5 nhà văn trẻ cho rằng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là robot, trí tuệ nhân tạo (AI) đang có tác động đến đời sống con người. Ở đó, có cả ảnh hưởng tích cực, hỗ trợ con người nhưng cũng có cả những tác động tiêu cực, khiến chúng ta bị lệ thuộc vào công nghệ, xa rời cuộc sống thực đang diễn ra.
Năm tác giả và những tác phẩm của họ do NXB Trẻ ấn hành. |
Cây bút trẻ Phát Dương không quá lo lắng việc robot sẽ thay thế con người cũng như cần ứng xử như thế nào với kỷ nguyên robot mà quan trọng, đáng lo hơn là cách con người đối xử với nhau trong thời đại này.
Nhà văn Nguyễn Đinh Khoa cũng thừa nhận, công nghệ có khả năng vượt trội. Tuy nhiên, AI không có đời sống riêng, thậm chí có nhiều phiên bản lỗi. Do vậy, sự kết nối giữa con người với con người là tối quan trọng để kiến tạo cuộc sống của nhân loại, tạo nên xã hội với đặc trưng, mang tính nhân bản.
Yang Phan khẳng định, AI do con người tạo ra nhưng không sống như con người. Anh cá nhân hóa trang viết của mình khi nói lên thực tại cô đơn, tình yêu và nỗi đau của chúng ta. Cây bút trẻ này nhận ra, hiện nay có xu hướng giải quyết cô đơn, chữa lành bằng cách tìm ra bên ngoài, nhưng thực tế phải là hướng vào bên trong.
Buổi trò chuyện của 5 tác giả tại sân khấu chính Đường Sách TP.HCM sáng 31/3 - Ảnh: LĐ.L |
Nói về cô đơn và chữa lành, cả Huỳnh Trọng Khanh, Đinh Khoa và Phát Dương đều khẳng định, đó là điều tất yếu thuộc về con người. Việc ghi nhận và cho phép những cảm xúc biểu hiện, gọi tên, thẳng thắn nhìn sâu vào “nỗi khổ niềm đau” này chính là cách giải quyết vấn đề.
Viết về cái xấu, cái không tốt trong xã hội hay tâm lý, hành xử của con người theo các nhà văn trẻ này không phải là bi quan. Ngược lại, qua đó có thể giúp người đọc phản tỉnh, tìm lại “chính mình” trong hành trình trở về với thiện căn vốn dĩ.
Vấn đề môi trường với những biến đổi tiêu cực hiện nay cũng được các tác giả thể hiện một cách tinh tế, sâu sắc. Võ Đăng Khoa nói, đây là một hiện thực mà người viết không ở ngoài cuộc vì đó là vấn đề thuộc về con người muôn thuở.
Giữa cái nóng như sôi của Sài Gòn, nhà văn Huỳnh Trọng Khang chia sẻ, khi viết các tác phẩm của mình anh cũng bị tác động vào hiện thực như thời tiết tiêu cực hay các hiện tượng biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu. Văn học là cuộc đời nên phải mang hơi thở cuộc sống.
Đó cũng là thông điệp trong những cuốn sách của 5 nhà văn và là hứa hẹn của họ - sẽ tiếp tục thể hiện trong đời sống văn chương của người cầm bút, xem đó như trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng.