Một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Port-au-Prince, Haiti. Ảnh: AP. |
Vào tháng này, 10 thượng nghị sĩ cuối cùng trong Quốc hội Haiti đã chính thức rời nhiệm sở. Quốc gia Caribe này không còn một quan chức chính phủ dân bầu nào khi phải đối mặt với hàng loạt thảm họa đan xen: Nạn đói, dịch tả, bạo lực băng đảng, thiếu nhiên liệu và suy sụp kinh tế.
“Tình hình chưa từng có trong lịch sử Haiti”, giáo sư Matthew Smith, một nhà sử học về Haiti tại trường University College London cho biết. “Bạn có thể thấy lịch sử của Haiti là một chuỗi khủng hoảng, chỉ có những khoảng thời gian hòa bình và hy vọng ngắn ngủi, nhưng chưa từng có bất cứ điều gì giống như thế này”.
Nguyên nhân khủng hoảng
Đất nước đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ vụ ám sát cựu Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021, nhưng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng trước mắt có thể đã xuất phát từ lâu, theo Guardian.
Haiti đã không tổ chức được các cuộc bầu cử đem lại kết quả khả quan kể từ năm 2019, và chính quyền nước này đã ở trong tình trạng mong manh kể từ sau trận động đất năm 2010 khiến 300.000 người thiệt mạng.
Nhưng cái chết của ông Moise vào tháng 7/2021, cùng trận động đất mới ngay tháng sau đó, khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Ariel Henry được bổ nhiệm làm thủ tướng theo một sắc lệnh do cố Tổng thống Moise ký 2 ngày trước khi bị ám sát, song ông chưa kịp tuyên thệ nhậm chức. Vì vậy, việc ông tiếp nhận vai trò lãnh đạo đất nước bị nhiều người coi là bất hợp pháp.
Vào tháng 9/2022, liên minh các băng nhóm có tên “G9” đã phong tỏa cảng chính và kho trung chuyển dầu quan trọng, sau khi ông Henry tuyên bố cắt trợ cấp xăng dầu và khiến giá nhiên liệu tăng gấp đôi.
Động thái của ông Henry dẫn đến tình trạng thiếu xăng và dầu diesel, khiến phần lớn hoạt động vận tải phải tạm dừng. Điều này làm thiếu hụt hàng hóa cơ bản, bao gồm cả nước sạch, theo Reuters.
Haiti cũng phải trải qua nạn đói tồi tệ nhất chưa từng có, với 4,7 triệu người đối mặt với nạn đói cấp tính.
Tình hình hiện tại của đất nước được cho là bị ảnh hưởng một phần bởi lịch sử đen tối từ những can thiệp quốc tế.
“Những can thiệp đó đã định hình Haiti”, ông Smith nói.
Hậu quả của khoảng trống quyền lực
Trong bối cảnh nhà nước tê liệt, các băng đảng đã lấp đầy khoảng trống quyền lực.
Port-au-Prince được cho là trung tâm của tình trạng bạo lực. Nơi đây đã xảy ra nhiều vụ bắt cóc, cưỡng hiếp tập thể và thậm chí ghi nhận nhiều dân thường thiệt mạng, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Trên thực tế, băng đảng có vai trò lâu đời trong đời sống chính trị và hoạt động song song với các tác nhân chính trị ở Haiti từ những năm 1950 để đe dọa đối thủ, kéo về phiếu bầu.
Ông Smith cho biết có những phỏng đoán về mối quan hệ giữa các nhà tài phiệt với băng đảng ở Haiti, cùng việc buôn bán ma túy giật dây.
“Việc buôn bán ma túy quốc tế là một phần rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu”, ông chia sẻ. “Bây giờ, các băng nhóm đã bảo đảm quyền lực tại địa phương, dường như không có nhân tố mạnh hơn nào có thể kiểm soát chúng. Tình hình đã tiến triển theo hướng không thể hiểu được”.
Tác động
Theo Guardian, có gần 100 băng đảng ở Port-au-Prince. Các băng đảng kiểm soát các con đường chính và thu lợi từ hải quan, cùng việc phân phối điện nước, thậm chí cả dịch vụ xe buýt.
Việc được kết nạp vào băng đảng đã trở thành điều gì đó “đáng mơ ước” đối với một số thanh niên. Một vài băng đảng hiện có cả danh sách xếp hàng chờ kết nạp.
Sau nhiều năm can thiệp vào chính trị, quân đội Haiti bị giải tán vào năm 1995. Quân đội nước này đã được tái lập nhưng chỉ có 500 binh sĩ. Cảnh sát cũng tỏ ra bất lực.
Tình trạng bạo lực buộc các bệnh viện phải đóng cửa và được cho là một phần nguyên nhân khiến dịch tả bùng phát trở lại. Nó cũng dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Tháng 1, Liên Hợp Quốc ước tính 155.000 người dân đã rời bỏ nhà cửa, tương đương gần 1/6 dân số của thành phố Port-au-Prince.
Làm thế nào để Haiti thoát khỏi khủng hoảng?
Hai bước quan trọng nhất để lập lại trật tự ở Haiti là chấm dứt quyền lực của các băng đảng và tổ chức cuộc bầu cử mới. Thế nhưng, cả hai dường như là viễn cảnh xa vời.
Một gợi ý khác là triển khai lực lượng quốc tế - ý tưởng được Thủ tướng Henry ủng hộ.
Mỹ và Canada đã và đang có các cuộc đàm phán khẩn cấp, thảo luận về triển vọng thành lập lực lượng do Canada lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/1.
Trước đó, hai quốc gia này đã gửi các phương tiện thiết giáp tới Haiti để giúp lực lượng nước này tăng cường năng lực, AP cho biết.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay giải pháp đang được đưa ra bàn luận có giới hạn, khi đây là “phái bộ không thuộc Liên Hợp Quốc, do một quốc gia đối tác dẫn đầu, cần có kinh nghiệm” để xử lý tình hình hiệu quả.
Nhiều ý kiến lo ngại việc can thiệp có thể khiến các quốc gia gửi quân bị cuốn vào cuộc chiến kéo dài, không có lối thoát rõ ràng. Các nhà hoạt động xã hội Haiti cũng cảnh báo điều này có thể làm trầm trọng hơn bạo lực mà không đưa ra giải pháp lâu dài.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phe đối lập vẫn tỏ ra không quan tâm đến việc thống nhất thời gian biểu cho cuộc bầu cử mới, chừng nào mà quyền lực của ông Henry vẫn chưa bị kiềm chế.
Tuy nhiên, với một nhà lãnh đạo không khoan nhượng và khi sự can thiệp của nước ngoài vẫn là vấn đề nhức nhối, thật khó để thấy Haiti sớm thoát khỏi khủng hoảng.
Mục Thế giới xin giới thiệu đến độc giả quyển “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.