“Những cơ hội Cách mạng Công nghệ 4.0 mang lại cho ASEAN là vô cùng lớn. Không khí hợp tác khởi nghiệp đang thực sự lan tỏa trong ASEAN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) ngày 12/9.
Tham dự Hội nghị cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo sáu nước khác trong ASEAN và trong khu vực đã thể hiện sự lạc quan về đột phá công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
ASEAN có lợi thế trong kỷ nguyên số
“Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang cận kề. Kinh tế toàn cầu đang chuyển đổi với những đột phá mới về công nghệ”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo ông, “ASEAN có vị thế tốt để tận dụng cơ hội CMCN 4.0 đem lại” và sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Ông nhận định lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ số là động lực thúc đẩy kinh tế ASEAN, đồng thời các quốc gia thành viên cần tiếp tục hợp tác, tạo một khu vực thống nhất, không kẽ hở.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị hôm 12/9. Ảnh: WEF. |
Tham dự Hội nghị, Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa khẳng định nền kinh tế thế giới đang có những biến chuyển tốt đẹp. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố có thể dẫn tới bất ổn của các nền kinh tế, đặc biệt các quốc gia áp dụng biện pháp bảo hộ, gây tổn hại đến thương mại đa phương.
“Trung Quốc luôn sẵn sàng làm việc với ASEAN và các quốc gia khác để nắm bắt cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và ứng phó thách thức, xây dựng nền kinh tế toàn cầu, sáng tạo, đổi mới và cởi mở”, ông Hồ Xuân Hoa khẳng định.
Khối ASEAN hiện là ngôi sao sáng trong số các nền kinh tế mới nổi với mức tăng trưởng dồi dào gần 7%. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng nền kinh tế phát triển đang được thúc đẩy ngày càng nhiều không phải bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế mà bởi tài năng của con người, nguồn tài nguyên vô hạn.
Lãnh đạo các quốc gia ASEAN và khu vực tham dự Hội nghị WEF ASEAN ngày 12/9. Ảnh: WEF. |
“Kỷ nguyên số hóa đã trở thành động lực phát triển mới”, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết công nghệ tạo ra thay đổi tích cực nhưng cũng sẽ gây ra quan ngại về việc làm khi tự động hóa ảnh hưởng đến ASEAN, nơi vốn là công xưởng sản xuất truyền thống của thế giới.
“Chúng ta cần tập trung vào giáo dục và đào tạo kỹ năng để giải quyết vấn đề mất việc làm và bất bình đẳng kinh tế và xã hội”, ông nói.
Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar, và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cũng đã có bài phát biểu tại Hội nghị. Thủ Tướng Lào thúc giục duy trì đoàn kết trong “cấu trúc khu vực đang biến chuyển để đảm bảo sự kết nối trong ASEAN tiếp tục phát triển”.
ASEAN đoàn kết trước chiến tranh thương mại
Trong phiên khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu quan ngại về chiến tranh thương mại bùng nổ. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về Viễn cảnh Kinh tế ASEAN, lãnh đạo doanh nghiệp và các đại biểu vẫn thể hiện sự lạc quan về viễn cảnh kinh tế.
Các diễn giả trong phiên thảo luận về Viễn cảnh Kinh tế ASEAN. Ảnh: WEF. |
Nazir Zarak, chủ tịch ngân hàng CIMB Group Holdings Bhd, cho biết ông lo ngại về nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Mỹ có những động thái tiêu cực đối với sự nổi lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, ASEAN đã có những biến chuyển đặc sắc từ “một khu vực căng thẳng và xung đột thành khu vực hòa bình và ổn định”, đồng thời tiếp tục duy trì con đường phát triển kinh tế thịnh vượng.
"Phối hợp với tư cách một ASEAN thống nhất, trao đổi thương mại nội khối và làm cho dòng chảy thương mại trơn tru có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến thuế quan đang diễn ra", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia Ignatius Darell Leiking, khẳng định.
"Nếu tất cả các nước láng giềng đều cùng phát triển và hỗ trợ lẫn nhau, cùng trao đổi những cách phát triển đất nước một cách công bằng thì chúng ta sẽ ổn", ông Leiking nói.