Tạp chí National Interest tiết lộ, tháng 4/1944, quân đội Mỹ bắt đầu điều chế một loại hóa chất đặc biệt nhằm triệt phá mùa màng, tạo ra nạn đói từ đó vô hiệu hóa sức mạnh quân đội Nhật. Một năm sau đó, vũ khí hóa học đặc biệt đã sẵn sàng để ném xuống Nhật Bản. Dự án được gọi là “Dow Chemical” (tiền thân của công ty hóa chất Dow ngày nay).
Ý tưởng phá hoại nguồn cung thực phẩm từng được ghi nhận trong lịch sử chiến tranh thế giới. Đây cũng là một phương pháp cổ điển nhằm gián tiếp làm suy yếu khả năng chiến đấu của đối phương.
Theo một báo cáo mật của Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ, việc sử dụng vũ khí hóa học để phá hủy cây trồng trên các đảo chính của Nhật Bản đã được xem xét nghiêm túc những năm cuối Thế chiến II.
Đến tháng 4/1945, quân đội đã thử nghiệm hơn 1.000 loại hóa chất tại căn cứ Detrick, bang Maryland, cách Washington khoảng 80 km. Ngoài ra, quân đội còn kết hợp với Đại học Ohio để tổng hợp khoảng 200 hoạt chất có triển vọng sử dụng. Hóa chất phục vụ cho chương trình được đặt mã “LN” kèm theo chữ số để phân loại.
Kế hoạch của Mỹ sẽ sử dụng máy bay ném bom tầm xa B-29 mang bom hóa học ném xuống các đảo chính của Nhật Bản. Ảnh: Không quân Mỹ |
Các nhà khoa học nhận thấy, axit phenoxyacetic là chất hữu ích. Loại chất này khi phun lên cây trồng sