“Chúng tôi rất hoan nghênh vai trò quan trọng mà các công ty Mỹ đóng góp tại Việt Nam và trong toàn khu vực”, Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Francis Fannon ngày 24/6 tiếp tục ủng hộ việc các công ty dầu khí Mỹ tham gia phát triển năng lượng tại Biển Đông.
"Các công ty này có những công nghệ và phát minh tốt nhất, họ có những tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và môi trường tốt nhất. Họ cũng hoạt động với mức độ minh bạch tối đa. Điều đặc biệt quan trọng là các công ty Mỹ luôn tôn trọng chủ quyền của các quốc gia mà họ hợp tác", ông chia sẻ trong cuộc điện đàm với phóng viên quốc tế.
Ông Fannon nhấn mạnh một trong những mục tiêu lớn của chương trình Nâng cao Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng - Asia EDGE - là ủng hộ thị trường mở, hiệu quả, minh bạch và cạnh tranh tại khu vực.
Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Francis Fannon. Ảnh: The Nation. |
“Kế hoạch của chúng tôi không phải là can thiệp vào thị trường. Chính phủ Mỹ không làm điều đó. Chúng tôi muốn tạo ra những điều kiện cho cạnh tranh tự do và minh bạch. Điều này sẽ cho các công ty Mỹ cơ hội tiếp cận, đồng thời giúp chính phủ các nước tăng thêm đầu tư từ Mỹ”, trợ lý bộ trưởng năng lượng Mỹ cho biết.
“Cách tiếp cận của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có nền tảng dựa trên những khái niệm trên và mang tính bao trùm. Chiến lược này không tìm kiếm xung đột hoặc quan hệ đối đầu với bất kỳ nước nào, kể cả Trung Quốc”, ông trả lời các phóng viên.
“Chúng tôi kỳ vọng những giá trị này được chia sẻ và Trung Quốc sẽ tuân thủ. Tôi nghĩ tất cả các bên đều nên ủng hộ những giá trị này”, ông nói.
Hồi tháng 3, phát biểu tại Hội nghị Năng lượng Toàn cầu tại Houston, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói giá trị trữ lượng dầu mỏ và khí đốt xa bờ có thể khai thác tại Biển Đông lên đến 2,5 nghìn tỷ USD.
Ông Fannon cho biết Washington có nhiều quan ngại về những hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra trong các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, liên hệ trực tiếp đến vấn đề năng lượng.
Mỹ có nhiều lo ngại về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông làm cản trở khả năng phát triển dầu khí của các nền kinh tế khu vực. Ảnh: Reuters. |
“Sẽ rất đáng lo ngại nếu Trung Quốc tìm cách ngăn các nước khác phát triển năng lượng trên chính vùng biển của các nước này. Đây là những quốc gia cũng có nhu cầu năng lượng đang tăng mạnh. Một số nước có tăng trưởng nhu cầu năng lượng so với cùng kỳ năm trước ở mức hai con số”, ông Fannon cho biết.
Trợ lý bộ trưởng năng lượng Mỹ nhấn mạnh việc các quốc gia cảm thấy lo sợ, không thể khai thác tiềm năng dầu mỏ và khí đốt trên Biển Đông là một vấn đề khiến Mỹ thấy quan ngại và cần được tất cả các bên quan tâm giải quyết.
“Tình trạng này có thể cản trở lộ trình phát triển của các nền kinh tế khu vực”, ông Fannon nhận định. “Tuy nhiên, trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trụ cột kinh tế của chiến lược vẫn đặt mục tiêu chính là tạo cơ sở hạ tầng và thúc đẩy minh bạch thị trường”.