Nam Long điều chỉnh kế hoạch doanh số hợp đồng năm nay. Ảnh: NLG. |
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) vừa có báo cáo cập nhật về Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) sau khi tham dự cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư, chuyên gia phân tích của doanh nghiệp. Cuộc họp tập trung chủ yếu vào đánh giá tình hình tài chính, kế hoạch năm 2022 và doanh số hợp đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của Nam Long vào quý III ở mức 5%. Trong đó, có 2.610 tỷ đồng là nợ trái phiếu với 450 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023. Các trái chủ là tổ chức bao gồm CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS,37%), Tập đoàn Tài chính Quốc Tế (IFC,20%) và các công ty bảo hiểm (18%).
Tuy nhiên, công ty đang đối mặt với rủi ro lãi suất khi 60% tổng nợ, tương đương khoảng 4.537 tỷ đồng đang áp dụng lãi suất thả nổi.
Dù vậy, NLG vẫn có mức xếp hạng tín dụng cao và được ngân hàng Standard Charterd Việt Nam cấp hạn mức tín dụng 530 tỷ đồng để trả chi phí xây dựng cho dự án Izumi City với lãi suất cho vay khoảng 10,2%/năm và kỳ hạn 3,5 năm.
Bên cạnh đó, trong tháng 12, công ty sẽ được nhận thêm 500 tỷ đồng từ trái phiếu phát hành riêng lẻ cho IFC và thu nhập đến từ thoái vốn khoảng 471 tỷ đồng.
Chứng khoán KIS nhìn nhận doanh số hợp đồng của Nam Long gặp khó trong năm nay. Do đó, công ty bất động sản này đã điều chỉnh giảm kế hoạch doanh số hợp đồng năm 2022 từ 23.300 tỷ đồng xuống còn 12.300 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh cả năm của Nam Long dự báo có thể đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng 905 tỷ đồng, giảm so với kế hoạch 7.151 tỷ đồng doanh thu và 1.206 tỷ đồng lãi ròng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Ban lãnh đạo Nam Long cho biết vì khung pháp lý chậm hoàn thiện hơn dự kiến và thiếu các khoản hỗ trợ cho vay mua nhà, đặc biệt tại các dự án Khu đô thị Nam Long Cần Thơ, Izumi City đã làm giảm mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...