Thị trường hoa hậu năm nay diễn ra cực kỳ sôi động. Bên cạnh hàng loạt cuộc thi mới xuất hiện, các đấu trường lâu đời đã rục rịch trở lại sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo nhiều bình luận trên Missosology và Global Beauties, những cô gái đăng quang hoa hậu năm nay tương đối mờ nhạt, nếu không nói là gần như bị lấn át hoàn toàn bởi lùm xùm trong cuộc thi họ tham gia.
Khán giả tranh cãi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế
2022 đánh dấu kỷ niệm 10 năm tổ chức Miss Grand International (MGI), nhưng đây cũng là mùa giải gây tranh cãi nhất. Cuộc thi dính hàng dài rắc rối sau chung kết ở Indonesia, và với những chia sẻ mang tính khiêu khích của Chủ tịch Nawat Itsaragrisil, giá trị cốt lõi xoay quanh hai từ "hòa bình" đã bị hoen ố.
Mải theo đuổi giá trị ảo, tài khoản Instagram của MGI bị mất hơn 2 triệu lượt theo dõi sau khi Thiên Ân trượt top 10. Tình hình thêm căng thẳng khi ông Nawat dùng lời lẽ mang tính miệt thị ngoại hình để nói về thí sinh Việt Nam. Thế là, Miss Grand bị tẩy chay kịch liệt.
Trên các diễn đàn sắc đẹp, nhiều bình luận phản đối kết quả Engfa Waraha, đại diện Thái Lan, cán đích ở vị trí Á hậu 1. Thí sinh Lào thậm chí livestream bày tỏ sự khó hiểu khi "một cô gái chẳng biết tiếng Anh lại vào đến chung kết và trở thành Á hậu". Khán giả còn chỉ ra Engfa được ưu ái hơn cả tân hoa hậu người Brazil.
Ông Nawat và top 10 Miss Grand International 2022 đến Thái Lan sau chung kết. Ảnh: Miss Grand International. |
Lùm xùm chưa lắng xuống, Á hậu 5 Yuvna Rinishta (người Mauritius) chủ động từ bỏ danh hiệu, đồng thời khẳng định tuyên bố của tổ chức Miss Grand là sai sự thật. Trước đó, cuộc thi thông báo Yuvna bị tước vương miện vì không hoàn thành nghĩa vụ.
Đến cuối tháng 10, tới lượt Lu Juan Mzyk - đại diện Nam Phi - tố bị ban tổ chức bào mòn sức khỏe và vi phạm quyền riêng tư. Cô bình luận dưới một bài viết: "Tôi đã cố gắng hết mình cho MGI đến mức ngã bệnh vì thiếu ngủ và thiếu chất. Không chỉ vậy, tôi bị xâm phạm quyền riêng tư khi hình ảnh tôi nhập viện bị đưa lên mạng. Chẳng những không giúp tôi ngăn bức ảnh bị phát tán hoặc tìm ra thủ phạm phía sau, họ thậm chí không có nổi lời xin lỗi".
Nhiều người đặt câu hỏi rằng sau chuỗi scandal này, liệu khi mùa giải mới diễn ra tại Việt Nam vào năm 2023, MGI có còn được đón nhận?
Lo sợ Hoa hậu Hoàn vũ mất chất
Thông tin Miss Universe đổi chủ xuất hiện từ năm ngoái và chính thức được Missosology xác nhận ngày 26/10. Người mua lại tổ chức MUO (Miss Universe Organization) với giá 14 triệu USD là Anne Jakapong Jakrajutatip, tỷ phú chuyển giới người Thái Lan.
Thairath cho hay trụ sở chính của MUO được đặt ở New York (Mỹ) và Thái Lan. Bà Paula Shugart vẫn nguyên chức vụ Chủ tịch và Amy Emmerich tiếp tục đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành.
Miss Universe dưới thời của Anne cho phép phụ nữ chuyển giới và có gia đình ghi danh. Cùng với đó, format chung kết đã thay đổi. Mùa giải năm nay sẽ chọn top 7 thay vì top 5, và chỉ một người chiến thắng được đội vương miện. Điều này đồng nghĩa không có danh xưng Á hậu 1, Á hậu 2, Á hậu 3 và Á hậu 4.
Bà Anne (ngoài cùng bên phải) mời 5 Hoa hậu Hoàn vũ tham dự họp báo ngày 7/11. Ảnh: Thairath. |
Tuy nhiên, thay đổi này nhận về vô số chỉ trích. Cộng đồng fan cho rằng bà Anne đi ngược lại những gì đã tuyên bố. Họ lo lắng việc quá nhiều người đẹp lọt top sẽ làm mất đi chất lượng vốn có của cuộc thi. Trước đó, nữ tỷ phú nói sẽ không can thiệp hay chỉnh sửa format.
Miss Universe lần thứ 71 dự kiến diễn ra tại thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ. Chung kết được tổ chức ngày 14/1/2023. Mùa giải tiếp theo được cho là cũng hoàn thành việc tìm kiếm quốc gia đăng cai nhưng chưa công bố.
Hình ảnh thiếu chuyên nghiệp ở Hoa hậu Trái Đất
Trở lại hình thức tranh tài trực tiếp sau 2 năm diễn ra online vì dịch Covid-19, Miss Earth không cho thấy sự cải thiện. Nhìn vào hình ảnh các hoạt động bên lề và sân khấu tạm bợ ở vòng thi phụ, khán giả ngán ngẩm xen lẫn thất vọng, không tin được đây là cuộc thi nằm trong top đầu.
Ở vòng áo tắm ngày 17/11, chương trình bị gián đoạn do bão mưa lớn. Thí sinh phải di chuyển vào khoảng sân nhỏ trong nhà, catwalk với chân trần. Vì không có phương án dự phòng nên hiệu ứng ánh sáng, bối cảnh tương đối tệ. Điều này khiến hình ảnh thí sinh kém lung linh.
Khán giả đánh giá khâu tổ chức của Miss Earth năm nay tệ. Ảnh: Miss Earth. |
Trang chủ Miss Earth ghi nhận nhiều phản ứng tiêu cực, chỉ trích ban tổ chức thiếu chuyên nghiệp và không đề cao chất lượng.
Một khán giả nêu ý kiến: "Tôi cảm thấy bất an khi theo dõi chương trình. Hy vọng mọi thứ phải tốt hơn nếu các bạn coi cuộc thi của mình là cuộc thi lớn". Chung quan điểm, thành viên khác nói thêm: "Khi tổ chức sự kiện ngoài trời, ban tổ chức nên có phương án thay thế. Bởi chúng ta không thể kiểm soát thời tiết. Hãy nhìn những gì vừa diễn ra. Thật đáng tiếc cho dàn thí sinh".
Đây không phải lần đầu cuộc thi của người Philippines vấp tranh cãi. Theo Rappler, ở những mùa giải trước, ban tổ chức phải mượn Bảo tàng Quốc gia Philippines, Sân khấu trường Đại học Quốc gia Philippines để dựng không gian biểu diễn. Sân khấu ọp ẹp cùng backdrop bị nhàu nát không đảm bảo tính thẩm mỹ cho cuộc thi.
Không chỉ Miss Earth, Miss Intercontinental 2022 cũng bị chê thiếu đầu tư. Sân khấu chung kết đơn giản đến mức sơ sài với vài bục đứng dành cho thí sinh, trong khi hệ thống đèn LED kém chất lượng và thiếu số lượng.
Cuộc thi ở nhiều quốc gia vướng bê bối
Bên cạnh cuộc thi tầm vóc quốc tế, một số sân chơi nhan sắc cấp quốc gia đã xảy ra những lùm xùm làm ảnh hưởng đến uy tín.
Cuối tháng 11, cuộc thi Hoa hậu Sahuayo ở Michoacán, Mexico chứng kiến cảnh thí sinh Andrea Víctor bị điện giật ngã trên sân khấu. Tai nạn diễn ra trong lúc cô gái 22 tuổi mặc trang phục bằng lông vũ và đi chân trần, sải bước về phía micro để giới thiệu bản thân. Sau tai nạn này, ban tổ chức đã bị chỉ trích dữ dội vì khâu chuẩn bị thiếu an toàn, suýt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho thí sinh.
Cuộc thi Hoa hậu Mỹ khép lại với lùm xùm dàn xếp kết quả, mua bán giải. Theo People, Crystle Stewart - Chủ tịch của Miss USA - đã bị phế truất. Lùm xùm khiến cuộc thi phải quay lại nằm dưới quyền quản lý của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (do công ty WME/IMG điều hành).
"Chúng tôi nhờ một công ty luật vào cuộc điều tra và các chứng cứ sẽ được sử dụng làm cơ sở cho những quyết định thích hợp", Fox News trích thông báo của tổ chức Miss Universe.
R'Bonney Gabriel bị tố mua giải Hoa hậu Mỹ. Ảnh: People. |
Tại khu vực châu Á, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia bị "sờ gáy" vì có thí sinh mặc trang phục phản cảm, xúc phạm văn hóa quốc gia. Đáng chú ý nhất, cô gái tự xưng là đại diện tỉnh Stung Treng đã catwalk trong bộ váy xuyên thấu để lộ ngực và vùng nhạy cảm trước ống kính.
Theo Khmer Times, Thủ tướng Hun Sen yêu cầu xem xét lại cuộc thi. Dù đơn vị đứng sau Hoa hậu Hòa bình Campuchia lên tiếng nhận sai, cuộc thi đã bị coi là vết nhơ trong lĩnh vực nhan sắc ở quốc gia này.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.