là tinh giản biên chế.

Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 2018-2020.

Trong 3 ngày 31/10 đến 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Trong ngày làm việc đầu tiên đã có 41 phát biểu 8 tranh luận, và 2 bộ trưởng đăng đàn. Ngoài ra 69 đại biểu chờ phát biểu. 

Sáng mai, hai Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn sẽ giải trình. 

  • GDP có khả năng đạt mốc cao nhất 5 năm

    Theo báo cáo mà Chính phủ gửi Quốc hội ngay đầu kỳ họp, Chính phủ dự báo toàn bộ 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao cho năm 2017 sẽ đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

    Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP có thể đạt con số 6,7%, vốn được xem là thách thức. Nếu đạt, con số tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ là cao nhất trong 5 năm gần đây.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi 3 ngay anh 1

    Dù hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 từ 6,5% xuống còn 6,3%, Ngân hàng Thế giới cho rằng quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ giúp cải thiện tiềm lực tăng trưởng.

    "Mặc dù có sự suy giảm nhẹ trong tăng trưởng, nhất là trong quý I, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện đà tăng trương khá vững chắc”, báo cáo của Ngân hàng thế giới viết.

    Trong khi đó, tại báo cáo thẩm tra,  Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng gắn với chỉ số ấy cũng như các chính sách để tránh các rủi ro phát sinh.

    Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng chia sẻ mối lo này khi tăng trưởng phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI, tăng trưởng đi liền với tăng nhập siêu cao... Một số vấn đề tồn tại lâu năm của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục mà nợ công là một trong các thách thức lớn.

    Theo báo cáo của Chính phủ, dư nợ công hiện khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

     


  • GDP quý I/2018 có lại rơi tự do như vài năm qua?

    Đó là câu hỏi của ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) trước thực tế biến động chỉ số tăng trưởng GDP vài năm gần đây.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi 3 ngay anh 2

    Dẫn ra chỉ số tăng GDP từng quý của các năm 2015, 2016, ông Hàm đặt ra thực tế GDP có xu hướng rơi tự do vào các quý đầu năm trong khi thường tăng cao dần vào cuối năm. 

    Tăng trưởng GDP quý IV/2016 đang gần 7% rồi lại đột ngột rơi về hơn 5,1% của quý I/2017. Sau đó, chỉ số tăng GDP tăng tốc thần kỳ ở các quý cuối năm. Liệu quý I/2018 có thoát được quy luật bất thường này?

    Đại biểu Hoàng Quang Hàm: GDP quý I/2018 có lại rơi tự do? Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng sự bất thường trong biến động tăng trưởng GDP thể hiện việc tăng trưởng có điểm nghẽn bất hợp lý, trái quy luật thông thường.

    Ông Hàm cho rằng nếu không có sai sót về số liệu thống kê, thì sự bất thường trong biến động tăng trưởng GDP thể hiện việc tăng trưởng có điểm nghẽn bất hợp lý, trái quy luật thông thường. Chính phủ cần làm rõ để tránh câu chuyện tương tự. 

    Thiên tai như giặc, cuốn phăng công sức phát triển 

    ĐBQH Nguyễn Đắc Kình (Sơn La) đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, có cơ sở để kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng khi GDP quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại nặng nề.

    Theo ông, cần cách tiếp cận thực tế, với chuẩn bị đầy đủ và quyết tâm, với biện pháp linh hoạt, nhất là đối phó với thiên tai.

    Bài học từ Sơn La cho thấy thiên tai như thứ giặc, cuốn phăng, vùi lấp công sức phát triển kinh tế, tính mạng nhân dân… Vì thế, bên cạnh phát triển kinh tế, cần tính tới các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.

  • Đại biểu lo tình trạng trên nóng dưới lạnh, bộ máy bên dưới thờ ơ

    Hơn 10 phút phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dành thời gian để nói về vấn đề mà ông cho rằng nhược điểm đã rõ của bộ máy: Tình trạng trên nóng dưới lạnh. Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ quyết liệt, quyết tâm nhưng bộ máy bên dưới thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ.

    Hai dẫn chứng được nêu ra là tình trạng buôn lậu, cụ thể là buôn lậu thuốc lá và nạn phá rừng. 

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi 3 ngay anh 3
    Theo ĐB Cương, tình trạng buôn lậu thuốc lá là bằng chứng về việc trên bảo dưới không nghe. 

