Diện mạo của khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp Quốc hội này. Trao đổi với Zing.vn, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright, cho rằng bên cạnh những cơ chế chung, TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất xây dựng Thủ Thiêm thành đặc khu kinh tế.
“Phải coi Thủ Thiêm là cú điểm huyệt để tạo ra cú hích phát triển cho TP.HCM”, ông Du nói.
Cần coi phát triển TP.HCM là mục tiêu quốc gia
- Nghị quyết được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều quy định tạo điều kiện phát triển đột phá cho thành phố lớn nhất cả nước. Với tư cách là người có gần 20 năm nghiên cứu về TP.HCM, theo quan điểm của ông, nghị quyết liệu có thể trở thành một đòn bẩy cho thành phố hay vẫn chỉ là những cơ chế manh mún?
- Thực ra, thách thức lớn nhất hiện nay là TP.HCM đang muốn một cái áo rộng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng câu chuyện ở đây thuộc về quan điểm phát triển. Mọi người luôn nói rằng TP.HCM là thành phố của cả nước, vì cả nước. Nhưng Việt Nam chưa nhìn ra một điều rằng đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá mới là chìa khoá dẫn đến phát triển thịnh vượng.
Ông Huỳnh Thế Du. Ảnh: Hà Hương. |
65% dân số Việt Nam là nông dân và mặc nhiên mọi người nghĩ rằng phải đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Nhưng có hai trục trặc xảy ra với quan điểm đó. Thứ nhất, chúng ta phần lớn có gốc gác nông thôn, hãy về hỏi ông bà, bố mẹ, người thân rằng họ muốn gì. Hầu hết họ sẽ nói rằng họ mong con cái ra thành phố lập nghiệp. Như vậy, tập trung vào nông nghiệp là đi ngược lại với ước nguyện của người dân. Thứ hai, điều này cũng đi ngược lại quy luật phát triển.
Hiện, sự cạnh tranh không phải là giữa TP.HCM với Hà Nội hay các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai mà là với các vùng đô thị khác trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu của địa phương là tạo công ăn việc làm cho người dân với thu nhập ngày càng cao và nguồn thu ngân sách để chính quyền thực thi nhiệm vụ của mình. Để làm được điều đó phải có người giỏi, người giàu và doanh nghiệp vì ba đối tượng này mới tạo ra việc làm và ngân sách.
Cuộc đua của các quốc gia trên thế giới cũng là cuộc đua của các đô thị trung tâm để thu hút ba đối tượng này. Nhưng vấn đề là họ “có chân” để chạy, tức là không chỉ chọn các địa phương trong nước mà là các nơi khác trên thế giới. Có nghĩa rằng chúng ta phải có đô thị trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Vấn đề bây giờ là phải tập trung để TP.HCM và Hà Nội trở thành môi trường đáng sống. Có nghĩa tương lai của Việt Nam nằm ở TP.HCM, Hà Nội.
Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh này, các quốc gia đang phát triển ngày càng bất lợi vì nhiều người giỏi và người giàu chọn điểm đến là các nước phát triển. 3 tỷ USD mà người Việt mua bất động sản ở Mỹ và mấy chục nghìn du học sinh không về là do đâu, do TP.HCM với Hà Nội có môi trường sống không tốt. Mà hai thành phố này không đáng sống thì đừng có nói đến nơi khác.
Vì vậy, vấn đề bây giờ là phải tập trung để TP.HCM và Hà Nội trở thành môi trường đáng sống. Có nghĩa tương lai của Việt Nam nằm ở TP.HCM, Hà Nội, hai thành phố này phải trở thành những đô thị cạnh tranh, hạ tầng thiết yếu về giao thông, nhà ở. Phải thực sự coi phát triển của hai đô thị trung tâm này là mục tiêu quốc gia giống như Trung Quốc coi phát triển Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân.
Khi Đặng Tiểu Bình nhận ra vấn đề rằng tương lai phát triển của Trung Quốc là ở Thượng Hải, lập tức Phố Đông được chú trọng để sau hơn 2 thập kỷ trở thành một khu vực có diện tích bằng Hong Kong, dân số và thu ngân sách bằng Singapore. Đó là một bộ mặt khác hẳn.
