Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm 2021, các công nghệ từng bị ‘thờ ơ’ sẽ lên ngôi

Sau đại dịch Covid-19, những công nghệ được chú ý nhất sẽ không hào nhoáng như điện thoại thông minh hay tivi màn hình rộng, mà lại là những thiết bị, ứng dụng thiết thực hơn.

Trước khi cuộc sống trên thế giới bị đảo lộn vì Covid-19, các công nghệ để lại dấu ấn mỗi năm thường là loa thông minh hay màn hình cong. Nhưng đại dịch đã khiến chúng ta phải áp dụng những công nghệ mà ít người để ý tới: các ứng dụng nhỏ, mà một số người coi là “tiện ích”, “giúp việc”, bỗng trở thành công cụ thiết yếu.

Điển hình là các ứng dụng ví trên điện thoại như Apple Pay. Dù các ứng dụng này đã được phát triển nhiều năm nay, một số người vẫn giữ thói quen dùng thẻ tín dụng hay tiền mặt. Nhưng nỗi sợ lây virus qua đụng chạm khiến ngày càng nhiều người thử trả tiền qua điện thoại thay vì quẹt thẻ.

cong nghe sau dich Covid-19 anh 1

Quầy thanh toán ở quán bar này ghi giấy cho biết muốn ưu tiên thanh toán qua điện thoại di động vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Một ví dụ khác là thực tế ảo, cho phép chúng ta tương tác với vật thể hoàn toàn ở dạng kỹ thuật số, vốn đã được phát triển cả thập kỷ nay. Trong nhiều năm, thực tế ảo vẫn được coi là công nghệ mang tính “tương lai”, thay vì hữu ích cho thực tại.

Nhưng giờ đây, khi cửa hàng, cửa tiệm phải đóng ở nhiều nơi, không thể tới thử sản phẩm, việc áp dụng thực tế ảo dường như là giải pháp hợp lý.

“Chúng ta bắt đầu thấy sự cần thiết của nhiều thứ trong thời đại Covid-19”, Carolina Milanesi, nhà phân tích công nghệ tiêu dùng cho công ty Creative Strategies, nói với New York Times. “Chẳng hạn, công nghệ gọi video bị ‘thờ ơ’ trong thời gian dài. Cuối cùng, chúng ta cũng thấy hữu dụng. Nó không sexy, nhưng cũng tạo sự khác biệt”.

Công nghệ thay thế tiệm hàng truyền thống

Dù có dễ nhận ra hay không, trải nghiệm mua hàng online đang thay đổi. Việc click vào phần menu phía trên website để truy cập các nhóm sản phẩm đã trở nên lạc hậu. Thanh tìm kiếm cho phép tìm trực tiếp một sản phẩm cụ thể, và nếu không tìm được, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của chat bot.

Theo New York Times, công nghệ chat bot đã được áp dụng nhiều năm nay. Facebook cho phép người bán hàng kích hoạt tính năng chat bot để trao đổi với khách hàng. Amazon cũng dùng chat bot để trả lời khách hàng. Con người sẽ hỗ trợ nếu chat bot không thể trả lời.

Giờ đây, khi việc đến cửa hàng truyền thống đang phải dừng lại, các công nghệ trò chuyện, trao đổi với khách hàng như trên sẽ phát triển mạnh hơn, theo Julie Ask, nhà phân tích công nghệ cho công ty Forrester Research.

cong nghe sau dich Covid-19 anh 2

Dịch Covid-19 tạo động lực cho các lĩnh vực kinh tế phục vụ người ở nhà. Ảnh: Reuters.

Thêm nhiều công ty đang dùng thực tế ảo, thực tế tăng cường để giúp khách mua sắm, cũng theo bà Ask. Chẳng hạn, Jins Eyewear, công ty bán kính, cho phép bạn chụp hình khuôn mặt để thử kính trước khi quyết định mua.

Snap, công ty mẹ của mạng xã hội Snapchat, đã hợp tác với các nhãn hàng sang trọng như Gucci và Dior để tạo tính năng thử quần áo qua thực tế ảo.

Sẽ ngày càng có nhiều quảng cáo tận dụng thực tế ảo. Năm nay, các nhà quảng cáo dự kiến chi 2,4 tỷ USD vào quảng cáo thực tế tăng cường, tăng 71% so với 1,4 tỷ USD vào năm ngoái, theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer.

Wi-Fi sẽ thông minh hơn

Một vấn đề về công nghệ mà đại dịch Covid-19 phơi bày là mạng Internet chậm, không ổn định. Năm 2020, khi người dân ở nhiều nước phải ở nhà để kiềm chế dịch bệnh, tốc độ Internet trung bình trên thế giới đều giảm, vì lượng sử dụng tăng vọt.

Nhưng may mắn là công nghệ Wi-Fi đang ngày càng cải thiện. Năm nay, sẽ có hàng loạt các sản phẩm router mới có công nghệ Wi-Fi 6, một chuẩn kết nối mạng mới. Không như những lần nâng cấp công nghệ Wi-Fi trước đây, Wi-Fi 6 không tập trung vào tốc độ, mà vào tính hiệu quả, cho phép chia sẻ băng thông trên nhiều thiết bị.

cong nghe sau dich Covid-19 anh 3

Tốc độ trung bình của mạng Internet toàn cầu đã giảm đi trong năm 2020 do người dân ở nhiều nước phải ở nhà. Ảnh: AFP.

Cụ thể hơn, chẳng hạn một gia đình có nhiều điện thoại thông minh, vài máy tính và máy chơi game. Nếu tất cả đang “ngốn” nhiều dữ liệu, chẳng hạn phát trực tiếp video, thì công nghệ Wi-Fi 6 sẽ làm tốt hơn việc phân phối băng thông cho các thiết bị trên cùng một lúc, thay vì để một thiết bị “chiếm” lấy băng thông.

Tính hiệu quả như vậy là đặc biệt quan trọng khi ngày càng nhiều thiết bị kết nối với Internet, từ đồng hồ đeo tay, ti vi đến nhiệt kế hay chiếc cân điện tử trong phòng tắm.

Tính trung bình, số lượng thiết bị kết nối Internet của mỗi người dự kiến tăng lên 4 vào năm 2023, so với chỉ 2 thiết bị vào năm 2018, theo nghiên cứu của hãng công nghệ Cisco.

Công nghệ giúp con người ngày càng “rảnh tay”

Năm 2020 là năm quan trọng đối với thanh toán qua điện thoại di động. Ở Mỹ, ngay cả những bên thường “trung thành” với tiền mặt, như tiểu thương ở chợ nông sản hay xe bán đồ ăn, bắt đầu chấp nhận thanh toán qua di động.

67% nhà bán lẻ ở Mỹ chấp nhận thanh toán “không chạm”, tăng 40% so với năm 2019, theo một khảo sát của Forrester. Trong số những người được khảo sát, 19% cho biết họ thanh toán điện tử lần đầu tiên ở cửa tiệm vào tháng 5/2020.

cong nghe sau dich Covid-19 anh 4

Công nghệ robot trở nên quan trọng hơn vì giúp tránh tiếp xúc, chẳng hạn như robot giao hàng ở trong hình. Ảnh: Reuters.

Ví điện tử chỉ là một trong những công nghệ mới giúp con người ngày càng “rảnh tay”. Một công nghệ tương đối mới dùng sóng vô tuyến, có tên Ultra-Wide Band, có thể sẽ bước ra “sân khấu lớn” trong năm 2021.

Công nghệ này, dùng sóng vô tuyến để xác định vật thể với độ chính xác cao, vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi kể từ khi ra đời khoảng hai năm trước. Nhưng việc phải tránh tiếp xúc có thể thay đổi điều này, theo bà Milanesi của công ty Creative Strategies.

