Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Myanmar nỗ lực bắt kịp đà phát triển, không 'ôm cây đợi thỏ'

Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar, khẳng định nước này đang có nhiều thay đổi tiến bộ và đang dần bắt kịp với các quốc gia trong ASEAN và trên thế giới.

Sáng 13/9, bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar, có buổi trò chuyện tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018.

"Myanmar là quốc gia bị bỏ lại đằng sau vài thập kỷ và đang cố gắng bắt kịp", bà Suu Kyi nhận định. 

Theo bà, Myanmar là quốc gia nông nghiệp và 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Tuy nhiên, thành công trong cải thiện điện khí hóa đang giúp nâng cao đời sống của người dân.

Cố vấn nhà nước Myanmar khẳng định nước này đang có nhiều thay đổi tiến bộ và thế hệ trẻ ngày càng có cái nhìn mới về những gì xảy ra xung quanh để nghiên cứu ý tưởng thiết thực, đóng góp cho xã hội. Bà Suu Kyi cho rằng các doanh nghiệp nên đầu tư và tìm hiểu giới trẻ Myanmar.

“Chúng tôi luôn luôn hoan nghênh các luồng vốn đầu tư vào Myanmar. Chúng tôi cũng cố gắng thay đổi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư giáo dục lâu dài”, bà Suu Kyi khẳng định.

WEF ASEAN 2018 anh 1
Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar. Ảnh: WEF.

Về những hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, bà cho rằng Myanmar không nhận được nhiều sự hỗ trợ như kỳ vọng. Tuy nhiên, "chúng tôi cần nỗ lực đạt được những gì mình có, không thể 'ôm cây đợi thỏ'”, bà nói.

Bên cạnh đó, bà Suu Kyi khẳng định nguyên tắc cơ bản của Myanmar là phối hợp với người dân, và nguyên tắc pháp quyền đóng vai trò then chốt, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số. "Chúng tôi muốn có chính phủ do dân bầu, dân chủ. Tôi muốn đảm bảo rằng mọi người dân có thể đi bầu", bà nêu rõ.

Bà Suu Kyi được bổ nhiệm vị trí cố vấn nhà nước vào năm 2016. Đề cập đến cuộc bầu cử sắp diễn ra vào năm 2020, bà cho rằng điều quan trọng nhất là hòa bình và thịnh vượng. Đây là hai ưu tiên không thể chia tách.

Với tư cách lãnh đạo đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ, bà Suu Kyi khẳng định "đảng đã làm rất nhiều cho quốc gia". Việc giành chiến thắng cuộc bầu cử 2020 là điều quan trọng để đảng có thể đem lại sự ổn định và thịnh vượng.

Hôm 12/9, bà Suu Kyi là một trong 7 lãnh đạo đại diện quốc gia ASEAN và khu vực có bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị WEF ASEAN. Hội nghị là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại thủ đô Hà Nội. Khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước đã đến tham dự Hội nghị.

Hội nghị có khoảng 55 thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Lễ bế mạc WEF ASEAN sẽ diễn ra vào chiều nay. Sau đó, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sẽ được tổ chức với sự tham dự của hơn 1.000 doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu.

Khu vực Mekong thúc đẩy khí thế mới cho hội nhập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các nước trong khu vực Mekong cần kết hợp xen kẽ kết nối phần cứng gồm hệ thống năng lượng, giao thông vận tải với phần mềm thuộc hạ tầng số.

ASEAN vẫn có lợi thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Lãnh đạo bảy nước có bài phát biểu tại WEF ASEAN, thể hiện sự lạc quan về viễn cảnh kinh tế trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 dù còn nhiều đe dọa từ môi trường thương mại quốc tế.


Ngọc Hà

Bạn có thể quan tâm