Những nhà khoa học Trung Quốc đã tìm cách "tái tạo" Mặt Trời bằng một thiết bị phản ứng hạt nhân, có thể coi như Mặt Trời nhân tạo. Theo Tân Hoa Xã, thiết bị này hiện đã hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.
Thiết bị có tên gọi HL-2M được đặt tại thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, là kết quả nghiên cứu của Công ty nguyên tử quốc gia Trung Quốc và Viện Vật lý Tây Nam. Mặc dù là Mặt Trời nhân tạo, thiết bị này có thể đạt đến nhiệt độ lên tới 200 triệu độ C, tức là nóng hơn khoảng 13 lần so với nhiệt độ lõi Mặt Trời.
Các lò phản ứng hạt nhân hiện hành sử dụng phản ứng phân hạch - một chuỗi phản ứng tách nguyên tử uranium ra để giải phóng năng lượng. Trong khi đó, phản ứng nhiệt hạch thực hiện quá trình ngược lại là tổng hợp các nguyên tử với nhau.
Quá trình lắp ráp thiết bị HL-2M đã hoàn thành vào tháng 6. Ảnh: Xinhua. |
Khi 2 hạt nhân hydro hợp nhất với nhau để trở thành heli, chúng tạo ra một nguồn năng lượng khổng lồ. Quá trình này được gọi là phản ứng hợp hạch hay nhiệt hạch. Trước đây người ta cho rằng phản ứng nhiệt hạch chỉ có thể xảy ra trong lõi Mặt Trời.
Nếu biết cách kiểm soát phản ứng nhiệt hạch, con người có thể tạo ra nguồn năng lượng vô tận và siêu sạch. Những nhà khoa học nguyên tử trên khắp thế giới vẫn đang tìm cách để kiểm soát phản ứng nhiệt hạch bên trong các thiết bị mà họ tạo ra.
"Không có gì đảm bảo mọi vấn đề đều đã được kiểm soát. Tuy nhiên nếu chúng tôi không thử nghiệm, chắc chắn là sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì", giáo sư Gao Zhe của đại học Thanh Hoa nói với South China Morning Post.
Đây là sự hợp tác giữa Trung Quốc và một dự án thử nghiệm năng lượng nguyên tử quốc tế (ITER) có trụ sở tại Pháp. Dự án này bao gồm các thử nghiệm ở 35 quốc gia và dự tính hoàn thành năm 2025.
Ngoài HL-2M, Trung Quốc còn một dự án nhiệt hạch khác tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến EAST tại đây đã đạt đến nhiệt độ 100 triệu độ C.