- Hiện có tranh cãi liệu quy chế đặc thù phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, hay cho phép có một số quy định vượt trần. Quan điểm của ông?
- Về nguyên tắc, để phát triển thì TP.HCM cần những cơ chế vượt lên hẳn so với hiện tại cũng như các địa phương khác. Tuy nhiên, điều đó có khả năng gây ra trục trặc và khó khả thi về mặt chính trị vì quá vênh so với 62 tỉnh thành còn lại.
Trong bối cảnh này, dùng triết lý cải cách của Đặng Tiểu Bình là hay nhất, tức là hình thành đặc khu kinh tế tại Thủ Thiêm. Như vậy, các quy định đặc biệt này chỉ cho khu vực Thủ Thiêm mở rộng hay khu phía đông thành phố. Chúng ta làm những cái thứ nhỏ, mới để nó lớn dần lên để phát huy tác dụng. Còn việc cải cách toàn hệ thống thì rất khó.
Khu tái định cư Bình Khánh (phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM) có 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho đến nay vẫn chưa có người ở. Ảnh: Lê Quân. |
Thủ Thiêm phải trở thành đặc khu kinh tế
- Vậy có nghĩa rằng ngoài kiến nghị cơ chế chính sách cởi mở hơn cho TP.HCM, nghị quyết này cần phải đề xuất việc hình thành đặc khu kinh tế tại Thủ Thiêm?
- Tôi cho rằng nghị quyết trình Quốc hội lần này hãy mạnh dạn đề xuất hình thành quy chế đặc khu cho Thủ Thiêm và vùng phía đông thành phố. Thực tế, nếu đặt các đặc khu kinh tế ở TP.HCM và Hà Nội thì khả năng thành công của chính sách này mới cao vì đặc khu cần phải thu hút người có khả năng với những nền tảng dịch vụ cơ bản và phục vụ cho những thị trường rộng lớn.
Hơn thế, việc hình thành một đặc khu kinh tế ở TP.HCM sẽ giúp giải quyết bài toán gia tăng quy mô ngân sách cho thành phố. Tỷ lệ giữ lại ngân sách trong các nguồn phân chia của TP.HCM hiện nay là 18%, bây giờ xin quay ngược 23% đã khó, nói gì tăng lên 33% như nhu cầu cần thiết?
Việc hình thành một đặc khu kinh tế ở TP.HCM sẽ giúp giải quyết bài toán gia tăng quy mô ngân sách cho thành phố.
Câu hỏi đặt ra là phải gỡ điều này như thế nào? Trong nghị quyết về cơ chế phát triển, TP.HCM đang xin tăng thuế bất động sản cùng một số loại thuế đặc biệt riêng như rượu bia... Nếu tính thuế bất động sản từ 0,3 đến 0,5% GDP, quy mô GDP của thành phố khoảng 1 triệu tỷ đồng, vậy 3.000-5.000 tỷ mỗi năm chỉ là thêm chút đỉnh, rất khiêm tốn.
Muốn phát triển, ngân sách giữ lại của thành phố phải tăng gấp đôi hiện tại, còn muốn nhanh như Bắc Kinh hay Thượng Hải thì phải tăng gấp 3 lần. Trong bối cảnh trần nợ công như hiện nay cho cả thành phố đảo ngược lại tiến trình là không thể. Cơ chế đặc khu giải quyết được vấn đề đó, tức là tạo ra cú hích cho việc phát triển, gỡ bài toán ngân sách cho thành phố.
Cả TP.HCM có thể chỉ giữ lại 18% nhưng cho phép đặc khu Thủ Thiêm giữ lại tỷ lệ lớn hơn hẳn, thậm chí là giữ toàn bộ nguồn thu. Về mặt kinh tế - chính trị, điều này sẽ khả thi. Bên cạnh đó, TP.HCM phải đưa ra các sáng kiến dựa trên cơ chế cho toàn vùng. Trong đó, phải biến TP.HCM thành trung tâm đô thị để cạnh tranh với các đô thị trong khu vực. Tiếp cận như vậy mới giải quyết được câu chuyện ra tấm ra món.
