Tại phiên thảo luận về Tầm nhìn mới cho khu vực Mekong trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) hôm 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tầm nhìn của các nước tại khu vực Mekong không thay đổi.
“ASEAN thống nhất trong đa dạng và 5 nước thuộc tiểu vùng sông Mekong thể hiện rất rõ điều này”, Thủ tướng khẳng định. Theo ông, tầm nhìn chung của các nước khu vực sông Mekong là hòa bình, ổn định, hội nhập, đồng thời trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, vấn đề kết nối và phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng.
“Kết nối làm sự phát triển của mỗi nước năng động hơn, bao trùm hơn và tạo khí thế mới trong hội nhập của 5 nước Mekong”, Thủ tướng đề xuất các nước cần kết nối trong 4 trọng điểm: sử dụng nguồn nước Mekong hiệu quả, kết nối hệ thống năng lượng, giao thông vận tải và đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận hôm 12/9. Ảnh: VGP. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định các nước cần có điều chỉnh cần thiết như thực hiện thương mại điện tử, dỡ bỏ hàng rào thương mại, tăng cường kết nối và quản lý kinh tế. Ông cho biết Việt Nam đã đề xuất mở rộng mô hình hợp tác về hòa mạng di động một giá cước tiến tới xây dựng một “ASEAN phẳng”.
Phiên thảo luận có sự tham dự với tư cách diễn giả của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Phó thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định: "Khi chúng ta bàn về kinh tế, 5 quốc gia ven sông Mekong đều có sản phẩm chung, nhưng không có nghĩa các quốc gia cạnh tranh mà có thể bổ trợ cho nhau".
Đại diện các nước khu vực Mekong đồng tình ủng hộ cách thức hợp tác hòa bình, bền vững.
"Khu vực Mekong hợp tác về kinh tế, thương mại và biến cả khu vực thành mô hình bổ trợ lẫn nhau, hợp tác với nhau, cạnh tranh lành mạnh để vươn lên", bà Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar, nhận định các nước không nên sợ cạnh tranh mà thay vào đó có thể tận dụng cơ hội từ thị trường co giãn.