    Mang một bịch thuốc lá mua được trong 3 ngày đi khảo sát, mục sở thị tình trạng buôn thuốc lá lậu tại các tỉnh phía Nam, ông Cương cho biết, tình trạng buôn lậu đang rất sôi động, trên đất liền và trên biển, thiệt hại lớn nhưng không có thống kê và có giải pháp hữu hiệu.

    "Tôi thấy vận chuyển công khai ở những cung đường nhất định, theo giờ nhất định. Ở Châu Đốc, thuốc lá lậu được chở xe máy 1 đến 4h sáng. Còn qua Long An, đoạn quốc lộ 62, cách cửa khẩu chỉ vài trăm mét, thì thời gian là trước 13h. Đó là khung giờ bọn buôn lậu mua được, xe máy chạy rầm rầm với tốc độ kinh hoàng, dù chúng tôi chụp ảnh, quay phim", đại biểu Cương cho biết.

    "Tôi chỉ mong 1 lần được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát trong 3 ngày nhưng đáng tiếc là không gặp. Nếu tăng cường chống tiêu cực thì việc này sẽ còn gia tăng, đặc biệt sắp Tết", ông nói.

    Chuyện phá rừng cũng là minh chứng của trên nóng dưới lạnh. Quyết định của Chính phủ bị vô hiệu hóa.

    "Nếu không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại, của kiểm lâm thì không thể có chuyện lâm tặc tàn phá như vậy", ông Cương trăn trở.

    Rừng bị phá tan hoang, lãnh đạo địa phương mới đến xem xét, chỉ đạo mà không phải chịu trách nhiệm gì, thì bao giờ mới đóng cửa được rừng như chỉ đạo của Thủ tướng. 


  • Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị đến đâu?

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết năm 2017 Chính phủ nỗ lực, quyết liệt, kiên định trong thực hiện các mục tiêu nên kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhưng một số vấn đề có đề cập, theo đại biểu Hải, chưa đậm nét.

    Mô hình sản xuất, quản lý, nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm tiêu thụ VietGAP, GlobalGAP chưa có nhiều tiến triển, giải cứu nông sản chưa triệt để. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đi kèm chưa tốt. 

    Thu hút nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Formosa nhưng phải xem DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị này đạt đến đâu, giá trị nội địa đến đâu.

    Tiếp đó, ông băn khoăn về kết nối giữa DN Việt và DN FDI. Ông Hải cho rằng cần quan tâm xúc tiến đầu tư, tập trung xây dựng mạng lưới phân phối, nếu có mạng lưới tốt thì mới tránh được tình trạng giải cứu nông sản ồ ạt như gần đây. Môi trường đầu tư cần được cải thiện, nâng cao trách nhiệm bộ máy công quyền, tránh nhũng nhiễu.

  • Phần nhiều doanh nghiệp FDI báo thua lỗ

     

    Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng sau cơn địa chấn thu hút FDI lại là mối lo về mối liên hệ giữa FDI và tăng trưởng. Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI là đáng lo ngại.

    Điểm lại những đóng góp của GDP cho nền kinh tế, ĐB Nhân chỉ ra khu vực này chỉ đóng góp 15-19% cho ngân sách, thấp nhất trong các khu vực. Phần nhiều doanh nghiệp FDI báo thua lỗ, nhưng điều ngược đời là càng thua lỗ thì càng mở rộng sản xuất.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi 3 ngay anh 4

    Nhiều doanh nghiệp mang tiếng công nghệ cao nhưng phần lớn là gia công, lắp ráp. Chúng ta cung cấp nhiều ưu đãi đặc thù cho FDI nhưng có xứng đáng.

    Trong khi đó, theo ông Nhân, doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm. Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính từ chối ưu đãi thuế như Samsung, gốm sứ Minh Long bị từ chối khoản hỗ trợ tài chính vì thiếu một vài thủ tục… thì có công bằng cho nền kinh tế.

    Có 1 triệu doanh nghiệp mà không có thay đổi cách tiếp cận, thì chỉ tăng về lượng mà khó tạo đổi về chất.

    "Đến bao giờ chúng ta có thể rời vai những gã khổng lồ, tự đứng vững được trên chân của mình", ông Nhân nêu. 

