Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng để TP.HCM đang phát triển sầm uất thành trầm uất

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng cơ hội TP.HCM có cơ chế phát triển đã "chín mõm" vì vậy cần bỏ cơ chế ràng buộc, không để thành phố sầm uất thành "trầm uất".

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM. 

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết có đại biểu nói việc thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã chín muồi, nhưng thực tế "đã chín mõm vì không thể kéo dài được nữa".

"Từ thành phố sầm uất đang trở nên trầm uất vì những cơ chế ràng buộc", ông nói.

Thành công của TP.HCM sẽ mang lại bứt phá mới

Đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng từ xa xưa, vùng đất này đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hơn 3 thế kỷ nay khi Nam Bộ được minh định vào trong bản đồ Đại Việt, đường lối của các chúa Nguyễn đã nhìn ra biển và nhìn về phương Nam, sớm biến Nam Bộ không những thành vựa lúa mà thành trung tâm để thu hút thương mại. Lúc đó Nam Bộ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất...

Khi thực dân Pháp xâm lược, họ đã phát hiện ra Nam Kỳ là mảnh đất màu mỡ, trù phú. Năm 1861, bản quy hoạch thành phố đầu tiên ra đời với tầm nhìn 500.000 dân, sau này có điều chỉnh nhưng được duy trì đến 1939 trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ.

co che dac phat trien TP.HCM anh 1
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Phạm Duy.

Năm 1860, cảng Sài Gòn được mở thành cảng tự do và nhanh chóng trở thành trung tâm của khu vực. Năm 1930, đây là cảng đứng thứ 8 trong hệ thống cảng của nước Pháp và hệ thống các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Như vậy rõ ràng tầm nhìn của người Pháp đã nhận ra điều đó, danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" được nhắc đến ngay trong thời kỳ đen tối của thuộc địa. 

Sau khi đất nước thống nhất, đứng trước nhiều khó khăn và nhận thức không đầy đủ. Nhắc đến thời kỳ này là một Sài Gòn phá giá, cố gắng bứt phá trong một cơ chế hết sức hạn chế. Công cuộc đổi mới giúp Sài Gòn phát triển nhưng hiện vẫn nằm trong mặt bằng chung không khác địa phương khác.

"Có nguyên lý là không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, nguyên lý này có giá trị phân chia, đạo lý. Còn hiện nay thì chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ cào bằng", đại biểu Quốc nói. 

Theo ông Quốc, Nghị quyết không chỉ mở ra cho TP.HCM. Ông tin rằng không cần phải đến 5 năm nếu làm tốt thì các cơ chế sẽ được áp dụng ở những nơi khác và là sự hưởng lợi chung của cả nước.

"Sự thành công của TP.HCM sẽ mang lại sự giải thoát, bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước", ông nhìn nhận.

TP.HCM sẽ không phải "xé rào" để phát triển

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) cho rằng dù là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP đang đối mặt với nhiều thách thức như khả năng thu hút vốn đầu tư mới có thể bị giảm, sức ép về dân số tăng nhanh…. Vì vậy cần có cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.

TP.HCM được đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù gì? Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đề xuất thành phố có thêm quyền tự quyết với ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho hay trong lịch sử TP.HCM đã có nhiều lần "xé rào" như thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần, tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng như khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng… đó là những gợi mở và sau này đã trở thành chính sách được triển khai trong cả nước.

"Trao cho TP.HCM những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP.HCM thì TP cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với nghị quyết này, TP sẽ không cần phải loay hoay xé rào mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước", đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói.

Bà Hoa cũng cho rằng không chỉ phát triển kinh tế hạ tầng mà mục tiêu còn là phát triển giáo dục, y tế, môi trường, văn hoá, sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sống; từ đó lựa chọn chính sách tăng giảm thuế một cách hợp lý. Như tăng thuế những ngành ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển chung của thành phố, giảm thuế những ngành nghề cần tăng cường đầu tư. 

Ở chiều ngược lại, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lo ngại và đề nghị áp dụng thuế tài sản với TP.HCM. Nếu áp dụng riêng cho TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong áp dụng và thực thi chính sách. Nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế là tính công bằng bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế.

"Nếu chỉ áp dụng ở TP.HCM sẽ có sự khác biệt giữa những người nộp thuế. Như đại gia về bất động sản ở địa bàn khác không phải nộp thuế, trong khi ở TP.HCM lại là đối tượng chịu thuế", bà  Mai nói.

"TP.HCM sẽ thể hiện sự tự trọng của mình"

Cuối buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM -  cho hay bà rất cảm kích và cám ơn các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến đóng góp quý báu trong thời gian vừa qua.

Với tư cách là Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Tâm cũng xin chia sẻ để cung cấp thêm thông tin trước khi Quốc hội quyết định một trong những quyết sách quan trọng cho TP.

co che dac phat trien TP.HCM anh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: Phạm Duy.

Theo bà Quyết Tâm, khi có cơ chế, chính sách, TP.HCM sẽ thể hiện sự tự trọng của mình để thực thi chính sách. Từ thực tiễn của TP.HCM có thể có cơ hội để chúng ta nhân rộng ra cả nước.

"HĐND được giao 4/5 nhiệm vụ để thực hiện chính sách này. HĐND hiện có 115 đại biểu được nhân dân bầu với trình độ và năng lực 97% đại học và trên đại học, rải đều ở các lĩnh vực chuyên sâu. Vì vậy việc quyết định các lĩnh vực chuyên sâu là có điều kiện và có thực tiễn để thực hiện được", bà nói.

Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định TP luôn lắng nghe ý chí nguyện vọng của nhân dân và các nhà khoa học để đưa thành phố phát triển hơn.

TP HCM không thiếu tầm nhìn, chỉ thiếu cơ chế

Trao đổi với Zing.vn về nguyên nhân tụt hậu của TP HCM, GS.TS Nguyễn Thị Cành, cho rằng nhiều thế hệ đã trăn trở về chiến lược phát triển TP, nhưng đề xuất bị chặn lại bởi cơ chế,


Công Khanh - Thắng Quang - Video: Phạm Duy

Bạn có thể quan tâm