Tổng thống Obama hôm 3/9 bước xuống sân bay Tiêu Sơn ở Hàng Châu qua cánh cửa nhỏ ở bụng máy bay và không hề có thảm đỏ dưới chân ông. Ảnh: Reuters |
Công tác tiếp đón của Trung Quốc đối với phái đoàn Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) tạo nên đồn thổi trên truyền thông phương Tây rằng Bắc Kinh cố tìm "dìm" Tổng thống Obama.
Đáp lại, báo đài nhà nước Trung Quốc chỉ trích rằng người Mỹ "chuyện bé xé ra to" và "chấp vặt". Thực hư câu chuyện, qua lời kể của các quan chức Mỹ rành rẽ về Trung Quốc, vừa đơn giản lại vừa phức tạp, theo New York Times.
Theo lời các quan chức này, quân đội Mỹ đã đưa đến Trung Quốc một xe thang trước khi ông Obama đến nơi, và phía Trung Quốc đã cho phép sử dụng thang này.
Tuy nhiên, ngay trước giờ tổng thống Mỹ đáp xuống Hàng Châu, quan chức Trung Quốc lại đổi ý và yêu cầu phải dùng xe thang Trung Quốc và do lái xe của họ lái để áp sát Air Force One.
Điều khó là lái xe này không thể nói tiếng Anh, dù là những chuyện đơn giản nhất. Vì thế, phía Mỹ yêu cầu đổi tài xế có thể giao tiếp tiếng Anh, và bị phía Trung Quốc từ chối.
Khi Air Force One của tổng thống Mỹ hạ cánh, Trung Quốc lại đổi ý chấp nhận cho sử dụng thang của Mỹ, tuy nhiên lúc này không còn kịp để đổi thang nữa.
Lúc đó, quan chức Nhà Trắng quyết định cho tổng thống đi bằng cửa nhỏ ở bụng máy bay. Thông thường, cửa này chỉ được sử dụng ở những nơi cần cảnh giác cao độ về an ninh như khi tới Afghanistan.
Tổng thống Mỹ bước khỏi chuyên cơ và chứng kiến cảnh hỗn loạn: các phóng viên Nhà Trắng bị an ninh Trung Quốc ngăn cản ghi hình ông Obama, ngay cả Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng bị chặn đường.
Tranh cãi nổ ra giữa các quan chức Nhà Trắng và quan chức an ninh Trung Quốc, đỉnh điểm là khi nhân viên Trung Quốc quát bằng tiếng Anh: "Đây là đất nước chúng tôi. Sân bay của chúng tôi".
Điều đầu tiên chào đón tổng thống Mỹ ở Trung Quốc lần này là cuộc cãi vã giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Khẩu chiến cấp nhà nước
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lặp lại lời tuyên bố của quan chức ở sân bay: "Đây là đất nước của chúng tôi". Trên mạng xã hội cũng đầy rẫy những bình luận của người Trung Quốc chỉ trích phái đoàn Mỹ "kiêu kỳ".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì chỉ trích "bản chất không chuyên nghiệp" của truyền thông phương Tây khi thổi phồng sự cố này.
Tựa đề một bài viết trên trang military.china.com nói rằng: "Nước Mỹ tự cao tự đại tại Hàng Châu. Truyền thông Mỹ vô lối khi cáo buộc Trung Quốc".
Các quan chức Mỹ cũng không vừa. Twitter của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ chia sẻ bài viết về vụ rắc rối tại sân bay, kèm theo lời bình luận: "Trung Quốc vẫn đẳng cấp như ngày nào". Tuy nhiên, bài viết này sau đó đã bị xóa đi, và cơ quan này xin lỗi rằng "bài viết bị đăng nhầm, và không thể hiện quan điểm của chúng tôi", theo Daily Mail.
Trong khi đó, giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong của Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng: "Quyết định của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh cho phái đoàn Mỹ". "Trung Quốc chỉ làm theo những gì họ (người Mỹ) muốn. Đây là cách hành xử truyền thống. Chính phủ đã quá quen với cách hành xử này của người Mỹ", theo ông Jin.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng thái độ trên mạng xã hội Trung Quốc không phản ánh cách nhìn của lãnh đạo nước này.
Giáo sư Zhang Baohui của Đại học Lĩnh Nam tại Hồng Kông nhận định: "Sự cố ngoài sân bay có vẻ do hệ thống quan liêu của Trung Quốc."
Ông Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, nói rằng hành động vừa qua là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc ăn sâu vào nhiều người Trung Quốc rằng "không thể để người Mỹ bảo chúng ta phải làm gì".
Tổng thống Mỹ 'không để bụng'
Tổng thống Obama tỏ ra ông không để bụng chuyện này. Theo ông Obama, sự cố phát sinh chỉ là trao đổi qua lại trong quy trình đảm bảo an ninh. Ông Obama cũng nói rằng ông hiểu việc người Mỹ thường có nhiều yêu cầu khi đến các nước khác, với đoàn tùy tùng "đồ sộ" và yêu cầu an ninh nghiêm ngặt.
Dù vậy, tổng thống Mỹ cũng không phủ nhận sự việc vừa qua có "lời qua tiếng lại hơi nhiều hơn ngày thường, với một số va chạm hậu trường".