     



  • 'Làm 10 đồng đóng thuế gần 4 đồng'

    Đại biểu Lê Minh Chuẩn - Quảng Ninh, nêu thực tế người dân đang phải cõng nhiều loại thuế, phí trên thu nhập. Người dân làm 10 đồng thì phải nộp thuế gần 4 đồng.Thực tế năm 2017 đã áp dụng tối đa phương pháp tận thu nhưng ngân sách vẫn giảm, thu không đủ chi. Dù đã tăng tối đa xong kết quả thu NSNN không đạt mong muốn đề ra, vì vậy cần xem xét lại phương pháp.

    Thay vì tận thu doanh nghiệp nên chuyển sang dưỡng thu để ổn định nguồn thu các năm. Từ đó, tạo một trường kinh doanh thuận lợi, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như vậy sẽ cải thiện được nguồn thu.

    Trong khi đó ĐB Đặng Thuần Phong - Bến Tre thì nêu thực tế thu ngân sách gặp khó khăn. Tăng sản lượng dầu không đạt, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN không đạt trong khi nợ đọng rất lớn.

    Trong khi nguồn thu vất vả nhưng chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên mà không đủ để chi đầu tư và trả nợ, sức ép trả nợ lớn, tính trạng vay đáo hạn nợ là nguy cơ.

    Ngoài ra, nhiều hoạt động gây phản ứng mạnh từ phía người dân liên quan tới các hoạt động DNNN như các dự án thuộc đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Đồng Tâm, các dự án BOT tình trạng ô nhiễm môi trường…

    Nguồn thu năm 2018 cần cân nhắc cho hợp lý, việc tăng thuế VAT, TNDN chưa thuyết phục có thể gây phản ứng từ xã hội. Không nên tăng lãi suất và tình trạng bội chi 3,7% GDP cần phải giải trình rõ ràng, tăng lương 7% cần thực hiện sớm tránh kéo dài và không tăng biên chế.

  • Đại biểu Long An nói lại về chuyện buôn lậu thuốc lá

     

    Tại hội trường, 2 đại biểu của Long An là bà Mai Thị Ánh Tuyết và Phan Thị Mỹ Dung cùng lên tiếng phân trần về nỗ lực chống tham nhũng của địa phương.

    Theo bà Dung, tỉnh Long An đã tăng cường tiến hành kiểm tra xử lý tình trạng buôn lậu. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã xử lý các vụ buôn lậu gần bằng số lượng cả năm 2016.

    Việc giám sát tình hình buôn lậu trên địa bàn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo. Qua giám sát, hoạt động buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã đc kiểm soát, giảm 50% so với năm trước.

    Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu tại Long An rất phức tạp với hơn 134 km tiếp giáp với Campuchia với nhiều ngõ ngách, đường mòn gây khó khăn cho việc quản lý, thuận lợi với các đối tượng buôn lậu. Đặc biệt, hiện nay các đối tượng buôn lậu thuốc lá còn sử dụng ôtô để vận chuyển với số lượng lớn nhưng khi kiểm tra thì cũng chỉ có thể tịch thu và xử lý hành chính vì quy định phải tới năm 2018 mới được phép xử lý hình sự.

    Điều này dẫn tới chưa đủ tính dăn đe với các hoạt động buôn lậu.

     

  • Không thể để cô giáo cống hiến 37 năm, lương hưu 1,3 triệu

    Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu vấn đề việc thiếu giáo dục từ sớm gây ra nhiều hệ lụy tới giới trẻ cùng với đó sự thiếu gương mẫu của một bộ phận người lớn…

    Ông đề nghị Quốc hội quan tâm giảm sát luật trẻ em, Chính phủ làm tốt hơn giáo dục đào tạo. Đại biểu cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những đột phá trong công tác giáo dục mầm non thông qua các giải pháp như nhận thức đúng bậc học, tạo nền tảng tốt cho bậc học này….

    Đại biểu Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức… rất coi trọng giáo dục sớm đặc biệt là bậc học mầm non. Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần đổi mới về mô hình, nội dung giảng dạy và nghiên cứu tăng lương cho giáo viên mầm non, những người vừa phải sử dụng trí tuệ để giáo dục trẻ nhỏ vừa phải lao động chân tay để nuôi dưỡng bản thân.

    "Họ xứng đáng nhận được mức lương cao hơn hiện nay. Không nên để xảy ra tình trạng cô giáo mầm non sau 37 năm cống hiến chỉ nhận hưu 1,3 triệu đồng/tháng như cô Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh", ông Hiển nói.

  • Quốc hội tạm nghỉ. Chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường sẽ trao đổi lại một số vấn đề đại biểu nêu trong buổi sáng. 

  • Trách nhiệm Quốc hội ở đâu trong các vụ sân golf Tân Sơn Nhất, Đồng Tâm, Sơn Trà

    Là người đầu tiên tranh luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề Quốc hội đồng hành với Chính phủ như thế nào?

    Cơ quan hành pháp trực tiếp tạo xung lực phát triển nhưng cơ quan lập pháp không thể đứng ngoài cuộc.

    Chúng ta có trách nhiệm gì với hoạt động Chính phủ và chính quyền địa phương. Quốc hội, ĐBQH có vai trò gì trong các vấn đề của dân bức xúc: Sân golf Tân Sơn Nhất, Đồng Tâm, bán đảo Sơn Trà…, chuyện ma trận phân bón giả...

    Câu hỏi đặt ra là cơ quan dân cử đã làm tốt trách nhiệm giám sát. Giá trị của việc giám sát thế nào?

    Dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nhưỡng cho rằng Quốc hội phải làm tốt công việc giám sát và xử lý hậu giám sát. Không thể giám sát rồi để đó.

    Theo ông Nhưỡng, trong nhiều trường hợp còn nợ, thậm chí chìm xuồng. Vụ việc về công ty dệt Long An, 2 bản án ở 2 cấp xét xử, 4 cái đính chính nhưng không phúc thẩm. Vụ việc của công ty Thuận Phong không ai lên tiếng, vụ việc cháu bé 1 tuổi bị hãm hiếp ở TP.HCM... 

    Tuy nhiên, tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phải tạm dừng vì quá thời gian.

     


  • Đại biểu muốn đưa hình ảnh cuộc sống vào Quốc hội

    ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị cần xem lại lương của nghề giáo dục, đặc biệt là giáo dục mần non đã thỏa đáng hay chưa. Việc đóng bảo hiểm xã hội và lương hưu mà BHXH chi trả khi về hưu cho 1 giáo viên như vậy đã thỏa đáng chưa, cần phải tìm cách giải quyết cho những người làm nghề giáo dục.

    Liên quan đến chuyện buôn lậu thuốc lá, ông Trí khen việc ĐB Cương đưa dẫn chứng sinh động, bằng chứng thật và khách quan vào hội trường. Các địa phương tranh luận là hay nhưng cần một câu: Tiếp thu và xin xem xét, tổ chức lại tốt hơn. Chúng tôi tin ĐB Cương không nói thêm làm gì.

    Theo ông Trí, chống buôn lậu không phải ở khâu chốt, chặn, đuổi bắt mà ở phạt, ở người bán thì hiệu quả hơn.

    Ông Trí cũng nêu vấn đề đại biểu Cương có thể mang thuốc lá vào chứ chúng tôi muốn đưa giường bệnh thì làm thế nào? Đoàn đề xuất bổ sung màn hình để đại biểu có thể trình chiếu các hình ảnh đời sống thật của dân vào Quốc hội.

    Nhà nước phải bù 37.000 đồng cô Lan mới được nhận mức lương 1,3 triệu

    Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết để cô Trương Thị Lan nhận lương hưu 1,3 triệu đồng thì Nhà nước đã phải bù thêm 37.000 đồng do nền lương đóng BHXH quá thấp.

  • Đại biểu chất vấn chuyện đầu tư giao thông đứt đoạn

    ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu thực trạng đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL còn nhiều bất cập

    Sự quan tâm còn rất hạn chế, nhiều dự án hạ tầng lớn như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được phê duyệt nhưng vẫn im hơi lặng tiếng, một đoạn đường cao tốc HCM chưa quy hoạch trong khi cả đường đã hoàn thành, một loạt dự án đầu tư theo kiểu đứt đoạn. 

    Chất lượng đầu tư số 1 dự án quốc lộ 61 qua Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang đã suống cấp mới đi chưa được một năm đã hỏng nặng.

    Đặc biệt, người dân ĐBSCL muốn đi ra bên ngoài chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là quốc lộ 1A nhưng hàng loạt trạm BOT mọc lên gây cản trở di chuyển.

    Người dân chỉ tham gia vào đoạn BOT vài trăm mét vẫn phải đóng vài chục nghìn đồng để có thể xuống phà di chuyển.

  • Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường 'báo cáo thật' về dự báo thời tiết

    Thông tin giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề cập 2 nhóm vấn đề được các đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày đầu.