Chẳng hạn, nếu điện thoại của bạn trang bị công nghệ radio Ultra-Wide Band, khi bạn đứng gần máy tablet ở quầy thanh toán cũng có công nghệ Ultra-Wide Band, máy tablet sẽ “nói” được với điện thoại và nhận thanh toán từ bạn (mà không phải người đứng sau bạn). Công nghệ này cũng có thể dùng để kiểm soát nhân viên ra vào văn phòng, hay khởi động xe mà không cần chìa khóa.

Làm việc, chăm sóc sức khỏe qua thực tế ảo

Đại dịch Covid-19 cho thấy rõ là các trải nghiệm qua công nghệ thực tế ảo, như họp qua video hay tập yoga qua Zoom, có thể thay thế trải nghiệm thực, nhất là khi không còn lựa chọn nào khác. Năm 2021, các trải nghiệm như vậy có thể số hóa cách mà con người làm việc hoặc chăm sóc sức khỏe.

Các công ty công nghệ thử nghiệm với việc áp dụng thực tế ảo vào trải nghiệm họp hành. Chẳng hạn, công nghệ AltspaceVR của Microsoft cho phép bạn và đồng nghiệp đeo bộ kính để “nhìn thấy” phòng họp ảo xung quanh.

cong nghe sau dich Covid-19 anh 5

Một phòng học áp dụng thực tế ảo, mô phỏng cảnh ở Bắc Kinh để sinh viên học tiếng Trung, tại Học viện Công nghệ Rensselaer ở Troy, bang New York, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Oculus, đơn vị thực tế ảo của Facebook, cho biết đang đẩy nhanh kế hoạch tạo ứng dụng thực tế ảo cho văn phòng. Hãng này dự định tích hợp bộ kính Oculus Quest 2 với phần mềm văn phòng để hỗ trợ các công ty tập huấn nhân viên, với giá khoảng 800 USD.

Khi các phòng tập gym phải đóng cửa, con người càng phải dựa vào công nghệ để giữ gìn sức khỏe.

Năm ngoái, Amazon giới thiệu sản phẩm đeo người để theo dõi việc tập luyện, bao gồm cả phần mềm quét lượng mỡ trong cơ thể. Apple gần đây ra mắt Fitness+, một dịch vụ video có các bài tập luyện ở nhà, tương tự Peloton.

Bà Julie Ask đang tự hỏi liệu xu hướng này có áp dụng tới các khía cạnh khác của chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn sức khỏe tâm lý, với các app video hướng dẫn người dùng tự thiền hoặc thực hiện các liệu pháp chữa bệnh.

Một số xu hướng sẽ được duy trì, trong khi các xu hướng khác sẽ mất dần. Các công nghệ nói trên, dù triển vọng, vẫn phải vượt qua thử thách thực tế, và phải có tính ứng dụng cao ngay cả sau khi cuộc sống trở lại bình thường.

“Các hành vi trên có thay đổi vĩnh viễn sau thời gian đại dịch 12 tháng hay 24 tháng hay không... Người tiêu dùng sẽ luôn lựa chọn những gì tiện lợi nhất”, bà Ask nói.

Thanh toán điện tử có thể sẽ được duy trì vì giúp tiết kiệm thời gian. Nhưng nếu mọi người quay trở lại tập luyện ở các phòng gym, có thể các sản phẩm công nghệ liên quan tới tập luyện sẽ không còn thời thượng sau dịch.

Phí môi giới cao, nợ nần - nguyên nhân lao động Việt trốn lại các nước

Trước khi sang Đài Loan làm việc, Nguyễn Thị Tuyết, 23 tuổi, được hứa hẹn mức lương tương đương 30 triệu đồng một tháng cho công việc trong ngành thực phẩm.

Điều không nói của 'bộ tứ' công nghệ Mỹ trong điều trần

Vũ khí của các nhà lập pháp Mỹ là hàng triệu tài liệu, hàng trăm giờ phỏng vấn và cả một số tin nhắn từng là riêng tư của giới tinh hoa Thung lũng Silicon.  

Trọng Thuấn

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm