Lê Tiến Hoàng đặt câu hỏi cho Tổng thống Obama trong buổi giao lưu ở TP HCM hồi tháng 5. Ảnh: Reuters |
Sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, kết thúc, Tổng thống Obama đến thủ đô Vientiane, Lào, vào đêm 5/9, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên đến quốc gia Đông Nam Á này. Ông Obama cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Lào.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ những lãnh đạo cấp cao của Lào như Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith, các quan chức cấp cao trong chính phủ Lào để thúc đẩy hợp tác Mỹ - Lào; dự hội nghị lãnh đạo Mỹ - ASEAN và hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Một hoạt động khác mà ông Obama luôn hào hứng khi tham gia, chính là gặp gỡ và giao lưu với các đại biểu thanh niên của những quốc gia ASEAN từ chương trình YSEALI.
Hội nghị YSEALI cấp khu vực năm nay diễn ra ở Lào, quy tụ hơn 180 đại biểu từ 10 nước trong khối, đoàn Việt Nam có 21 người. Buổi gặp gỡ và giao lưu với Tổng thống Obama sẽ diễn ra vào chiều ngày 7/9 tại cố đô Luang Prabang của Lào.
Lê Tiến Hoàng đặt câu hỏi cho Tổng thống Obama trong buổi giao lưu với các đại biểu YSEALI Việt Nam hồi cuối tháng 5. Ảnh: WH.gov |
Từng được gặp và đặt câu hỏi cho Tổng thống Obama khi ông đến thăm TP HCM hồi tháng 5, bạn Lê Tiến Hoàng (sinh viên ĐH Quốc tế, TP HCM), nói vẫn “hồi hộp và mong chờ được gặp lại tổng thống”.
"Nếu lần này lại được tổng thống gọi nêu câu hỏi, tôi sẽ hỏi rằng khi ông đã gần kết thúc nhiệm kỳ, vậy bài học nào trong những năm qua khiến ông nhớ nhất và ông đã áp dụng bài học đó như thế nào?”, Tiến Hoàng cho biết.
Nhớ về cảm xúc trong lần đầu được gặp gỡ Tổng thống Obama hồi tháng 5, bạn Nguyễn Văn Tây (ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM) ấn tượng với những chia sẻ “có tâm và có tầm” của người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
Trong buổi giao lưu với tổng thống sắp tới, Văn Tây mong muốn lắng nghe những mối quan tâm đối ngoại của ông Obama trong thời điểm hiện tại, đặc biệt trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và ASEAN, tầm nhìn và định hướng để đẩy mạnh xây dựng các chương trình phát triển thủ lĩnh trẻ, các dự án phát triển cộng đồng ở khu vực Đông Nam Á cũng như toàn thế giới sau khi mãn nhiệm.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Quỳnh Anh (cựu SV ĐH Ngoại thương Hà Nội) cho biết, dịp này Tổng thống Obama giao lưu với tất cả đại biểu trẻ trong khu vực chứ không chỉ riêng với thanh niên Việt Nam như hồi 4 tháng trước.
Nguyễn Quỳnh Anh trong một sự kiện của YSEALI tổ chức ở Việt Nam về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ảnh: NVCC |
Do vậy, Quỳnh Anh kỳ vọng sự kiện sẽ tạo ra tương tác lớn hơn từ giới trẻ của cả 10 nước, một buổi trò chuyện mở để bàn luận về các vấn đề phát triển của ASEAN, mối quan hệ ASEAN - Mỹ và vai trò giới trẻ trong những vấn đề đó.
Từng suýt được gặp Tổng thống Obama nhưng vướng chuyến du học ngắn hạn tại Mỹ hồi tháng 5, luật sư trẻ Phạm Duy Khương vô cùng mong chờ buổi giao lưu vào chiều 7/9.
“Tôi kỳ vọng tổng thống Obama không chỉ tập trung vào những mặt tích cực mà sẽ chỉ ra những điều hạn chế của thế hệ trẻ tại các nước Đông Nam Á, khiến đóng góp của họ vào sự phát triển của từng quốc gia chưa thực sự hiệu quả. Tôi cũng mong tổng thống chỉ ra những nguyên cơ căn bản lâu nay ngăn Đông Nam Á phát triển như một cộng đồng chung và thống nhất”.
Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) là chương trình do Tổng thống Obama công bố năm 2013, hướng đến kết nối các nhân tố lãnh đạo trẻ của ASEAN (từ 18 - 35 tuổi); qua đó khẳng định tầm quan trọng của tuổi trẻ trong quá trình hình thành nên tương lai của Đông Nam Á, một khu vực quan trọng trong chính sách "tái cân bằng" hướng về châu Á của Tổng thống Obama.