Sau 15 năm cầm quyền và trải qua bốn cuộc bầu cử bế tắc, thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, ông Benjamin Netanyahu, đã bị liên minh các đảng đối lập hạ bệ khi họ lập được một chính phủ liên hiệp hôm 2/6.
Mặc dù vẫn cần Knesset (Quốc hội Israel) phê chuẩn, ông Naftali Bennett - một cựu trợ lý cấp cao của Thủ tướng Netanyahu - theo dự kiến trở thành thủ tướng tiếp theo của nước này trong hai năm tới. Sau đó, chức vụ người đứng đầu chính phủ sẽ chuyển giao cho ông Yair Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid.
Trên thực tế, trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng của ông Bennett thậm chí tụt khá xa so với đảng của ông Netanyahu lẫn của ông Lapid, theo Washington Post.
Dù vậy, trong bối cảnh bế tắc chính trị, việc bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ liên hiệp tại Israel hôm 30/5 cho phép ông Bennett - một triệu phú công nghệ cánh hữu, người ủng hộ các khu định cư Israel xây dựng trên đất chiếm đóng của người Palestine - nổi lên như một nhân vật quan trọng hàng đầu trong chuyển động chính trị ở Israel.
Ông Naftali Bennett, người sẽ trở thành thủ tướng Israel sau khi được quốc hội nước này phê chuẩn. Ảnh: Reuters. |
Naftali Bennett là ai?
Ông Naftali Bennett năm nay 49 tuổi. Ông sinh ra ở Haifa, Israel, và là người Mỹ gốc Do Thái nhập cư. Khi còn nhỏ, ông sống ở Mỹ, và cũng nói tiếng Anh thông thạo như người tiền nhiệm Netanyahu. Ông là người Do Thái theo dòng chính thống hiện đại.
Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Israel, ông Bennett là sĩ quan trong một đơn vị biệt kích tinh nhuệ.
Năm 1996, khi đang phục vụ ở miền Nam Lebanon - nơi quân đội Israel chiếm đóng, đơn vị của ông đã bị tấn công gần Kafr Qana của Lebanon. Trong nỗ lực rút chạy, đạn pháo của Israel đã cướp đi sinh mạng của 102 thường dân Lebanon đang trú ẩn tại một cơ sở của Liên Hợp Quốc, sự kiện sau đó còn được biết đến với tên gọi thảm sát Qana.
Ông Bennett tiếp tục làm việc trong ngành công nghệ và học luật tại Đại học Hebrew ở Jerusalem. Năm 1999, ông khởi nghiệp bằng một công ty sản xuất phần mềm chống gian lận. Năm 2005, ông bán doanh nghiệp của mình cho một công ty bảo mật của Mỹ và thu được 145 triệu USD, theo Reuters.
Con đường chính trị
Năm 2006, ông tham gia chính trường Israel. Ông từng là trợ lý cấp cao của ông Netanyahu cho đến năm 2008. Là thế hệ trẻ hơn nhiều so với vị lãnh đạo 71 tuổi, ông Bennett rời đi do bất đồng với ông Netanyahu về một số quan điểm chính trị.
Sau khi rời khỏi chính phủ, ông Bennett lãnh đạo Hội đồng Yesha, phong trào định cư của người Israel ở Bờ Tây, khu vực được người Palestine tuyên bố chủ quyền và bị Israel chiếm vào năm 1967.
Năm 2013, ông trở lại chính trường Israel với tư cách là lãnh đạo của đảng Gia đình Do Thái. Trong thời gian làm việc, ông Bennett đã định hướng đảng này ủng hộ người định cư và từng kêu gọi Israel sáp nhập khu vực Bờ Tây, bất chấp luật pháp quốc tế.
Ông Bennett từng là trợ lý cấp cao của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters. |
Sau đó, ông Bennett giữ chức bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng Giáo dục và bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ của ông Netanyahu. Năm 2018, ông Bennett bắt tay với ông Ayelet Shaked để thành lập một đảng chính trị mới vào quốc hội.
Ban đầu, đảng của ông Bennett đã thất bại tại cuộc bầu cử năm 2019 - cuộc bầu cử đầu tiên trong số bốn lần bỏ phiếu bế tắc ở Israel qua trong hai năm qua.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vào tháng 3, đảng Yamina của ông Bennett đã giành được 6 trong số 120 ghế hiện có. Nỗ lực này đủ để các đảng viên có ghế trong quốc hội Israel, trong khi ông Bennett trở thành thủ tướng quốc gia Trung Đông này.
Những trụ cột trong chính sách
Mặc dù không sống trong khu định cư của Israel ở Bờ Tây, ông Bennett xem nỗ lực sáp nhập các vùng lãnh thổ của người Palestine là phần cốt lõi trong chương trình nghị sự của mình.
Giống như nhiều chính trị gia hàng đầu khác ở Israel, ông Bennett có quan điểm cứng rắn với Iran và ủng hộ các chính sách kinh tế tự do.
Bên cạnh đó, ông cũng nổi tiếng với những bài diễn thuyết chống lại người Palestine. Năm 2015, ông Bennett từng gọi triển vọng về nhà nước Palestine là một "sự tự sát" đối với Israel. Ông cảnh báo rằng các công dân Arab của Israel không nên tiếp tay chống lại nhà nước Israel.
"Những kẻ khủng bố nên bị giết, không được thả" là quan điểm gây tranh cãi khác của ông Bennett vào năm 2013.
Bờ Tây luôn là ưu tiên hàng đầu của ông Bennett. Ảnh: Reuters |
Không chỉ vậy, chính trị gia này còn ủng hộ người Do Thái tăng cường kiểm soát khu vực Núi Đền tại Thành cổ Jerusalem, nơi đây cũng là một địa danh linh thiêng của trong tín người người Hồi giáo.
Tháng 5, tại khu vực này, cảnh sát Israel đã tấn công những người Palestine đang cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Vụ việc góp phần thổi bùng bạo lực và bất ổn, dẫn đến cuộc không kích ác liệt kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas.
Trong thời gian tới, giới phân tích dự đoán những quan điểm chính trị của ông Bennett sẽ bị hạn chế do ràng buộc giữa các đảng phái trong chính phủ liên hiệp.
Ông Bennett khó có thể thúc đẩy việc sáp nhập lãnh thổ, kế hoạch nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh Arab quanh Vịnh Ba Tư.
Dù vậy, nếu ông Bennett có thể đảm nhận chức vụ cao nhất trong chính phủ Israel, sự thăng tiến của ông sẽ củng cố cho một thế hệ chính trị gia cánh hữu tiếp theo của Israel.
Cho đến nay, ông Bennett đang cho thấy lập trường hòa giải. Vào tháng 11/2020, ông Bennett từng nói: “Trong những năm tới, chúng ta cần phải gác lại chính trị và các vấn đề về sáp nhập và nhà nước Palestine, chúng ta phải tập trung vào kiểm soát đại dịch Covid-19, khôi phục nền kinh tế và hàn gắn những rạn nứt nội bộ".
Dù vậy, khi ông Bennett đưa ra tuyên bố về chính phủ liên hiệp hôm 30/5, cảnh sát đã phải can thiệp vì người biểu tình xuất hiện bên ngoài căn hộ của ông. Trong thời gian tới, Israel có lẽ vẫn chưa thể sớm thoát khỏi sự chia rẽ sâu sắc giữa một bên ủng hộ và một bên phản đối ông Netanyahu bên trong đất nước.