Trong cuộc họp báo qua điện thoại vào sáng 6/4 với phóng viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Jerry Guilbert - Giám đốc chương trình giải trừ và loại bỏ vũ khí tại Cục các vấn đề chính trị - quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại cam kết của Mỹ trong khắc phục hậu quả bom mình và vật liệu nổ sau chiến tranh ở Việt Nam.
Trả lời Zing, ông Guilbert tái khẳng định Việt Nam là đối tác lớn của Chính phủ Mỹ trong các vấn đề khắc phục hậu quả của chiến tranh, bao gồm rà phá bom mìn, tìm kiếm những người mất tích, xử lý dioxin và chất độc da cam còn sót lại.
Ông Guilbert ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong việc mang lại một môi trường an toàn hơn để người dân sinh sống và phát triển.
Ông Jerry Guilbert (giữa), Giám đốc Chương trình giải trừ và Loại bỏ vũ khí Cục Chính trị - Quân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Twitter. |
Ông Guilbert ghi nhận công cuộc xử lý bom mìn sót lại từ thời chiến đạt được nhiều tiến triển quan trọng, nhờ vào nỗ lực từ chính phủ hai bên, ở các địa phương trọng điểm như Quảng Trị, sự hợp tác ở các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân. "Những năm gần đây, tôi được biết không còn trường hợp tử vong nào do bom mìn sót lại ở Quảng Trị nữa", ông Guilbert nói.
Ông Guilbert ghi nhận chính quyền tỉnh Quảng Trị có những hành động quyết liệt, tiên phong trong việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới để xử lý bom mìn. "Chúng tôi đang cùng hướng đến mục tiêu rằng đến cuối năm 2025, (bom mìn) không còn là mối đe dọa ở đây nữa", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Zing.
Trước đó, vào đầu tháng 1, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh giai đoạn 2021-2025, hướng đến mục tiêu năm 2025 không còn tai nạn bom mìn. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu bình quân mỗi năm rà phá được khoảng 3.000 hecta đất ô nhiễm bom mìn.
Hợp tác Việt - Mỹ trong công tác rà phá bom mìn đang mang đến nhiều kết quả khả quan. Ảnh: baoquangtri.vn. |
Ông Guilbert thừa nhận một thách thức là ô nhiễm bom mìn sẽ không thể giải quyết triệt để về ngắn hạn, mà đó là nỗ lực lâu dài.
Ông lấy ví dụ một số nước châu Âu, như Pháp và Anh, vẫn thỉnh thoảng tìm thấy bom được thả từ các giai đoạn thế chiến mà chưa phát nổ. "Nên việc xử lý vấn đề này là chiến lược lâu dài, và song song đó chúng ta cần bảo đảm người dân được an toàn".
"Nhưng như tôi đã nói, nhiều tiến triển đáng kể đạt được trong thời gian qua, và Quảng Trị là điển hình rõ rệt rằng những kết quả này hoàn toàn nằm trong tầm tay", ông Guilbert nói với Zing.
Kể từ năm 1993 đến nay, chương trình của Mỹ đã cung cấp hơn 665 triệu USD cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với nỗ lực nâng cao năng lực địa phương trong rà phá bom mìn còn sót lại, cung cấp hướng dẫn phòng tránh vật nổ, hỗ trợ nạn nhân và cải thiện việc quản lý kho dự trữ vũ khí ở một vài quốc gia.