Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm học mới giữa tâm dịch

TP.HCM cuối tháng 8, tình hình dịch Covid-19 giảm về số ca nhiễm nhưng phần lớn được phát hiện ngoài cộng đồng. Những đứa trẻ vô tư vẫn háo hức đón năm học mới.

Trong không khí chuẩn bị kế hoạch cho một năm học mới, các tỉnh thành không chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, ngày khai giảng diễn ra đúng lịch theo truyền thống là 5/9.

Nam hoc moi o TP.HCM anh 1

Học sinh TP.HCM sẽ có ít nhất 2 tháng học trực tuyến. Ảnh: Tiền Phong.

Ngày khai trường không tiếng trống

Phụ huynh học sinh TPHCM lại nhận được thông tin, năm học mới sẽ bắt đầu ngay từ 6/9 bằng hình thức trực tuyến, không tổ chức lễ khai giảng dưới bất cứ hình thức nào.

Nam hoc moi o TP.HCM anh 2

Là người khá tỉ mỉ trong việc học hành của bọn trẻ, lại có con năm nay bắt đầu vào lớp 1, chị Hương, ở khu chung cư Phan Xích Long, Phú Nhuận, kể rằng chị cảm thấy hụt hẫng.

Dịch Covid-19 đã lấy đi của con chị nguyên một mùa hè. Ngoài việc các con không được tham gia các chương trình vui chơi trải nghiệm, khám phá, không được về quê thăm ông bà; cũng không được tiếp xúc, tìm hiểu chương trình “tiền lớp 1” mà hàng năm các trường mẫu giáo đều triển khai. Mùa hè kết thúc vội vã bằng một kỳ thi học kỳ đột xuất vì dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát từ đầu tháng 5, rồi nghỉ cho tới tận bây giờ.

“Nhà trường cần nắm rõ hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh, từ đó phân học sinh ra từng nhóm nhỏ để xây dựng giáo án phù hợp. Dịch bệnh là bất khả kháng, tuy nhiên, cách thích nghi với dịch bệnh thì nhà trường và gia đình, giáo viên và học sinh đều có thể tìm cách thích ứng. Năm học có thể chậm lại vài tháng cũng không sao, nhưng để các em bắt đầu một năm học trong tâm trạng không ổn định, hoang mang, lo lắng thì không đáng có. Lúc này, thậm chí nhiều em học sinh đã theo gia đình rời thành phố tránh dịch, cũng chưa thể quay trở lại để bắt đầu một năm học mới”.

Một phụ huynh đã bày tỏ tâm tư trên trang facebook cá nhân

Hơn 3 tháng giãn cách xã hội, giam mình trong phòng cùng với tivi, hy vọng học sinh sẽ có ngày tựu trường đáng nhớ. Không ngờ, ngày khai trường kỷ niệm tuổi học trò cũng không có.

Chị Minh Thuý, giáo viên dạy Văn, nói rằng ngày khai giảng đầu đời, đã trôi qua gần 30 năm mà chị vẫn nhớ từng chi tiết. Đúng cái cảm xúc mà nhà văn Thanh Tịnh diễn tả trong truyện ngắn “Tôi đi học”.

Chị nói và đọc lại đoạn văn đầy cảm xúc đó. “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và đẹp…”.

Nam hoc moi o TP.HCM anh 3

Theo chị Thuý, đó là thứ cảm xúc gần như đứa trẻ nào bước vào cấp tiểu học đều mang trong lòng, những bỡ ngỡ xen lẫn háo hức đầu đời. Với các em, đoạn đường đến trường, hay phương tiện đi lại có thể thay đổi, nhưng hình ảnh lần đầu tiên ngồi nép sau lưng mẹ trong buổi đầu tiên đi học thì vẫn thế.

Cảm xúc đẹp đẽ đó có thể sẽ không có trong ký ức của các em sinh năm 2015, thay vào đó là ký ức về một năm học trực tuyến từ những nét chữ đầu đời, có một không hai trong lịch sử.

Cách đây hơn một tuần, anh Tuấn, có con chuẩn bị vào lớp 7, kể rằng thằng bé (con anh) đang tưởng tượng về một mùa khai giảng online, hình ảnh học sinh mặc đồng phục nghiêm túc đứng trước màn hình máy tính để nghe thầy hiệu trưởng đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước, và sau đó tiếng trống khai trường sẽ vang lên đón chào năm học mới, dù chỉ là tiếng trống được ghi âm sẵn, không phải phát trực tiếp thì cũng rạo rực biết bao.

Nhưng cuối cùng, dịch bệnh phức tạp đến mức, ngay cả một tiếng trống trong ngày khai trường cũng không thể vang lên.

Nam hoc moi o TP.HCM anh 4

Ông Nguyễn Song Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Thuận, quận 7, chia sẻ thêm hiện hầu hết trường học trên địa bàn quận đều dùng làm khu cách ly bệnh nhân Covid-19, cho dù đến giữa tháng 9 thành phố có khống chế được dịch bệnh, việc bắt đầu một năm học vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Từ việc dọn dẹp, khử khuẩn cũng phải qua mấy vòng, chưa kể, sửa sang, cải tạo lại trường lớp sau khi đã dùng trường học cho công năng khác.

“Rõ ràng, các em học sinh phải chịu nhiều thiệt thòi, từ việc háo hức nhưng chưa được đến trường, đến việc bỡ ngỡ trước hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, thành phố và ngành giáo dục cần sự chia sẻ của phụ huynh học sinh. Chúng ta có thể thiếu đi một vài nghi lễ cho năm học mới, nhưng để an toàn cho sức khoẻ học sinh và giáo viên, hình thức khai giảng mới là điều hợp lý”, ông Dũng nói.

Năm học mới sẽ ra sao?

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học với giáo dục tiểu học và trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua, nhiều địa phương đang nằm trong tâm dịch đã lên phương án ban đầu về kế hoạch cho năm học mới. Bình Dương, TP.HCM có kế hoạch học online trong 2 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy tình hình dịch bệnh.

Mặc dù, tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT luôn muốn học sinh có tinh thần trở lại năm học mới bằng một lễ khai giảng, dù bằng hình thức online. Tuy nhiên, ở TP.HCM lúc này, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, mọi việc vẫn còn ngổn ngang.

Trong năm học vừa qua, thành phố có hàng trăm cơ sở giáo dục mầm non phải giải thể vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài. Mùa khai giảng năm học 2021-2022, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở giáo dục đang được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch nên các công tác chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn, kể cả hình thức khai giảng trực tuyến cũng không thể thực hiện.

Theo thống kê, hiện TP.HCM có gần 300 trường học được trưng dụng làm khu cách ly bệnh nhân Covid-19, có gần 500 trường được dùng làm điểm tiêm vaccine.

Nhiều giáo viên khi được hỏi về những khó khăn của năm học mới đều cho rằng khó khăn nhất vẫn là các lớp đầu cấp. Hiện công tác tuyển sinh đầu cấp, tuyển dụng giáo viên cũng bị chậm lại; công tác phát hành sách giáo khoa chưa được nhà xuất bản hoàn thành; việc vận chuyển sách giáo khoa cũng là vấn đề lớn trong thời gian giãn cách kéo dài, các nhà sách đều trong tình trạng đóng cửa…

Đối với học sinh, các em thậm chí chưa biết trường, chưa quen bạn, lại không được học tập trung. Không có một buổi gặp mặt học sinh phụ huynh nào diễn ra, cũng không có lễ chào đón tân học sinh.

Học sinh THPT, THCS có thể đã quen và dễ thích nghi hơn với hình thức học trực tuyến. Nhưng với cấp tiểu học, đặc biệt là trẻ mầm non vào lớp 1, các em bắt đầu thay đổi chương trình học tập, từ hoạt động chủ yếu là vui chơi, sinh hoạt, sang hoạt động chính là học tập, sẽ gặp muôn vàn khó khăn với việc học trực tuyến.

Nhiều phụ huynh trong tâm thế lo lắng, đã chia sẻ, trao đổi các hình thức dạy học thông qua các hội nhóm, báo chí. Theo ý kiến phụ huynh nói chung, nhà trường, đặc biệt là các trường tiểu học, cần đa dạng hoá cách dạy học trực tuyến phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình của học sinh.

Học sinh lớp 1 ở Hà Nội học online từ 13/9, tối đa 3 tiết/ngày

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 cấp tiểu học, trong đó có lưu ý riêng đối với lớp 1.

https://tienphong.vn/nam-hoc-moi-giua-tam-dich-post1371814.tpo

Lâm Trân / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm