Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm với tổng ngân sách 36 triệu USD, với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng trong hơn 3 thập kỷ qua, chiếm khoảng 40% GDP và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.
Ông Lê Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khởi động dự án IPS-C. Ảnh: USAID. |
Tuy nhiên, ông đánh giá năng lực cạnh tranh của khu vực này còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ với chỉ 4% doanh nghiệp vừa và lớn, 96% là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vắng lực lượng tiên phong. Đa số doanh nghiệp tư nhân có trình độ quản lý thấp, tư duy kinh doanh còn manh mún, ngắn hạn.
Đặc biệt, ông cho rằng năng lực khoa học công nghệ chưa cao, khi chỉ có 10% doanh nghiệp từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp. Sự đầu tư của doanh nghiệp vào khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các nước khu vực.
Do đó, thông qua dự án IPS-C, Bộ KH&ĐT mong muốn cùng USAID triển khai các gói hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận thị trường...
Trong các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, dự án kỳ vọng có 240 doanh nghiệp sẽ tham gia thành công vào các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, đồng thời có 60 doanh nghiệp tiên phong sẽ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và định vị các thương hiệu “Made by Vietnam” trong khu vực và toàn cầu.
“Dự án mới này là một nỗ lực quan trọng của USAID để giúp Việt Nam tận dụng tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng động của khu vực tư nhân để có thể cạnh tranh trên toàn cầu và đem lại cơ hội công bằng hơn cho tất cả", bà Ann Marie Yastishock - Giám đốc USAID Việt Nam nhấn mạnh.