    Liên quan dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai, ông đồng tình với nhận định của một số đại biểu Lai Châu, Thanh Hóa… rằng công tác dự báo chưa chủ động, chính xác định lượng lượng mưa, lũ ống, tình trạng mất rừng, công tác bố trí dân cư, người dân bố trí nhà cửa, sản xuất trong những khu vực nhạy cảm chưa tốt.

    Bộ trưởng "báo cáo thật là công tác dự báo định lượng mưa, đặc biệt lũ quét, sạt lở thì các nước tiên tiến cũng mới giải quyết được dự báo trên diện rộng, còn khu vực cụ thể còn khiếm khuyết, khoa học hiện nay chưa đảm bảo".

    Hiện nay, Đảng và Nhà nước có đầu tư, Bộ TNMT đang đưa về đồng bộ.

    Thời gian tới cần triển khai khẩn trương luật khí tượng thủy văn, hiện nay có 1.300 điểm báo mưa, dự tính lên 3.000 điểm, chúng ta có trình độ trung bình.

    Bộ đồng tình các kiến nghị về việc xây dựng bản đồ dự báo lũ ống, quét, đề nghị địa phương, bộ ngành. Chúng ta đòi hỏi giải pháp đồng bộ, quy hoạch, bố trí dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường dự báo, cảnh báo khí tượng 

  • Xem xét mô hình tích tụ đất đai phù hợp

    Về quản lý đất đai, ông Hà cho biết Bộ TNMT đang sơ kết việc thực hiện chủ trương chính sách về đất đai. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các vấn đề giải phóng mặt bằng, giá đất theo thị trường, tích tụ đất đai…

    “Đây đều là vấn đề hết sức bức xúc”, ông phát biểu.

    Tích tụ, tập trung đất đai là vấn đề quan trọng tiến tới công nghiệp hóa nông nghiệp công nghệ cao. Có nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan không tích tụ diện tích lớn nhưng bản thân họ cũng phát tiển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, ông cho rằng tích tụ, tập trung chỉ là điều kiện cần.

    Tích tụ, tập trung thì phải đảm bảo quyền lợi người dân, gắn với sinh kế lâu dài.

    Một điều cần khuyến khích là hộ gia đình nên chuyển thành doanh nghiệp, tiếp tục xem xét có mô hình tích tụ đất đai phù hợp. Theo ông, cần xem lại diện tích an ninh lương thực trồng lúa.

    Trong phần báo cáo của mình, tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường cũng nhắc đến kết quả của hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và khẳng định: “Từ Formosa, LeeMan… đang có sự chuyển mình”.

  • Mừng vì Chính phủ không quá lạc quan với tăng trưởng

    Ông Vũ Tiến Lộc cho biết ông mừng vì Chính phủ không quá lạc quan với kết quả tăng trưởng.

    Chúng ta cần nhớ dù tăng trưởng GDP cao nhưng gần 60% DN làm ăn không có lãi. Số DN thành lập mới rất cao nhưng số giải thể cũng không ít. Doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vì thế, mục tiêu 2018 không cao hơn so với 2017 là sự cẩn trọng cần thiết.

    Ông cho hay Chính phủ vẫn cần tập trung hơn, cải cách thể chế.

  • Tư duy năm sau muốn tiêu nhiêu hơn năm trước thì bao giờ mới an toàn nợ công?

    Theo ông Vũ Tiến Lộc, quyết tâm của Chính phủ thời gian qua có thể nhìn thấy là rất lớn, nhưng cho tới nay, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Chi thường xuyên vẫn cao, nợ công cũng cao, tốc độ giải ngân.

    “Năm nào chúng ta cũng muốn tiêu nhiều tiền hơn năm trước” - ông nêu thực tế và đặt câu hỏi với tư duy thu chi như vậy thì bao giờ mới đưa về bảo đảm an toàn nợ công.

    Theo đó, vấn đề cân đối NSNN là cấp bách nhưng miệng ăn núi lở, nhưng tình hình hiện nay không phụ thuộc Bộ Tài chính, mà phụ thuộc vào tinh giản bộ máy của Bộ Nội vụ.

    Ông Lộc đề nghị xây dựng chính sách cụ thể về giảm biên chế, giống như cách Thủ tướng đặt ra cắt giảm thủ tục điều kiện kinh doanh.