- Nghị quyết đề xuất cho phép TP.HCM tăng thuế bất động sản và một số loại thuế đặc biệt. Theo tính toán của ông thì thuế bất động sản chỉ chiếm 0,3-0,5% GDP của thành phố. Trong khi đó, nguồn lực để giải quyết hai vấn đề sống còn là giao thông và ngập nước ít nhất là 3% GDP. Ông nhìn nhận như thế nào về sự chênh lệch này?
- Với tình trạng hiện tại, những cơ chế này khó có thể giải quyết các vướng mắc mà TP.HCM đang gặp phải. Theo thông tin từ thành phố mà tôi biết sắp tới có khả năng Trung ương sẽ cho phép nâng trần vay nợ lên 90% số thu ngân sách được giữ lại. Con số trên thực tế bây giờ đang là 70% nhưng số tổng dư nợ vay mới khoảng 1/3 ngân sách thành phố (khoảng 22.000 tỷ đồng). Tính ra với cơ cấu hiện tại đến năm 2020 khi ngân sách thành phố lên tới 100.000 tỷ đồng, TP.HCM vẫn có thể vay thêm vài tỷ USD.
Tuy nhiên, câu chuyện thực sự ở đây là quyền tự vay, tự trả, tự quyết của thành phố. Còn bây giờ Trung ương quyết hết, lãi suất Bộ Tài chính quyết, vay như thế nào Quốc hội quyết vì liên quan đến trần nợ công quốc gia. Như vậy, thành phố rất khó xoay xở.
Phố Đông Thượng Hải ra đời trước Thủ Thiêm có mấy năm thôi nhưng hiện giờ đã trở thành nền kinh tế mấy trăm tỷ USD.
Cái khó nhất cuối cùng vẫn là động lực để cán bộ muốn làm tốt cho cái chung. Nếu không sự lãng phí sẽ rất khủng khiếp. Ví dụ, năm 2009, thành phố bỏ ra khoảng 20.000 tỷ để đền bù cho Thủ Thiêm. Từ đó đến giờ, Thủ Thiêm gần như chưa có công trình nào thực chất nổi lên, biến nó thành trung tâm thương mại, cung cấp dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, trong chừng đó thời gian lãi suất của trái phiếu đô thị nếu tính thêm cả lãi kép đã là 80% rồi và nếu vài năm nữa có những công trình đầu tiên mọc lên thì tiền lãi của khoản vốn này sẽ tương đương với nợ gốc.
Phố Đông Thượng Hải ra đời trước Thủ Thiêm có mấy năm thôi nhưng hiện giờ đã trở thành nền kinh tế mấy trăm tỷ USD. Từ đó, mới thấy trục trặc lãng phí, kém hiệu quả khi nguồn lực không được đưa vào sử dụng khủng khiếp như thế nào. Tiết kiệm, chắt bóp hay thu thêm nguồn này nguồn kia được mấy nghìn tỷ, nhưng sử dụng nguồn lực không hiệu quả thì thiệt hại lớn hơn rất nhiều.
Dù được quy hoạch từ năm 1996, 21 năm trôi qua hiện trạng Thủ Thiêm vẫn rất ngổn ngang. Ảnh: Lê Quân. |
Bao lâu để Thủ Thiêm thành Phố Đông Thượng Hải?
- Theo ông, thời điểm này, nếu phát triển Thủ Thiêm thành đặc khu thì TP.HCM đáp ứng được yếu tố nào trong ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà?
- Phát triển đặc khu chính là tạo ra lồng ấp cho những cú hích thì phải chọn những nơi có tỷ lệ thành công cao. Tôi nhìn đơn giản vậy thôi. Tôi đã nghiên cứu về TP.HCM từ 20 năm nay rồi. Đây là thời điểm có thể hội tụ đủ những yếu tố đó.
Thứ nhất, địa lợi là vị trí Thủ Thiêm. Thiên thời bây giờ là thời điểm Việt Nam thấy cần phải tạo ra cái gì đó. Dư địa tăng trưởng hiện tại hết rồi và nếu không làm thì Việt Nam sẽ gặp trục trặc. Còn yếu tố nhân hoà, tôi cho rằng chiến dịch chống tham nhũng là việc cần phải làm. Nhưng bên cạnh chống tham nhũng thì cũng phải tạo ra các kết quả kinh tế.
Việc Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp Chính phủ kiến tạo và hành động đang tạo thời điểm tốt để thay đổi. Quốc hội dành thời gian thảo luận một cơ chế đặc thù cho TP.HCM chứng tỏ mọi người thấy cần phải làm.
- Nếu Quốc hội cho phép TP.HCM hình thành 1 đặc khu kinh tế ở Thủ Thiêm, áp dụng mô hình Phố Đông Thượng Hải. Theo ông, phải mất bao nhiêu thời gian mới có kết quả?
- Mất 10 năm nếu làm nhanh như Phố Đông Thượng Hải. Với những điều kiện nền tảng của Thủ Thiêm bây giờ, chỉ cần mấy trăm căn nhà chọc trời mọc lên thì kinh tế khu đó sẽ sôi động. Giống như điểm huyệt, chọn đúng nơi tạo ra tác động thì cả cơ thể sẽ chuyển động ngay.
- Tuy nhiên, bộ máy hành chính hiện nay liệu có đủ sự dũng cảm để đi những bước đầu tiên đột phá hay không?
- Trung ương đang có người đó. Điều Thủ tướng đang làm là cực kỳ đúng. Cách đây hơn 1 năm khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức, tình hình rất khó khăn. Đó là tình trạng chán nản, tinh thần rệu rã, thiếu niềm tin. Chính phủ cũng bị vô số vòng kim cô của thể chế, các bộ ngành giữ khư khư lợi ích của mình.
Khoảng cách của TP.HCM so với các đối thủ cạnh tranh, các đô thị trong khu vực Châu Á đang rất xa là do ràng buộc chính sách của Trung ương và những vấn đề nội tại của bản thân thành phố.
Việc Thủ tướng tả xung hữu đột và sau 1 năm đã tạo ra sự chuyển động, môi trường kinh doanh cải thiện, mà cụ thể là xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới tăng 14 bậc, năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới tăng 5 bậc, 13 chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt được.
Tôi cho rằng đó là người có tinh thần doanh nhân công cộng. Tức là những người làm ở khu vực công, hiểu hệ thống, nhưng dám chấp nhận rủi ro, có nhiệt huyết, quyết tâm làm những điều có thể tạo ra sự chuyển biến.
- Còn nhân tố địa phương ở TP.HCM nên như thế nào?
- Nói một cách khách quan thì khoảng cách của TP.HCM so với các đối thủ cạnh tranh, các đô thị trong khu vực Châu Á đang rất xa là do ràng buộc chính sách của Trung ương và những vấn đề nội tại của bản thân thành phố. Cần có một sự quyết liệt dấn thân của lãnh đạo thành phố để có thể đạt được các mục tiêu mong muốn.
Trái lại, nếu cứ tuần tự điều hành thành phố theo khuynh hướng giữ ổn định hay mọi chuyện chỉ ở mức vừa phải thì sẽ rất khó khăn.
Thượng Hải - thành phố được đánh giá là hình mẫu để TP.HCM học hỏi - từng xuống cấp, suy tàn nhưng rồi trỗi dậy mạnh mẽ, “hóa rồng” nhờ các quyết sách hiệu quả. Trong một thập kỷ phát triển khu Phố Đông, chính quyền Thượng Hải và trung ương đã chi hơn 10 tỷ USD để xây dựng hạ tầng cơ sở, bao gồm hàng loạt cầu và đường hầm kết nối khu trung tâm cổ kính của thành phố với trung tâm tài chính mới ở Phố Đông.
Ngày nay, Thượng Hải được đánh giá là một thành phố hiện đại, phát triển hơn hẳn so với Hong Kong. Với dân số 24 triệu người, Thượng Hải được mô tả là “Paris ở phương Đông”. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu đưa Thượng Hải trở thành trung tâm kinh tế - tài chính và trung tâm giao thông quốc tế vào năm 2020.