Theo Nikkei Asia Review, quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Cerberus Capital Management và công ty đóng tàu Australia Austal đã hợp tác, chính thức gửi đề nghị đấu thầu cho nhà máy đóng tàu lớn nhất của Philippines ở vịnh Subic - thứ vốn đang thu hút sự chú ý của Trung Quốc.
Đề nghị vẫn cần phải đàm phán với các chủ nợ của nhà máy đóng tàu, sau khi đơn vị sở hữu nó là tập đoàn Công nghiệp Nặng Hanjin của Hàn Quốc không thể trả khoản nợ lên tới 1,3 tỷ USD.
Nhà máy đóng tàu của Hanjin Heavy Industries tại vịnh Subic. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Nhà máy đóng tàu có vị trí chiến lược
Lời đề nghị ban đầu đã được xác nhận trong tháng này và tiến trình đàm phán đang diễn ra thuận lợi, một quản lý cấp cao liên quan đến thương vụ này chia sẻ với Nikkei Asian Review. Mọi thứ được hy vọng sẽ hoàn thành vào đầu năm tới.
Trong khi các điều khoản chi tiết của thoả thuận vẫn chưa được tiết lộ, đề nghị đấu thầu chính thức của hai công ty Mỹ và Australia sẽ mang lại những hy vọng về việc hồi sinh nhà máy đóng tàu rộng 300 ha, nằm ở khu vực từng là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, và nằm ở khu vực trung tâm của Biển Đông, nơi có tầm quan trọng chiến lược về mặt quốc phòng.
Việc Trung Quốc quân sự hoá và chiếm đóng trái phép các thực thể trên Biển Đông, nơi diễn ra khoảng 1/3 hoạt động vận chuyển tàu biển toàn cầu với giá trị ước tính đạt 3,4 nghìn tỷ USD, đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực cũng như ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington và các đồng minh của Mỹ.
Nó cũng thúc đẩy sự hồi sinh của dự án Đối thoại Tứ giác An ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông. Philippines, nước có mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề này, đã giành được sự ủng hộ của toà trọng tài quốc tế trong một phán quyết năm 2016, trong đó bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Tuy nhiên sau cuộc bầu cử năm đó, Tổng thống Rodrigo Duterte đã không đả động gì tới phán quyết này để đổi lại một mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, trong đó có khoản cam kết đầu tư trị giá 45 tỷ USD để xây dựng các nhà máy thép, trung tâm công nghiệp, đường sắt, cầu và nhà máy điện.
Liên minh Austal-Cerberus đã tham gia vào các cuộc đàm phán độc quyền với chủ nợ của nhà máy đóng tàu kể từ tháng 7. "Tôi cho rằng họ (Austal-Cerburus) có thể sẽ thắng thầu", giám đốc điều hành tại một trong những chủ nợ chia sẻ với Nikkei Asian Review.
Tàu HMS Adelaide của hải quân Australia trong một chiến dịch cứu trợ cùng hải quân Philippines tại vịnh Subic. Ảnh: AP. |
Trước khi vỡ nợ, công ty chủ quản đã đầu tư 2,3 tỷ USD vào Subic, tạo ra hơn 30.000 việc làm cho người dân địa phương và hoàn thành 120 tàu kể từ khi khai trương nhà máy năm 2006. Austal có kế hoạch sẽ đóng các tàu quân sự và tàu chở khách tại đây nếu họ thắng thầu lần này.
Phó đô đốc Hải quân Philippines Robert Empedrad cho biết Austal-Cerberus sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội, và hải quân kiên quyết phản đối bất cứ sự tiếp quản nào của Trung Quốc đối với nhà máy đóng tàu này dựa trên cơ sở an ninh quốc gia.
"Mỹ và Australia là những người bạn tốt của đất nước chúng tôi. Họ là đồng minh của chúng tôi. Tôi có mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu hải quân Mỹ và người đứng đầu hải quân Australia", ông Empedrad cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Căn cứ hải quân trong tương lai
Được niêm yết tại Australia với mức vốn hoá trên thị trường vào khoảng 1 tỷ USD, Austal có mối quan hệ chặt chẽ với hải quân Mỹ và từng giành được nhiều hợp đồng đóng tàu quan trọng. Công ty này cũng đang chạy đua để giành được hợp đồng trị giá 600 triệu USD USD nhằm đóng 6 tàu tuần tra cho hải quân Philippines, với sự đảm bảo về mặt tài chính của chính phủ Australia.
Trong khi đó, Cerberus là quỹ đầu tư quản lý số tài sản lên tới 30 tỷ USD, với chủ tịch là cựu phó tổng thống Mỹ Dan Quayle. Các tài sản nằm dưới sự quản lý của Cerberus có cả DynCorp, một trong những nhà thầu quốc phòng tư nhân lớn nhất ở Mỹ.
Phó đô đốc Empedrad cho biết hải quân Philippines có kế hoạch sử dụng một phần của nhà máy đóng tàu và "biến nó thành căn cứ hải quân hàng đầu" sau khi nhà máy thuộc về tay chủ sở hữu mới.
"Chúng tôi đang tìm kiếm một căn cứ nơi đặt những thiết bị mới vì chúng tôi sắp được bàn giao các tàu khu trục mới. Ngay cả những tàu ngầm của chúng tôi trong tương lai cũng có thể được đặt ở đó", ông Empedrad cho biết.
Phó đô đốc Robert Empedrad, tư lệnh hải quân Philippines. Ảnh: Rappler. |
Tổng thống Duterte hồi tháng 5 đã ra lệnh cho các quan chức quốc phòng nghiên cứu phương án làm sao để hải quân Philippines giữ sự hiện diện tại vịnh Subic, vốn được chuyển đổi thành một đặc khu kinh tế sau khi quân đội Mỹ rút khỏi đây vào năm 1992.
Ông Empedrad cũng cho biết Mỹ và Australia đang nhắm đến xưởng đóng tàu Hanjin như một cơ sở tiềm năng nhằm sửa chữa và bảo dưỡng tàu chiến của họ, trong trường hợp liên minh Austal-Cerberus đạt được thoả thuận tiếp quản tài sản.
Trích dẫn sự phối hợp thành công giữa Philippines, Malaysia và Indonesia trong việc "giảm các sự cố liên quan đến cướp biển và bắt cóc trên biển xuống bằng 0" tại vùng biển phía nam Philippines, phó đô đốc Empedrad nhận định sự hiện diện của hải quân Mỹ và Australia tại khu vực có thể giúp củng cố an ninh quốc gia.
"Chúng tôi có thể tái hiện sự hợp tác đó ở đây tại phía bắc, cho dù với Mỹ, Nhật Bản hay Australia. Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi làm việc cùng nhau", ông Empedrad nói.