    Việc không thành lập thêm siêu ủy ban, siêu bộ là một trong những ý kiến được ông Lộc đặt ra. Ông cho rằng những dư địa này là lớn để khởi động công cuộc cân đối thu chi ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công.

     

     

  • "Đại biểu yên tâm"

    Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là tư lệnh ngành tiếp theo phát biểu.

    Ông cho biết đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành, hệ thống chính trị, cũng như tiếp thu ý kiến đại biểu để tham mưu cho Chính phủ.

    Người đứng đầu ngành kế hoạch cũng làm rõ một số băn khoăn của đại biểu. Đầu tiên, về tốc độ tăng GDP 2017, ông khẳng định về số liệu là đáng tin cậy, phương pháp thống kê có cơ sở khoa học, khách quan, được các tổ chức lớn công nhận.

    Ông nhắc lại tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến GDP đạt con số ấn tượng. Bên cạnh số liệu 9 tháng đã báo cáo, ông báo cáo bổ sung số liệu tháng 10 và 10 tháng để “đại biểu yên tâm”. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 8,1%, cao hơn số trên 7% cùng kỳ. Khách đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt, tăng 28,1% so cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp đăng ký đạt 28,2 tỷ tăng 32,4% so cùng kỳ, thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất khẩu 125 tỷ USD, tăng 20,7% trong khi 9 tháng tăng 19,8%. Cả năm ước xuất khẩu 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ. Số DN thành lập mới, theo Bộ trưởng, cũng tăng.

    Tình hình chung các chỉ tiêu, theo ông, là tích cực. Mục tiêu tăng trưởng cả năm khả quan, khi nhìn vào các con số đó. Điều này do chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, yếu tố mùa vụ.

     

  • Biến động tăng trưởng GDP 'đúng chu kỳ'

    Về chu kỳ tăng GDP trong năm, ông nhất trí nhận định của đại biểu Hàm. Tuy nhiên theo ông tốc độ là chỉ tiêu kết quả chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Theo thông lệ, hoạt động sản xuất kinh daonh quý I bị ảnh hưởng do dịp kết thúc tết, kết thúc năm ngân sách, yếu tố mùa vụ…

    Hiện tượng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước thì cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là phản ánh đúng chu kỳ, mùa vụ.

    Về chất lượng tăng trưởng GDP, theo ông, giai đoạn 2011-2017 đã có nhiều cải thiện, tuy chưa phải mức độ cao nhưng cùng tiến trình, chúng ta có cơ sở tin tưởng chất lượng ngày càng đúng hướng, đạt mức cao hơn.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi 3 ngay anh 5

  • Làm rõ trách nhiệm chậm giải ngân vốn

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi 3 ngay anh 6

    Về đầu tư công, ông Dũng cho biết câu chuyện đặt ra là giải ngân chậm, phân giao vốn chậm. Ông nói, Luật Đầu tư công và kế hoạch ĐTC trung hạn lần đầu tiên áp dụng, có kết quả nhưng cũng có vướng mắc.

    Tốc độ giải ngân 9 tháng 94% là thấp, ông đánh giá. Nguyên nhân giao chậm vốn TPCP là đặc thù chỉ được phân bổ cho các dự án nằm trong danh mục thực hiện. Năm 2017, chúng ta phải làm 2 việc song song, vừa giao kế hoạch trung hạn vừa hàng năm nên mất thời gian. Khách quan thì phải thực hiện quy định chặt chẽ hơn, quy định mới nên nhiều lúng túng.

    “Có trách nhiệm của cơ quan tổng hợp, còn nể nang, chưa đôn đốc”, ông nói và việc giao vốn xảy ra tình trạng chờ đợi.

    Giải ngân thấp có nguyên nhân từ giao vốn chậm nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu. Các bộ, ngành, địa phương mất thời gian để triển khai thủ tục sau đó… Tâm lý chung của chủ đầu tư, nhà thầu thì là chờ đợi, ban quản lý dự án chưa quyết liệt…

    Những ý kiến của ông Nguyễn Chí Dũng bị chủ tọa nhắc nhở là “cần làm gọn lại”.

    Đưa ra các giải pháp, ông cho biết đặc biệt chỉ đạo cơ quan thanh kiểm tra thanh tra làm rõ trách nhiệm trong việc chậm giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công…

    Về kế hoạch năm 2018, ông cho biết phấn đấu ra một lần, trước 31/12.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm