Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ vạch ra cái giá phải trả nếu Nga tấn công Ukraine

Chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh đang xây dựng các biện pháp trừng phạt mới trước một loạt cuộc họp nhằm xoa dịu căng thẳng với Nga.

cang thang Nga - Ukraine anh 1

Chính quyền ông Biden và các đồng minh đang xây dựng một loạt biện pháp trừng phạt tài chính, công nghệ và quân sự chống lại Nga. Họ cho rằng chúng sẽ có hiệu lực trong vòng vài giờ một khi Nga tấn công Ukraine.

Qua đó, họ hy vọng sẽ thể hiện rõ với Tổng thống Vladimir Putin về "cái giá đắt" mà Nga phải chịu nếu phát động tấn công Ukraine, theo New York Times.

Trong các cuộc phỏng vấn, giới chức Mỹ lần đầu tiên mô tả chi tiết các kế hoạch đó, ngay trước thềm nhiều cuộc đàm phán ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng với Nga. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào 10/1 tại Geneva, Thụy Sĩ và sau đó diễn ra tại một số nước khác tại châu Âu.

Lo ngại Nga viện lý do tấn công Ukraine

Những động thái như vậy hiếm khi được thông báo trước. Song các cố vấn của Tổng thống Biden nói rằng họ đang cố gắng báo hiệu cho ông Putin biết chính xác những gì sẽ phải đối mặt, cả trong và ngoài nước. Họ hy vọng có thể tác động đến quyết định của ông trong những tuần tới.

Các cuộc đàm phán vào ngày 10/1 sẽ do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman dẫn dắt. Phía Nga dự kiến thúc đẩy các yêu cầu về "đảm bảo an ninh", bao gồm ngăn chặn NATO kết nạp Ukraine.

Vào ngày 12/1, các thành viên của NATO sẽ gặp Nga tại Brussels. Trong ngày kế tiếp tại Vienna, các quan chức Ukraine lần đầu tiên có mặt tại bàn đàm phán của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Tuy nhiên, rất khó để có một cuộc đàm phán nghiêm túc với 57 thành viên tham gia.

cang thang Nga - Ukraine anh 2

Nga đang triển khai hàng chục nghìn quân lính gần biên giới Ukraine. Ảnh: Maxar Technologies.

Các nhà ngoại giao Mỹ quan ngại sau tuần đầy sóng gió này, Nga có thể tuyên bố rằng những lo ngại về an ninh của họ không được đáp ứng và sử dụng thất bại của các cuộc đàm phán như một lý do biện minh cho hành động quân sự.

“Chúng tôi đã nói rõ với Nga về những gì nước này sẽ phải đối mặt, bao gồm cả các biện pháp kinh tế mà chúng tôi chưa từng sử dụng trước đây, với những hậu quả to lớn”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

Tuy nhiên, lời cảnh báo đó cũng là sự thừa nhận gián tiếp rằng phản ứng của chính quyền Obama vào năm 2014, khi Nga đưa lực lượng vào một số vùng của Ukraine, là quá nhẹ nhàng. Các quan chức Mỹ cho biết họ đang cố gắng rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ.

Gần 8 năm sau, Nga vẫn kiểm soát Crimea và phớt lờ hầu hết cam kết ngoại giao mà nước này đưa ra trong các cuộc đàm phán diễn ra sau đó, được gọi là hiệp định Minsk.

Một loạt biện pháp trừng phạt mới

Giới chức Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào việc loại bỏ các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga khỏi hệ thống giao dịch toàn cầu. Kế hoạch này được một quan chức mô tả là “phản ứng nhanh, có tác động lớn mà chúng tôi đã không theo đuổi vào năm 2014”.

Các quan chức từ chối cho biết liệu Mỹ có sẵn sàng loại bỏ Nga khỏi SWIFT, hệ thống thực hiện các giao dịch tài chính giữa hơn 1.100 ngân hàng ở 200 quốc gia.

Tuy nhiên, giới chức châu Âu cho biết họ đã thảo luận về khả năng đó. Đây cũng là điều mà hầu hết cường quốc châu Âu đều từ chối xem xét mãi cho đến gần đây, vì lo ngại rằng Nga có thể trả đũa bằng cách cắt đứt dòng khí đốt và dầu trong mùa đông.

cang thang Nga - Ukraine anh 3

Mỹ xem xét loại các tổ chức tài chính lớn của Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Ảnh: New York Times.

Cynthia Roberts, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hunter, cho biết Nga đã học được rất nhiều điều về "khả năng chống lại các lệnh trừng phạt toàn cầu". Bà băn khoăn liệu Nga sẽ chịu nhiều thiệt hại như các quan chức Mỹ nói nếu nước này bị loại khỏi SWIFT.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt về công nghệ, nhắm vào một số lĩnh vực công nghiệp mà ông Putin chú trọng, đặc biệt là hàng không vũ trụ và vũ khí. Đây là những ngành sản xuất tạo ra doanh thu chính cho Nga.

Trong một bước đi bổ sung, theo các quan chức Mỹ, Bộ Thương mại có thể đưa ra phán quyết về lệnh cấm xuất khẩu bất kỳ hàng tiêu dùng chứa thiết bị công nghệ do Mỹ sản xuất hoặc thiết kế sang Nga. Điều đó còn áp dụng với nhà sản xuất của châu Âu, Hàn Quốc và một số nước khác sử dụng chip hoặc phần mềm của Mỹ.

Nga không sản xuất nhiều sản phẩm này, do vậy, ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thể rất lớn. Trong khi Bộ Thương mại và Bộ Tài chính nỗ lực đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm tối đa hóa lợi thế của Mỹ so với Nga, Lầu Năm Góc đang phát triển các kế hoạch mang âm hưởng của các cuộc chiến tranh ủy nhiệm những năm 1960-1970.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, cảnh báo người đồng cấp Nga rằng nếu nước này tấn công Ukraine, chiến thắng chóng vánh của họ sẽ châm ngòi cho cuộc nổi dậy.

Hơn một tháng trước, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã lập nên một cơ quan lập kế hoạch liên ngành mới để xem xét một loạt trường hợp dự phòng nếu Nga tiến hành cuộc tấn công.

Đơn vị này đang cố gắng điều chỉnh các phản ứng đối với nhiều loại tấn công có thể xảy ra trong vài tuần tới, từ các cuộc tấn công mạng nhằm làm tê liệt lưới điện và đường ống của Ukraine đến việc chiếm đoạt một phần lãnh thổ nước này.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anton Semelroth từng cho biết Mỹ cam kết cung cấp 2,5 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ năm 2014, trong đó có 450 triệu USD trong năm 2021.

Trong ba tháng qua, Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 180 tên lửa Javelin, hai tàu tuần tra cùng nhiều thiết bị khác mà giới chức nước này mô tả là nhằm mục đích phòng thủ. Tuy nhiên, cơ quan lập kế hoạch đang xem xét các loại vũ khí sát thương hơn, chẳng hạn vũ khí phòng không.

Một phương án có thể sẽ được thảo luận tại NATO trong tuần tới là kế hoạch tăng số lượng quân đóng ở các nước vùng Baltic và Đông Nam Âu.

Vấn đề tên lửa và tập trận sẽ làm nóng cuộc đàm phán Nga - Mỹ

Quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga về các hệ thống tên lửa và các cuộc tập trận quân sự của hai nước trong cuộc đàm phán sớm vào ngày 9/1.

Nước đầu tiên ở châu Âu vượt mốc 150.000 người chết vì Covid-19

Vương quốc Anh trở thành nước thứ 7 trên thế giới vượt mốc 150.000 người tử vong vì Covid-19, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Mexico và Peru.

Vân Đinh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm