Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mỹ vẫn đầu tư cho giới trẻ ASEAN dù TT Obama hết nhiệm kỳ'

Trao đổi với Zing.vn, đại sứ Mỹ tại ASEAN khẳng định chương trình kết nối giới trẻ ASEAN mà Tổng thống Obama tâm huyết sẽ vẫn tiếp tục và phát triển mạnh mẽ dù ông rời Nhà Trắng.

Trong số những cuộc gặp đại biểu YSEALI của Tổng thống Obama, buổi giao lưu ở TP HCM là nơi duy nhất quy tụ gần 1.000 người, mà tất cả đều là giới trẻ Việt Nam chứ không phải tuyển chọn từ các nước như những lần trước đó. Ảnh: Lê Quân

- Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng thống Obama công bố hồi năm 2013. Sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ, chương trình sẽ tiếp tục như thế nào?

- Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigan: Chúng tôi đã quy tụ được nhóm những bạn trẻ nổi bật trong khu vực, gần 100.000 đại diện trẻ tiêu biểu. Tôi tin rằng bất kỳ tổng thống Mỹ kế tiếp nào cũng sẽ muốn duy trì, trao đổi và làm việc cùng những trụ cột tương lai xuất sắc này. Chắc chắn chương trình YSEALI sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới, dù ứng viên nào chiến thắng để trở thành tổng thống Mỹ.

Hiện tại, chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể cho những chương trình trong năm sau bao gồm hàng loạt đợt tập huấn và kế hoạch tài chính. Năm tới đây cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng, kỷ niệm 40 năm từ khi Mỹ và ASEAN thiết lập quan hệ, và 50 năm kể từ ngày ASEAN hình thành. Cho nên chúng tôi chắc chắn đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho những hoạt động sắp tới của YSEALI.

YSEALI tiep tuc du tong thong Obama het nhiem ky anh 1
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigan chụp ảnh cùng đại biểu thanh niên các nước ASEAN ngày 6/9. Bà chia sẻ đây là lần đầu tiên sử dụng gậy để chụp hình với đông người. Ảnh: C.T.

- Ông Andy Rabens, Cố vấn đặc biệt các vấn đề thanh niên toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ: YSEALI sẽ vẫn tiếp tục vì ý nghĩa quan trọng của nó. Đây là một chương trình tâm huyết của Tổng thống Obama dành cho giới trẻ ASEAN. Bạn có thể thấy từ khi công bố vào cuối năm 2013 đến nay, Tổng thống Obama đã có 5 buổi gặp gỡ đại biểu thanh niên toàn khu vực, và buổi ngày hôm nay tại Lào sẽ là lần thứ 6.

YSEALI cũng trở thành một hoạt động chính của các sứ quán Mỹ ở SEAN để thu hút sự quan tâm của giới trẻ ở từng nước. Chúng tôi đã xây dựng được mạng lưới kết nối thanh niên khổng lồ tại ASEAN. Vì những ý nghĩa và kết quả to lớn này nên chắc chắn YSEALI sẽ vẫn tiếp tục và thậm chí là mạnh mẽ hơn sau khi Tổng thống Obama đã hết nhiệm kỳ.

- Một số báo cáo thường phân chia ASEAN thành 2 nhóm dựa theo tình hình kinh tế, với nhóm 1 là 6 nền kinh tế lớn trong khu vực và nhóm còn lại là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.

Qua mạng lưới YSEALI, thanh niên ở nhóm 1 sẽ hỗ trợ nhóm còn lại như thế nào trong những dự án phát triển của họ?

- Đại sứ Nina Hachigan: Tôi nghĩ chính những người trẻ là nhóm luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ nhau nhất. Khu vực Đông Nam Á vốn là những quốc gia đa dạng và có nhiều khác biệt về mọi mặt, có những nước rất phát triển và các nước đang phát triển. Trên thực tế, tôi đã gặp nhiều đại biểu xuất sắc của YSEALI nhưng không phải đến từ một thành phố lớn hay nước giàu.

Cho nên tôi nghĩ sự hỗ trợ ở đây không nhất thiết chỉ đến từ những nước có nền kinh tế tốt hơn, mà có thể diễn ra theo 2 chiều, các đại biểu mỗi nước sẽ chia sẻ những kiến thức mới có ích cho thanh niên những quốc gia còn lại. Tất cả những sự khác biệt và thách thức làm nên bản sắc đa dạng của ASEAN sẽ được đưa ra thảo luận. Khi đó, họ sẽ phối hợp cùng nhau để vạch ra giải pháp, hướng đến những thay đổi tích cực.

YSEALI tiep tuc du tong thong Obama het nhiem ky anh 2
Gần 200 đại biểu thanh niên dự hội nghị cấp khu vực của chương trình YSEALI năm 2016 tại Lào. Ảnh: C.T.

- Ông Andy Rabens: Một trong những ý nghĩa của chương trình YSEALI là sự kết nối mạng lưới. Chúng tôi nhận thấy thanh niên ngày nay đang đối mặt với những thách thức tương tự nhau, dù là ở Việt Nam, Lào hay thậm chí tại Mỹ. Đó là những vấn đề như rủi ro từ biến đổi khí hậu, bình quyền cho nữ giới, cơ hội tiếp cận các nguồn lực kinh tế…

Giải pháp cho những thách thức này vượt ra ngoài khả năng của một quốc gia riêng lẻ. Do vậy, chương trình khuyến khích đại biểu trẻ các nước chia sẻ những khó khăn và bài học kinh nghiệm của họ; và phối hợp để đề ra sáng kiến, giải pháp.

Chính vì sự khác biệt về quá trình phát triển của từng quốc gia ASEAN, nên mỗi kỳ hội nghị cấp khu vực diễn ra là dịp để các bạn trẻ tìm hiểu về hoàn cảnh của nước sở tại, như năm nay là về Lào. Chủ đề của năm 2016 là phát triển bền vững, nhưng “bền vững” như thế nào tại Lào sẽ rất khác với tại Singapore. Do vậy, khi lắng nghe chia sẻ và trao đổi với nhau, các bạn sẽ hiểu biết thêm và quá trình phát triển mạnh mẽ ở những nước đối tác trong khu vực.

YSEALI tiep tuc du tong thong Obama het nhiem ky anh 3
Ông Andy Rabens, cố vấn đặc biệt các vấn đề về thanh niên toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: C.T.

- Các cuộc họp cấp cao giữa những lãnh đạo ASEAN thỉnh thoảng gặp nhiều bất đồng trong những vấn đề quan trọng, như tình hình Biển Đông. Vai trò của giới trẻ khu vực trong việc giảm thiểu những bất đồng như thế nào?

- Đại sứ Nina Hachigan: Tôi nghĩ các thanh niên có cơ hội để thể hiện tiếng nói quan trọng của mình, đó là khi đồng lòng cùng hợp tác thì sẽ tạo ra những thay đổi tích cực. Đó cũng chính là thực chất của ASEAN.

Dù tồn tại sự khác biệt và tính đa dạng, nhưng ASEAN đã giúp duy trì ổn định và hoà bình trong 50 năm qua. Đó thực sự là một thành tựu to lớn. Trong quá trình ấy, khi quan hệ Mỹ - ASEAN ngày càng sâu sắc sẽ giúp đôi bên hiểu về nhau tốt hơn, nhận ra những lợi ích chung bên cạnh các bất đồng, từ đó hướng tới những đổi mới tốt đẹp cho ASEAN.

- Ông Andy Rabens: Sẽ luôn có bất đồng khi động đến lợi ích của một nước mà nước khác không muốn nhắc tới, hoặc khi cân nhắc về tác động lâu dài đối với toàn khối ASEAN. Tôi nghĩ giới trẻ cần tham gia và thể hiện tiếng nói của họ, rằng điều gì mà họ nghĩ là quan trọng nhất, như những ảnh hưởng đến cuộc sống do biến đổi khí hậu hay cơ hội phát triển kinh tế, hoặc tạo ra môi trường khởi nghiệp thuận lợi hơn cho giới trẻ… Chính giới trẻ cần phải nói rõ với những lãnh đạo rằng đâu là những mục tiêu ưu tiên.

Giới trẻ Việt háo hức chờ gặp lại Tổng thống Obama

Hơn 20 đại biểu Việt Nam từ chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) háo hức cho ngày gặp lại và giao lưu với Tổng thống Obama khi ông công du Lào.

Tổng thống Obama: Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á

"Nước Mỹ đến đây và sẽ ở lại. Cả lúc khó khăn lẫn thuận lợi, các bạn có thể trông cậy vào nước Mỹ", Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong chuyến thăm Lào hôm nay.

Cảnh Toàn (từ Luang Prabang, Lào)

Bạn có thể quan tâm