Sáng 14/11, các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sau khi nghe báo cáo thẩm tra và tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
TP.HCM là đầu tàu nên không thể đi chậm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết TP.HCM thu ngân sách và tỷ lệ điều tiết về trung ương cũng nhất nước. Theo đó, từ 2017 TP thu 100% chỉ để lại 18% (giảm tới 5% so với gian đoạn ổn định ngân sách trước), 82% làm nghĩa vụ ngân sách Trung ương.
Theo bà Ngân, TP.HCM lớn nhất nước cả về quy mô kinh tế, thu ngân sách, dân số. Giá trị GDP làm ra cho cả nước, luôn luôn đứng nhất nhưng những năm gần đây tốc độ tăng trưởng chậm lại.
"Đã là đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng động lực mà đi chậm thì các toa sau đi chậm theo. Cho nên, quy định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không phải chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy, chúng ta mới thoát ra được vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về chính sách thuế tài sản, Chủ tịch Quốc hội phân tích Hiến pháp quy định chỉ có Quốc hội ban hành sắc thuế mới nhưng giờ chưa có luật nên cho TP.HCM làm thí điểm. Bà Ngân cũng đặt câu hỏi việc mua nhà bị đánh thuế nhà thứ 2 để điều tiết thu nhập xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo thì có cần thiết hay chưa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại tổ vào sáng 14/11. Ảnh: Thắng Quang. |
"Thuế tài sản rất tiến bộ để điều tiết người có nhiều nhà, tài sản phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước nhưng phải Quốc hội quyết, không ai có quyền quyết. Bây giờ, Quốc hội có đồng ý cho TP.HCM thí điểm làm trước cái này sau đó đánh giá sơ kết đưa vào xây dựng luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, TP.HCM đông đúc quá, xả chất thải, rác thì thuế bảo vệ môi trường cao hơn thành phố khác thì được, hay tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm, nước hoa cao cấp thì trả thuế cao hơn chứ không ảnh hưởng đến dân cư.
“Tờ trình Chính phủ đề nghị tăng tất cả thuế suất trừ thuế xuất nhập khẩu thì tôi không đồng ý. Như vậy chưa hợp lý, làm mất cạnh tranh của TP.HCM”, bà nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với tờ trình việc hưởng số thu cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM, để đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị cho bán thoái vốn nhưng dự toán ngân sách, Quốc hội đã chi cho TP.HCM 18.800 tỷ chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối. Chính phủ trình cho tiền cổ phần hóa doanh nghiệp thì cắt phần này lại. Tức là nếu đồng ý, Quốc hội phải cắt bớt phần này của TP.HCM.
"Cho cái này lấy lại cái kia như vậy hẹp hòi quá. Đã cho cơ chế đặc thù rồi, chưa biết người ta thu lại được bao nhiêu đã lấy lại số này. Tôi nói 18.800 tỷ này để lại TP có khi tạo nhiều cái để làm lợi về cho đất nước. Nên đã tạo động lực, đã cho vượt trội, đặc thù thì cho thêm chứ đừng lấy bớt", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Cơ chế riêng nhưng không thể đi theo quy luật riêng
Thảo luận tại tổ Bến Tre, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng TP.HCM dù có cơ chế riêng nhưng không thể có quy luật riêng, phải theo luật Quy hoạch chứ không thể vượt trên tầm luật Quy hoạch.
Đại biểu đoàn Bến Tre cho rằng ngoài các mục tiêu tăng trưởng rất lạc quan khi có thể đóng góp tới trên 632.000 tỷ giai đoạn 2021-2030 nhưng TP.HCM mới chỉ giải quyết được một mặt về kinh tế. Do đó đề nghị TP đặt ra và giải quyết tốt mục tiêu xã hội khi một trong 5 vấn đề TP.HCM đứng đầu cả nước là ma tuý, tệ nạn xã hội.
“Chỉ số nghèo của TP.HCM giờ cũng cao nhất cả nước, gấp 3-4 lần Hà Nội rồi”, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: quochoi.vn |
Riêng khoản 10.000 tỷ chống ngập, ĐB Nhưỡng cho biết, ông đã làm việc với nhiều chuyên gia lĩnh vực tài nguyên môi trường và xử lý nước thì họ nói 10.000 tỷ chỉ như muối bỏ bê, chỉ giải quyết cục bộ, trong khi muốn chống ngập toàn diện thì phải giải quyết tận vùng Vũng Tàu, Gò Công (Tiền Giang).
Ngoài ra ông cũng đặc biệt quan tâm đến bài toán giao thông tại TP.HCM. Đại biểu Nhưỡng cho biết đã đi thị sát tuyến metro Bến Thành, dự án này đang đứng trước ngã ba đường, đang “chết ngắc” với các nhà đầu tư ODA.
“Giờ đầu tư 12.000 tỷ rồi mà lại đắp chiếu thì cũng không giải quyết được bài toán giao thông của TP.HCM. Trong khi bài toán chống ngập và giao thông là khủng khiếp, mỗi năm ngốn 3% GDP của TP. Chúng ta phải tính toán chỗ này”, ông Nhưỡng nói.
Xấu hổ nếu chơi golf tại sân Tân Sơn Nhất
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH Hà Nội, cho hay đường phố TP.HCM luôn xảy ra ùn tắc nhưng vẫn có sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là một thực tế đáng suy nghĩ.
“Nếu có người mời tôi vào chơi golf tại sân trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cũng thấy xấu hổ. Vì phía bên ngoài, người dân đang khổ sở vì tắc đường, mà ở trong này lại có thể ung dung chơi golf thì không thể chấp nhận được”, đại biểu Trí nói.