Sau khi Taliban giành chính quyền ở Afghanistan, cả thế giới chứng kiến cảnh tượng người dân nước này cố di tản khỏi Kabul, cũng như việc cựu Tổng thống Ashraf Ghani rời bỏ đất nước, và Mỹ đã hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan.
Trong những tuần hỗn loạn vừa qua, Pakistan kêu gọi cộng đồng quốc tế, cụ thể là Trung Quốc và Nga, hỗ trợ nước này đàm phán với Taliban. Mục đích của cuộc vận động trên nhằm đảm bảo Taliban giữ lời hứa thành lập một chính quyền đa dạng, ngăn chặn các mầm mống khủng bố, và cho phép phụ nữ học tập và làm việc.
"Pakistan sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất khi khu vực xung quanh nước này được hòa bình. Nếu không, nước này sẽ chịu thiệt đáng kể", theo bà Maleeha Lodhi, cựu đại sứ Pakistan ở Anh, Mỹ và Liên Hợp Quốc.
"Trước tình hình biến động ở Afghanistan, còn quá sớm để có thể biết được Pakistan có lợi hay chịu thiệt. Tất cả phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo", bà nói, theo South China Morning Post.
Quan hệ 3 thập kỷ giữa Pakistan và Taliban
Mối quan hệ giữa Pakistan và Taliban bắt đầu vào giữa những năm 1990, sau khi lực lượng này trỗi dậy để chấm dứt cuộc nội chiến tại Afghanistan. Nhiều chiến binh Taliban và gia đình của họ, chủ yếu là người Pashtun, đã tị nạn ở Pakistan. Họ sử dụng ngôn ngữ Urdu và thân thiện với dân địa phương.
Taliban đã tị nạn ở Pakistan, sử dụng ngôn ngữ địa phương và thân thiện với người dân nơi đây. Ảnh: AFP. |
Mặt khác, Liên minh phương Bắc đối đầu với Taliban đã có lịch sử mâu thuẫn với Pakistan.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf nhân thời cơ để trở thành đồng minh thân thiết của Mỹ, từ đó được Washington hỗ trợ quân sự và miễn trừ khoản nợ lên đến hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, Pakistan cảm thấy bị Mỹ phản bội vào năm 2001. Islamabad đã khuyên Washington chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Taliban, cũng như cho phép lực lượng này tham gia vào các cuộc đàm phán về tương lai chính trị của Afghanistan.
Thay vào đó, tại Hội nghị Bonn năm 2001, Afghanistan thành lập chính quyền do Liên minh phương Bắc đứng đầu. Liên minh này lại có mối quan hệ thân thiết với Ấn Độ, đối thủ lâu năm của Pakistan.
Bên cạnh đó, Islamabad bực tức Taliban vì không thể xử lý hàng nghìn lính nổi loạn Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) ở phía đông Afghanistan.
Ngược lại, Taliban không còn tin tưởng Pakistan kể từ khi nước này đứng về phía Washington, đặc biệt là sau việc giao nộp một số thủ lĩnh Taliban cho Mỹ.
Sau khi Mỹ tập trung vào cuộc xâm lược năm 2003 ở Iraq và bắt đầu rút dần tài sản quân sự ở Afghanistan, mối quan hệ giữa Islamabad và Kabul trở nên tệ đi.
Vào năm 2004, tình báo Mỹ báo cáo rằng Islamabad đã ngầm ủng hộ Taliban, sau khi lực lượng này bắt đầu trỗi dậy trở lại ở các tỉnh biên giới của Afghanistan giáp với Pakistan.
Ông Abdul Basit, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, gọi mối quan hệ giữa Pakistan và Taliban là "cuộc hôn nhân mang lợi ích song phương dựa trên những bất đồng về chiến lược ở Afghanistan".
"Với Pakistan, Taliban sẽ giữ Ấn Độ tránh xa Afghanistan. Với Taliban, Pakistan cung cấp nơi trú ẩn để lực lượng này có thể chống cự và đánh đuổi Mỹ khỏi Afghanistan", ông Basit cho biết.
Tuy nhiên, ông nói mối quan hệ giữa Pakistan và Taliban vẫn có những "thăng trầm, bất đồng và mâu thuẫn".
Hồi tháng 7, AP đưa tin Chánh văn phòng quân sự Pakistan Qamar Javed Bajwa đã bực tức với sự cố chấp của Taliban, đến mức ông hai lần rời khỏi cuộc họp giữa giới chức Islamabad và thủ lĩnh lực lượng này.
Giờ đây, khi Taliban nắm chính quyền ở Afghanistan, mối quan hệ giữa lực lượng này và Pakistan sẽ được thử thách, theo ông Asfandyar Mir, nhà phân tích từ Đại học Stanford.
Ông cho biết Taliban sẽ tập trung vào các vấn đề về quản lý nhà nước, mâu thuẫn hàng thập kỷ giữa Afghanistan và Pakistan, cũng như chính sách đối ngoại chung.
"Mối quan hệ này sẽ dễ trở nên căng thẳng hơn", ông Asfandyar nói. "Lịch sử tuy có thể không lặp lại, nhưng sẽ mang nhiều nét tương đồng, nhất là ở khu vực này".
Pakistan sẽ được lợi gì khi Taliban cầm quyền?
Chỉ vài giờ sau khi Kabul thất thủ, Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói rằng người dân Afghanistan đã "thoát khỏi xiềng xích" của các nước phương Tây.
"Có vẻ Pakistan đang sẵn sàng để đưa Taliban vào chính trường quốc tế", nhà nghiên cứu Asfandyar Mir nói.
Islamabad tin rằng sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan sẽ ngăn chặn nguồn cung của các nhóm nổi loạn người Baloch. Những nhóm này thường tấn công vào lực lượng an ninh Pakistan ở các tỉnh phía tây vùng Balochistan, theo ông Basit.
Pakistan thường cáo buộc chính quyền Kabul hợp tác với các cơ quan tình báo Ấn Độ để hỗ trợ quân nổi loạn Baloch.
Khi Taliban lên nắm quyền, "tầm ảnh hưởng chính trị của Pakistan sẽ tăng ở Afghanistan", ông Basit cho biết.
Việc Afghanistan ổn định đồng nghĩa là hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 65 tỷ USD sẽ được mở rộng đến Afghanistan. Điều này cho phép Pakistan buôn bán tự do và thường xuyên hơn với Trung Á, cũng như có thể xuất khẩu năng lượng thông qua Afghanistan.
Tuy nhiên, cựu đại sứ Lodhi lưu ý Pakistan chỉ thu được lợi ích khi Taliban quản lý nhà nước một cách hiệu quả, cho phép các nhóm dân tộc khác chung sống tại Afghanistan và thiết lập hòa bình lâu dài.
"Ngược lại, nếu Taliban không thể làm được thế, Afghanistan sẽ có một tương lai không ổn định. Và điều này sẽ không có lợi cho Pakistan", bà nói.
Pakistan mất những gì?
Các nhà phân tích cho rằng Pakistan chắc chắn sẽ bị chỉ trích bởi Mỹ và đồng minh.
Ông Basit cho biết: "Thế giới sẽ phê phán Pakistan nhiều hơn Taliban, do nước này đã hỗ trợ lực lượng Taliban hình thành chính phủ ở Afghanistan".
Trong khoảng thời gian gần đây, Pakistan liên tục nói với Taliban rằng Islamabad sẽ không công nhận chính quyền Taliban nếu lực lượng này tái áp đặt các chính sách hà khắc như năm 2001.
Cùng lúc đó, chiến thắng của Taliban sẽ khiến các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Pakistan trở nên bạo dạn hơn, ông Basit cho biết.
Nhiều người lo rằng Taliban sẽ áp đặt các chính sách độc tài như 20 năm trước. Ảnh: AP. |
Lực lượng TTP được nhiều lợi ích từ việc Taliban chiếm chính quyền Afghanistan, "bao gồm tài nguyên quân sự của nước này", theo nhà nghiên cứu Asfandyar Mir. Ngoài ra, Taliban cũng thả 780 cựu thủ lĩnh và chiến binh TPP khỏi các nhà tù ở Afghanistsan.
Ông Basit cho rằng thay vì giúp đỡ Pakistan, chính phủ Taliban sẽ hối thúc nước này đàm phán với TTP.
Nhân tình hình hiện tại ở Afghanistan, mới đây TPP thông báo sẽ chiếm vùng Tây Bắc của Pakistan và thành lập một tiểu vương quốc độc lập.
Mỹ và Trung Quốc có thể làm gì?
Pakistan có thể công nhận chính quyền Taliban, theo các nhà phân tích. Tuy nhiên, nước này sẽ không làm thế trong khoảng thời gian sắp gần trước mắt, và sẽ dựa vào những điều kiện như Taliban có thành lập một chính quyền đa dạng, cũng như tôn trọng quyền con người hay không.
Islamabad và Bắc Kinh sẽ có cùng nhận định về Afghanistan. Tuy nhiên, cả hai sẽ "từ từ theo dõi thay vì mau chóng" công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan, ông Basit cho biết.
Bên cạnh đó, Pakistan cũng chờ phản hồi của Nga.
Ông Mir cho biết mối quan hệ Mỹ - Pakistan sẽ dần trở nên xa cách, do Nhà Trắng sẽ yêu cầu Islamabad hỗ trợ chống khủng bố và gây sức ép lên Taliban.
Tuy nhiên, quyết định công nhận chính quyền Taliban của hai nước này không liên quan đến nhau.
"Nếu Taliban quản lý chính phủ và cư xử đúng đắn, mối quan hệ Mỹ - Pakistan sẽ không tiến triển", ông Basit cho biết. Tuy nhiên, nếu tình hình ở Afghanistan trở nên tệ đi, "mối quan hệ này sẽ xấu đi rất nhiều".