Các nguồn tin chính phủ cho biết Mỹ và Anh đã đưa ra “những lời hứa cụ thể” để đảm bảo các biện pháp quân sự trong quá trình Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO và chính thức chấp thuận tham gia liên minh, tờ Aftonbladet đưa tin hôm 25/4.
Sau khi quá trình này hoàn tất, điều khoản phòng vệ lẫn nhau của liên minh sẽ có hiệu lực.
Một nguồn tin chính phủ khác cho hay mặc dù các thành viên NATO không được phép đưa ra cam kết chính thức trong việc bảo vệ những nước không nằm trong liên minh, họ vẫn có thể thực hiện biện pháp không chính thức, như đóng quân ở Thụy Điển, tổ chức các cuộc tập trận và đưa ra “hỗ trợ chính trị”.
Trên thực tế, Thụy Điển sẽ chính thức được coi là một thành viên NATO ngay sau khi tuyên bố muốn tham gia, tờ báo nêu rõ, đồng thời khẳng định Anh đã đặc biệt đề nghị tăng cường hiện diện hải quân ở các vùng biển của Thụy Điển trong quá trình nước này đăng ký.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (trái) và người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin gặp tại Stockholm ngày 13/4. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù trung lập từ thế kỷ XIX, Thụy Điển được cho là đang chuẩn bị từ bỏ chính sách không liên kết và gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu trong năm nay.
Tờ Iltalehti (Phần Lan) ngày 25/4 cho biết chính phủ Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn cùng Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO trong tuần 20, tức ngày 16-22/5.
Cùng với đó, tờ Expressen (Thụy Điển) cũng xác nhận thông tin này. Truyền thông hai nước cho biết Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ đến Stockholm, Thụy Điển vào ngày 17-18/5. Sau đó, lãnh đạo hai nước sẽ chính thức công bố kế hoạch gia nhập liên minh.
Các chính trị gia ở Stockholm từ lâu đã tán thành ý tưởng này. Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết hồi đầu tháng rằng “bối cảnh an ninh của châu Âu đã hoàn toàn thay đổi” sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và Thụy Điển sẽ đánh giá lại tính trung lập.
Nga cảnh báo việc đưa Thụy Điển và Phần Lan vào NATO sẽ gây ra "những hậu quả chính trị và quân sự", đồng thời đe dọa sự ổn định ở châu Âu, theo RT.
Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, hồi đầu tháng này cho biết Nga sẽ phải tăng cường lực lượng trong khu vực để đáp trả động thái của 2 nước này. Ông nhấn mạnh khu vực Baltic sẽ không còn là khu vực phi hạt nhân nếu các quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO, theo TASS.