Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có lợi thế 952 km đường sông, tại sao TP.HCM chưa tận dụng?

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng với hơn 950 km đường thủy, TP.HCM có lợi thế rất lớn trong khai thác du lịch, giao thông. Tuy nhiên việc tận dụng còn hạn chế.

Sáng 13/7, tại phiên chất vấn ở HĐND TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy đặt câu hỏi cho ông Trần Quang Lam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, về tiềm năng và giải pháp tận dụng tiềm năng lợi thế đường thủy của TP.

Theo bà Thúy, với 2 tuyến đường thủy lớn là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chảy qua, TP.HCM mang lợi thế lớn trong việc phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên, dường như thành phố chưa tận dụng được khi số người sử dụng loại hình phương tiện công cộng này rất hạn chế.

Du lich song Sai Gon anh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: Lê Quân.

"Sở đã có biện pháp gì kết nối hệ thống đường thủy với Đông Nam Bộ và các vùng lân cận để giảm bớt gánh nặng lên đường bộ? Ông đánh giá việc đồng bộ quy hoạch các công trình phục vụ phát triển du lịch đường thủy của TP hiện tại thế nào?", bà Thúy đặt câu hỏi.

Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung kiến nghị TP mở thêm một số tuyến đường thủy như từ Võ Văn Kiệt về huyện Bình Chánh và một số tuyến khác. Ngoài việc giảm gánh nặng cho giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng tuyến đường thủy giúp phát triển hình thức du lịch trên sông hay du lịch xanh.

Du lich song Sai Gon anh 2
Với 2 sông lớn chảy qua, TP.HCM có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch đường thủy. Ảnh: Lê Quân.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm bày tỏ sự đồng tình với quan điểm TP.HCM có lợi thế rất lớn để phát triển giao thông đường thủy.

"Tất cả các thành phố phồn thịnh đều gắn liền với sông ngòi. TP.HCM đang sở hữu 952 km đường sông", ông Lâm thông tin.

Ông nhận định dù có những yếu tố thuận lợi nhưng TP.HCM chưa tận dụng được triệt để. Việc phát triển du lịch đường sông cần nhiều yếu tố đi kèm, trong đó có đảm bảo an toàn cho những cây cầu bắc qua sông, đảm bảo an toàn cho hành lang đường thủy.

Du lich song Sai Gon anh 3
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Trong lúc đợi những yếu tố trên được đồng bộ, TP.HCM đã triển khai duy tu các cầu cảng, bến bãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu, bè, kết nối với các vùng lân cận. TP cũng tạo điều kiện cho ca nô, tàu, thuyền kinh doanh cập bến đón khách. 

"Thời gian qua, nhiều chuyến buýt đường sông đã đi vào hoạt động. Đây là những khởi đầu cho việc phát triển du lịch đường thủy. Thành ủy TP.HCM có chương trình để đột phá phát triển du lịch trong đó có phát triển du lịch đường sông trong thời gian tới", Giám đốc Sở GTVT nói.

Du lich song Sai Gon anh 4
Tuyến đường chạy của tuyến buýt đường sông. Ảnh: Minh Trí.

Tàu buýt đường sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông đã được vận hành thử nghiệm trên sông Sài Gòn từ 21/8/2017. Mức vé của tuyến buýt là 15.000 đồng/lượt.

Tuyến có lộ trình dài gần 10 km từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến phà Linh Đông (quận Thủ Đức) đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức với 5 tàu buýt (mỗi tàu 70 chỗ), hoạt động từ 6h30 sáng đến 19h30, trong đó có một tàu dự bị.

Hành trình của mỗi chuyến kéo dài khoảng 30 phút, thời gian đón, trả khách mỗi tàu tại các bến là khoảng 3 phút.

Lộ trình tuyến buýt sông Sài Gòn Tuyến buýt đường sông ở TP.HCM dài gần 11 km từ bến Bạch Đằng đến bến phà Linh Đông. Giá vé dự kiến 15.000 đồng/lượt và chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình.

Đề nghị có buýt đường thủy vì 'sông Hồng đẹp hơn sông Sài Gòn'

Ngoài xe buýt và tuyến đường sắt đô thị sắp được đưa vào sử dụng, đại biểu Nguyễn Tiến Minh đề nghị có thêm loại hình vận tải mới là buýt đường sông và vận tải trực thăng.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm