Đó là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng hướng đến trong vòng 5 năm tới.
Chưa đáp ứng vị trí "đầu tàu" của miền Trung
Trình bày Báo cáo chính trị tại đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng (lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 -2020), diễn ra sáng 15/10, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, trong nhiệm kỳ qua Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 9,7%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước, đến năm 2015 ước đạt gần 46.000 tỷ đồng, bằng 1,6 lần năm 2010.
350 đại biểu chính thức được triệu tập tham dự Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng. |
GRDP bình quân đầu người đến năm 2015 ước đạt 62,65 triệu đồng, tương đương 2.908 USD, gần gấp đôi so với 2010.
Giai đoạn 2011 - 2015, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP ước đạt 57.460 tỷ đồng, tăng 1,4%/năm.
Sự phát triển của Đà Nẵng được thể hiện rõ nhất ở bộ mặt đô thị khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Hàng loạt cây cầu có kiến trúc "độc nhất vô nhị" cũng được hình thành. Những công trình phúc lợi xã hội, những khu đô thị mới văn minh, hiện đại mọc lên ngày càng nhiều.
Ông Trí cho rằng, Đà Nẵng đạt được những thành tựu trên là nhờ sự đoàn kết trong toàn Đảng bộ, chính quyền và sự động thuận của nhân dân.
Tuy nhiên, Báo cáo chính trị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại. Theo đó, kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa thật bền vững.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 5 đột phá về kinh tế - xã hội còn chậm. Sức ảnh hưởng, lan tỏa và vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của khu vực chưa rõ nét. Mô hình tăng trưởng chưa có thay đổi lớn, còn 4 chỉ tiêu do Đại hội XX đề ra chưa đạt.
Ghi nhận những kết quả đạt được nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, kinh tế của Đà Nẵng phát triển chưa bền vững. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.
Mô hình tăng trưởng của địa phương chưa có gì thay đổi, công nghệ chậm đổi mới; sản phẩm dịch vụ chưa phong phú.
"Lợi thế biển của Đà Nẵng chưa được phát huy. Vai trò động lực liên kết khu vực và lan tỏa của Đà Nẵng chưa rõ rệt. Việc nâng cao đời sống văn hóa, y tế, GD-ĐT chưa đạt kết quả như mong đợi", Chủ tịch nước chỉ rõ.
Xây dựng Đà Nẵng sánh ngang với các TP lớn ở Đông Nam Á
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Đà Nẵng sẽ huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Về kinh tế, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ phấn đấu để tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8-9%/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.000 - 4.500 USD.
Để đạt được các mục tiêu trên, Báo cáo chính trị đề ra ba bước đột phá, gồm: Một là, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Hai là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ tịch nước chỉ đạo Đảng bộ Đà Nẵng phấn xây dựng TP sánh ngang với các TP lớn ở Đông Nam Á. |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo, Đà Nẵng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, phát huy tốt vai trò trung tâm tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục của khu vực; phát triển nhanh du lịch, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; phát triển toàn diện nông - lâm - ngư nghiệp; nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, TP cần đầu tư nâng cấp cảng biển, nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chủ tịch nước cũng lưu ý Đà Nẵng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị, coi trọng công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Đà Nẵng cần đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu phát triển thành thành phố văn minh, hiện đại sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á", Chủ tịch nước nói.