Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ từng 'ươm mầm' tham vọng siêu cường của Trung Quốc thế nào?

Tổng thống Jimmy Carter đã cho phép 52 chuyên gia về khoa học và công nghệ của Trung Quốc tới Mỹ học tập, tạo bước đà cho sự phát triển vượt bậc của đất nước tỷ dân.

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền đã đẩy mạnh cải cách, tuyên bố mở cửa với phần còn lại của thế giới. Ông khẳng định khoa học và công nghệ là động lực phát triển hàng đầu, đồng thời cho phép nhân tài trong nước xuất ngoại để tìm kiếm tri thức về xây dựng đất nước.

Ngày 1/1/1979, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter khôi phục quan hệ với Trung Quốc, mở đường cho phong trào Tây học của 52 chuyên gia của Trung Quốc. Chiến lược của ông Đặng bước đầu thành công khi những người này sau thời gian du học trở về đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ, khoa học và giữ các chức vị chủ chốt.

Trong số đó, có 3 tri thức được chọn, gồm Yan Dachun, chuyên gia về buồng gió tại Đại học Bắc Kinh, người giúp phát triển các máy bay chiến đấu đầu tiên của Trung Quốc, Liu giảng dạy kỹ thuật cơ khí tại Đại học Thanh Hoa, và Ji Fusheng, kỹ sư trong nhà máy quốc doanh sản xuất thiết bị liên lạc.

Cai cach cong nghe Trung Quoc anh 1
Tầng lớp tri thức mở đường cho phong trào "Tây học" của Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post đã có cuộc phỏng vấn với 3 nhà khoa học, hiện cũng đã 70-80 tuổi. Những câu chuyện của họ phản ánh quá trình giáo dục, đặc biệt công lao từ phía Mỹ, giúp Trung Quốc từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu vươn mình thành siêu cường công nghệ.

Giờ đây, mọi thứ đang rẽ sang hướng khác khi chính quyền Donald Trump lo lắng về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử.

Ba học giả kể trên đã hồi tưởng khoảng thời gian khó khăn trên đất Mỹ, với cú sốc văn hóa phương Tây, những áp lực vô hình, quá trình nỗ lực nghiên cứu và cả con mắt dò xét từ dân địa phương cũng như cơ quan tình báo nước bạn.

Kế hoạch táo bạo

“Đây là một trong những bước quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nó sẽ được đền đáp sau 5 năm nữa”, ông Đặng Tiểu Bình phát biểu tại cuộc họp cấp cao tháng 6/1978. Gần một năm sau, Bắc Kinh khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.

Cai cach cong nghe Trung Quoc anh 2
Ông Liu Baicheng từng giảng dạy kỹ thuật cơ khí tại Đại học Thanh Hoa. Ảnh: Tom Wang.

Kế hoạch được triển khai nhanh chóng. Tháng 9/1978, khoảng 10.000 thí sinh tham gia bài kiểm tra ngoại ngữ, cùng nhiều buổi sàng lọc để chọn ra 50 ứng viên hàng đầu đi du học.

Phần lớn trong họ đến từ các tổ chức danh tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa hay Viện Hàn lâm Khoa học. Có thêm 2 giáo sư toán học được đặc cách tham gia nhóm.

Đây là kết quả từ những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau nhiều năm đóng băng.

Tối ngày 26/12/1978, đoàn 46 người đàn ông và 6 phụ nữ lên đường từ Bắc Kinh quá cảnh sang Paris và đáp chuyến cuối xuống thành phố New York.

Bước xuống sân bay, họ trả lời báo chí bằng ngôn từ đầy hữu nghị: “Nhân dân Trung Quốc vĩ đại, và người dân Mỹ cũng vĩ đại. Chúng tôi tới Mỹ không chỉ để nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến, mà còn để thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.

Trong những năm sau đó, chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho nhiều học giả tới Mỹ cũng như các cường quốc công nghiệp như Đức, Nhật Bản. Theo Bộ Giáo dục nước này, hiện có hơn 600.000 công dân Trung Quốc du học nước ngoài mỗi năm.

Áp lực nơi xứ người

Vào thời điểm đó, nhiều học giả buộc phải tham gia khóa học tiếng Anh chuyên ngành tối đa 3 tháng trước khi rời Washington DC tới từng trường đại học. Nhưng ngôn ngữ chỉ là khó khăn bước đầu, vì họ còn phải thích nghi với xã hội Mỹ vốn rất khác biệt.

Yan, chuyên gia về sự nhiễu loạn gió dành thời gian đầu tại Đại học Johns Hopkins, Baltimore. Nơi đây, các nhà thờ dán đầy áp phích chống Trung Quốc vì xung đột lý tưởng. Ông còn nhận hai cuộc gọi từ FBI để theo dõi tình hình.

Cai cach cong nghe Trung Quoc anh 3
Yan Dachun là chuyên gia về nhiễu loạn gió. Ảnh: Tom Wang.

Điều khiến 3 học giả chú ý nhất chính là khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu. Ji, kỹ sư cơ khí, cho biết các linh kiện phải mất hàng giờ đi xe đạp mới tìm thấy ở Bắc Kinh thì tại Đại học Cornell, chỉ cần đặt hàng dễ dàng qua điện thoại.

Liu, mãi tới khi sang Mỹ mới lần đầu tiên thấy chiếc máy tính, mà nó lại là của cậu con trai ông chủ nhà ở Madison, Wisconsin. Để bắt kịp công nghệ, ông đã đăng ký lớp học mã hóa cơ bản cho sinh viên tại Đại học Wisconsin. Sự khác biệt khiến Yan phải thừa nhận: “Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn tại các phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ”.

Với khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 400 USD, các nghiên cứu sinh Trung Quốc đã tận dụng tối đa nền giáo dục của Mỹ. Ji làm việc 6 ngày rưỡi mỗi tuần, chỉ nghỉ chiều chủ nhật để giặt quần áo. Liu còn làm việc tận nửa đêm tại phòng thí nghiệm máy tính ở Wisconsin để thực hiện các bài toán mã hóa.

Yan kéo dài thời gian nghiên cứu lên đến 3 năm 8 tháng tại ba trường Đại học khác nhau để có thể tiếp cận với những chuyên gia hàng đầu. “Nếu không có thành tựu đáng kể, tôi sẽ rất xấu hổ khi trở về và đối diện với đồng bào mình”, Yan chia sẻ.

Cai cach cong nghe Trung Quoc anh 4
Một bức ảnh lưu niệm giữa Yan Dachun và Stanley Corrsin, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins. Ảnh: Tom Wang.

Ông thậm chí còn bị gây áp lực phải về nước vì quá thời gian hai năm tu nghiệp. Có lần, Yan bị nhốt trong phòng thí nghiệm cách âm, không thức ăn, nước uống gần một ngày trời mới được đưa ra. Ông nghi ngờ đồng hương từng ép mình về nước đã làm điều đó.

Trở về nhà

Sau khi kết thúc đợt tu nghiệp, tất cả đều muốn nhanh chóng trở về Trung Quốc để xây dựng đất nước. Họ cũng giữ nhiều vị trí quan trọng, trở thành lực lượng tiên phong cho sự phát triển của Trung Quốc.

Liu trở về Đại học Thanh Hoa và trở thành chuyên gia đầu ngành về mô hình và công cụ mô phỏng. Phần mềm do ông sáng chế đã giúp dựng một tuabin nước quan trọng cho dự án đập Tam Hiệu. Năm 1999, ông được giới thiệu vào Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, niềm vinh dự cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại Trung Quốc.

Cai cach cong nghe Trung Quoc anh 5
Liu Baicheng trong chuyến thăm General Motors năm 1979. Ảnh: Liu Baicheng.

Năm 2014, chính phủ mời ông làm chuyên gia tư vấn cho tham vọng “Made in China 2025”. Đây là kế hoạch nhằm chuyển nền kinh tế Trung Quốc sang nền sản xuất giá trị cao, giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Ji trở thành quan chức cao cấp trong Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc từ 1985 đến 1999. Ông chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực 10 tỷ nhân dân tệ cho chương trình 863 nhằm nâng cao khả năng công nghệ của Trung Quốc trong các lĩnh vực từ sinh học, nông nghiệp cho tới công nghệ thông tin, tự động hóa.

Sức mạnh công nghệ của Trung Quốc phát triển nhanh chóng bốn thập kỷ qua. Đất nước tỷ dân đang dẫn đầu thế giới ở các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng tái tạo và kỹ thuật cơ sở hạ tầng.

Họ cũng nỗ lực để đuổi kịp thế giới về robot và chất bán dẫn. Trung Quốc thiếu khả năng sản xuất các linh kiện điện tử quan trọng và vẫn phải phụ thuộc nguồn cung công nghệ cao từ nước ngoài.

Cai cach cong nghe Trung Quoc anh 6
Liu Baicheng làm việc tại phòng thí nghiệm Đại học Wisconsin năm 1979. Ảnh: Liu Baicheng.

Theo chiến lược “Made in China 2025”, Bắc Kinh nhắm mục tiêu sản xuất 70% thành phần công nghệ chính trong nước. Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm qua đã kêu gọi giới khoa học tự làm chủ các công nghệ cốt lõi để tránh phụ thuộc Mỹ và phương Tây.

Mục tiêu đầy tham vọng được hậu thuẫn bởi Nhà nước đã trở thành cái gai trong mắt người Mỹ. Chính quyền Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu công nghệ cho các công ty Trung Quốc, đồng thời hạn chế tiếp nhận du học sinh.

“Có gì sai khi phát triển công nghệ tiên tiến? Nếu họ làm được sao chúng ta lại không”, Liu nói với giọng điệu cứng rắn dù đã bước sang tuổi 85. Ông với tư cách là nhà tư vấn tiết lộ, “Made in China 2025” lấy cảm hứng từ những chính sách tương đồng của Đức và Mỹ.

Không ai hết, chính nền giáo dục và công nghệ Mỹ đã tạo đà phát triển vượt bậc của Trung Quốc suốt 40 năm qua. Giờ đây, họ lại phải cố kìm hãm gã khổng lồ do chính mình góp phần tạo ra.

Thâm Quyến thấm đòn vì Mỹ tấn công ‘đầu rồng’ Huawei

Là đại bản doanh của những nhà xuất khẩu và công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, Thâm Quyến cảm nhận rõ ràng nhất những tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Lê Min Kốp

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm