Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia: TP.HCM còn nhiều việc cần làm để trở thành đầu tàu kinh tế

Các chuyên gia, doanh nhân cho rằng cả doanh nghiệp lẫn chính quyền TP.HCM đều phải liên tục học hỏi và sáng tạo để xứng đáng với vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo "Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP.HCM" ngày 12/1, TS Lê Quốc Thành (Viện Leadman) dẫn lại câu chuyện về một doanh nghiệp FDI đầu tư rất lớn để xây dựng nhà máy tại Việt Nam, đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Tuy nhiên, sau 10 năm, có những tin đồn cho rằng các ưu đãi cho doanh nghiệp này đã hết, và họ đang xem xét khả năng dịch chuyển đến quốc gia khác.

"Như vậy sớm muộn gì doanh nghiệp Việt cũng phải lớn mạnh để có vai trò ngày càng quan trọng hơn", TS Lê Quốc Thành nhìn nhận.

doanh nhan tphcm anh 1

Doanh nghiệp TP.HCM cần được chính quyền hỗ trợ để phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Chính quyền cũng cần sandbox"

Tại TP.HCM, tính đến tháng 6/2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động là gần 460.000, với khoảng 500.000 doanh nhân, chiếm 50% số doanh nhân trên cả nước. Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TP.HCM còn nhiều việc phải làm để thực sự xứng đáng là đầu tàu của cả nước.

"Doanh nghiệp có đang được phát huy đúng mức, đúng tầm hay chưa? Nếu chưa thì vì sao? Điều kiện xuất phát, nền tảng thực lực, cơ chế chính sách bó buộc, hay do chính phẩm chất của người doanh nhân chưa đảm bảo?", PGS, TS Trần Đình Thiên trăn trở.

Ông cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp không cần phải xin chính sách, doanh nhân không cần phải cầu xin Chính phủ cho chính sách để làm ăn.

Doanh nghiệp đóng thuế, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thì Chính phủ phải cung cấp cho doanh nghiệp những chính sách và sự hỗ trợ tốt nhất

PGS, TS Trần Đình Thiên

"Doanh nghiệp đóng thuế, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thì Chính phủ phải cung cấp cho doanh nghiệp những chính sách và sự hỗ trợ tốt nhất, không thể có tình trạng phân biệt đối xử, bó buộc doanh nghiệp. Hơn cả khái niệm 'Chính phủ kiến tạo', giờ đây doanh nghiệp phải được thảo luận với Chính phủ để đề xuất chính sách", PGS, TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Muốn vậy, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chính quyền phải thực sự là bạn của doanh nghiệp - bạn một cách đàng hoàng, minh bạch. Bên cạnh nỗ lực học hỏi, chính quyền phải lắng nghe doanh nhân.

"Phải có 'sandbox' cho chính quyền. Chính quyền phải tự đặt ra 'sandbox' này, có sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân. Điều tôi mong mỏi nhất là TP.HCM tiếp tục đi đầu về cải cách, dám nghĩ, dám làm, như những gì TP đã làm những năm 1990-2000", TS Võ Trí Thành nói.

Song song với "sandbox" cho chính quyền, các chuyên gia cho rằng cần có mô hình đào tạo mới, với cơ chế đột phá để nâng cao năng lực thực tiễn cho doanh nhân.

Đào tạo doanh nhân cần cơ chế đột phá

Theo TS Lê Quốc Thành, việc đào tạo ngành kinh doanh tại Việt Nam còn nhiều hạn chế như chương trình đào tạo chưa bắt kịp chuẩn đào tạo cơ bản của các đại học ở các nước phát triển, nội dung nặng về lý thuyết, lỗi thời. Mặt khác, rất ít giảng viên là chuyên gia, doanh nhân đang kinh doanh, tư vấn trong thực tế.

Do đó, ông đề xuất thí điểm mô hình đào tạo có sự bảo trợ của chính quyền TP.HCM, có thể tài trợ một phần cho các học viên, doanh nghiệp tham gia, trong đó đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước là những người giàu kinh nghiệm thực tiễn về quản trị kinh doanh.

Bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP (HAWEE) cũng kiến nghị TP xem xét xây dựng một trường đào tạo doanh nhân theo mô hình của Học viện Matsushita (Nhật Bản).

"Năm 2015 tôi có dẫn 17 doanh nhân sang học viện này tập huấn. Tôi nhận thấy trong số 263 viện sinh tốt nghiệp khi đó, có 111 người ngồi trong Nội các Chính phủ Nhật Bản, còn lại là chủ tịch các tập đoàn hoặc chuyên gia đầu ngành", bà Tuyết Mai kể.

doanh nhan tphcm anh 2

Các chuyên gia, doanh nhân và lãnh đạo TP thảo luận tại hội thảo ngày 12/1. Ảnh: DNSG.

"Những viện sinh này không có giáo trình, nhưng họ được quyền đề xuất học viện mời giáo sư phù hợp về cùng họ nghiên cứu đề tài họ quan tâm", bà Tuyết Mai cho biết.

Vị lãnh đạo HAWEE cũng nói thêm thời điểm đó, bà Victoria Kwakwa - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - cam kết sẽ tài trợ 5 triệu USD nếu Việt Nam triển khai dự án. Đây là cơ sở để TP.HCM nghiêm túc cân nhắc về mô hình trường đào tạo doanh nhân này.

Chia sẻ tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh doanh nghiệp chính là những chiếc xe bồn chở xăng cho toàn xã hội. Doanh nghiệp phát triển thì công ăn việc làm của người lao động trong doanh nghiệp và những ngành nghề liên quan mới ổn định, GDP đất nước mới tăng trưởng.

Do đó, TP.HCM cần nỗ lực hỗ trợ, đồng hành để doanh nghiệp phát huy hết năng lực, đưa TP xứng đáng với vị trí đầu tàu của đất nước.

TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ phân quyền hơn nữa

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 5/1, lãnh đạo nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Thái Nguyên chung đề nghị Chính phủ phân cấp, phân quyền nhiều hơn.

Doanh nghiệp cần gì để sản xuất an toàn?

Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã chủ động điều chỉnh cách thức sản xuất để phù hợp bối cảnh mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và cơ quan chức năng.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm