Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã cắt giảm nhiều loại thuế và chỉ ra một số nguy cơ thất thu thuế hiện nay.
Một trong các nguy cơ là thuế xuất nhập khẩu từ các doanh nghiệp FDI. Trong tổng số các loại thuế tuyệt đối, khu vực này nộp năm ngoái là trên 37.000 tỷ đồng, trong khi thuế được miễn giảm đến trên 35.000 tỷ.
“Chúng tôi cho rằng đây là nguy cơ. Nó là nguy cơ chuyển giá, là ưu đãi theo chu kỳ thuế”, ông nói.
Một nguy cơ nữa là việc quản trị thuế đối với khu vực “kinh tế bóng” phi chính thức. Ngoài ra còn tình trạng thanh toán không dùng tiền mặt cho việc tính thuế.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng chỉ ra các giải pháp khắc phục các nguy cơ. Một trong những phương án căn cơ là sớm ban hành hệ thống luật thuế. Ngoài ra còn các chính sách kế toán đơn giản phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
“Chúng tôi cũng đã xây dựng, ban hành pháp luật. Bước đầu của các quy định là luật chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Chính phủ cũng đã đồng ý cho Bộ Tài chính là thành viên thứ 100 của diễn đàn chống xói mòn nguồn thu (BEPS) để có phương án hiệu quả hơn, qua đó phát triển cơ sở thuế. Đây là một việc quan trọng thứ hai”, ông nói.
Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu xây dựng các loại thuế liên quan đến tài sản. Một trong các loại tài sản được xem xét đánh thuế là nhà ở. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ông Tuấn cũng cho rằng việc rất cần là sửa đổi những chính sách thuế trên cơ sở không phải là tăng mức thuế, tăng tỷ lệ nộp lên, mà mở rộng cơ sở nộp thuế. Bộ Tài chính sẽ tập trung vào nhóm thuế liên quan đến bảo vệ môi trường, để khuyến khích kinh tế xanh.
Bộ cũng nghiên cứu xây dựng các loại thuế liên quan đến tài sản. Thuế tài sản đảm bảo 2 mục tiêu, là vừa khuyến khích kinh doanh, vừa đảm bảo công bằng xã hội một cách hợp lý.
Điểm thứ ba theo ông Tuấn là quan tâm đến vấn đề “kinh tế bóng”, “kinh tế phi chính thức”.
“Cần thực hiện quy định về hóa đơn điện tử. Chúng tôi đang phối hợp Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Kinh nghiệm thế giới cho thấy đây là một điều rất quan trọng”, ông Tuấn nói.
Trao đổi thêm về việc phát triển thị trường chứng khoán - một thị trường vốn rất quan trọng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng với tư cách là quản lý Nhà nước, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Bộ sẽ công khai minh bạch theo chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), công bố báo cáo đánh giá việc tuân thủ của Việt Nam về báo cáo tài chính quốc tế. Việc tuân thủ này áp dụng trước hết với doanh nghiệp đại chúng, tổng công ty, tập đoàn Nhà nước theo đúng chuẩn quốc tế về tài chính, chấm dứt tình trạng lỗ thật, lãi giả để tạo niềm tin phát triển thị trường vốn.