Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Năm 2025, TP.HCM giảm ùn tắc'

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định năm 2025, khi các công trình giao thông và tuyến đường huyết mạch hoàn thành, người dân sẽ không phải lo lắng về tình trạng ùn tắc kéo dài.

Phát biểu tại phiên chất vấn HĐND TP.HCM sáng 13/7, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung ghi nhận các nỗ lực của TP trong giảm ùn tắc giao thông. Hiện, 28 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn có chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, bà Nhung đặt câu hỏi về tốc độ tổ chức thực hiện các công trình trọng điểm mà HĐND đã giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) như nút giao thông vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cải tạo giai đoạn 2 con đường Huỳnh Tấn Phát từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh… gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông thành phố.

Đại biểu Lê Minh Đức thì cho rằng việc phát triển ồ ạt của taxi công nghệ dẫn đến số lượng xe lưu thông trên địa bàn TP nở rộ, kết hợp với việc thiếu bến bãi đỗ xe là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc.

“Với hạ tầng giao thông hạn chế khiến tình hình giao thông thành phố chật chội, hỗn loạn, gây kẹt xe. Trong thời gian tới, Sở có giải pháp gì tham mưu TP giải quyết triệt để vấn đề?”, đại biểu Đức đặt câu hỏi.

giam un tac do thi anh 1
Đại biểu Lê Minh Đức nhận định số lượng taxi nở rộ là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Ảnh: Lê Quân.

Chạy mô phỏng giao thông để tìm giải pháp

Trả lời băn khoăn của các đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết hiện Sở đã triển khai mô hình đánh giá mô phỏng giao thông nhằm giảm ùn tắc kéo dài.

Ông Lâm nhận định kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường là vấn đề chung của đô thị hóa mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt chứ không riêng TP.HCM.

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam là 40% nhưng riêng TP.HCM là 80%. Việc giải bài toán ùn tắc là vấn đề khó mà toàn thành phố đang ưu tiên giải quyết.

Tán thành với các đại biểu, ông Lâm khẳng định để giải quyết ùn tắc, trước hết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Từ nay đến năm 2025, Sở sẽ chạy mô hình trên các tuyến đường, cầu, vành đai trong TP nhằm giảm kẹt xe.

Bên cạnh đô thị hóa, vấn đề di dân cũng là một nguyên nhân được ông Lâm chỉ ra. Do lượng người đổ về TP ngày càng tăng gây áp lực lên hạ tầng giao thông, việc phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân là phương án bắt buộc.

giam un tac do thi anh 2
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu về giảm ùn tắc tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Ông Lâm nhận định chỉ chung một con đường, xe máy chiếm không gian gấp 5 lần xe buýt, xe con thì chiếm gấp 8,5 lần nên phát triển giao thông công cộng là vấn đề cấp thiết được TP ưu tiên thực hiện. Sở GTVT đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và các tổ chức quốc tế để giải quyết từng bước vấn đề.

“Với kịch bản này, đến năm 2025, tình trạng giao thông TP.HCM sẽ ổn định, giảm ùn tắc”, ông Lâm khẳng định.

Năng lực thông hành khu vực Tân Sơn Nhất đã vượt ngưỡng 20%

Trong phần báo cáo trước đó, ông Trần Quang Lâm cho biết trong chương trình đột phá TP đặt ra 172 dự án tổng nguồn lực là 393.000 tỷ. Hiện nay nguồn lực đã được đáp ứng, giải ngân, bố trí gồm vốn ngân sách, vốn ODA, PPP đạt khoảng 47.000 tỷ. TP đã hoàn tất 45 dự án, từ nay đến 2020 sẽ hoàn thành tiếp 22 dự án và giai đoạn 2021-2025 hoàn thành tiếp 41 dự án.

Với dự án trọng điểm thời gian qua, trong danh mục TP báo cáo HĐND, giao thông tập trung chủ lực vào các dự án đường hướng tâm, đường quốc lộ kết nối TP.HCM với các vùng như QL 50, QL 22 và QL 13. Tiếp theo là các tuyến đường sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án giao thông kết nối cảng Cát Lái.

Về hiệu quả và giảm ùn tắc, theo mô hình đánh giá mô phỏng của Sở, TP đang có điểm nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực phía nam. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện năng lực thông hành đã vượt ngưỡng 1,2 lần.

Dự báo đến 2021, hướng đi về phía nam và cửa ngõ phía sân bay hướng Trường Chinh - Âu Cơ cũng đi vào khó khăn. Dự báo đến 2025 khi tuyến metro số 1 và BRT đi vào khai thác thì khu vực phía nam sẽ tiếp tục khó khăn.

“Hiện dự báo này hoàn toàn có cơ sở khoa học, trên số liệu thực đến thời điểm 2018 điều tra và đánh giá”, ông Lâm khẳng định.

Giám đốc Sở GTVT cho biết qua dự báo đó, những dự án HĐND ưu tiên bố trí vốn là thực sự cần thiết và phải đẩy nhanh để đảm bảo hiệu quả phát huy ngay. Như với dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Thọ là nút thắt kìm hãm sự phát triển của cảng biển khu vực đó. Hiện đã duyệt dự án và đang duyệt thiết kế, tổ chức đấu thầu. Phấn đấu cuối năm nay sẽ khởi công và sẽ hoàn thành vào quý I/2021.

Với đường Huỳnh Tấn Phát, đây là đường vận tải rất lớn. Thời gian qua được sự chỉ đạo của TP và HĐND cũng bố trí vốn nên đã làm trước được một đoạn từ cầu Phú Xuân ngược về Nguyễn Văn Linh, còn đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh đã duyệt dự án và thiết kế, chủ đầu tư đang tổ chức đấu thầu, phấn đấu trong quý IV, chậm nhất tháng 12 sẽ khởi công.

Có lợi thế 952 km đường sông, tại sao TP.HCM chưa tận dụng?

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng với hơn 950 km đường thủy, TP.HCM có lợi thế rất lớn trong khai thác du lịch, giao thông. Tuy nhiên việc tận dụng còn hạn chế.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm