Lệnh đình chỉ bay với Boeing 777 được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ban hành ngày 21/2, sau sự cố ở Denver hôm 20/2. United Airlines, chủ sở hữu của chiếc Boeing 777 gặp sự cố cho biết họ đã dừng bay toàn bộ phi đội 24 chiếc của hãng, Guardian cho biết.
FAA chỉ thị cho các hãng hàng không kiểm tra ngay lập tức các máy bay, không chỉ với Boeing 777 mà các phi cơ khác để tránh lặp lại sự cố ở Denver.
“Chúng tôi đã xem xét tất cả dữ liệu an toàn sẵn có. Dựa trên thông tin ban đầu, chúng tôi kết luận rằng nên tăng tần suất kiểm tra đối với cánh quạt dành cho kiểu động cơ được sử dụng trên Boeing 777”, Steve Dickson, quản trị viên FAA nói.
Cơ quan Quản lý Hàng không Nhật Bản cũng nhanh chóng ban hành lệnh cấm bay đối với Boeing 777. Các hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) đang vận hành lần lượt 13 và 19 chiếc Boeing 777.
Một phần vỏ động cơ Boeing 777 suýt rơi trúng nhà dân. Ảnh: Getty. |
Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết một trong những chiếc Boeing 777 của JAL, bay từ Naha đến Tokyo phải quay trở lại sân bay ngày 4/12/2020 do trục trặc động cơ bên trái. Chiếc máy bay gặp sự cố hôm đó có cùng thời gian sử dụng với chiếc Boeing 777 gặp nạn ở Denver hôm 20/2.
Hôm 20/2, chiếc Boeing 777-200 của United Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Denver, bang Colorado đến Honolulu đã gặp sự cố với động cơ bên phải. Các hành khách trên chuyến bay cho biết máy bay rung lắc dữ dội sau tiếng nổ lớn và vỏ của động cơ vỡ thành nhiều mảnh văng khắp nơi.
Cảnh tượng động cơ bốc cháy khiến hành khách hoảng sợ. Ảnh: Cắt từ video 9News. |
Một phần vỏ của động cơ suýt phá hủy một nhà dân khi nó rơi xuống ngay trước thềm nhà. Chiếc Boeing 777 buộc phải quay trở lại sân bay và hạ cánh khẩn cấp, rất may không có thương vong nào xảy ra.
Điều tra sơ bộ ban đầu cho biết các cánh quạt của động cơ đã bị gãy, cắt đứt vỏ bảo vệ bên ngoài của động cơ. Rất may nó đã không văng vào khoang hành khách.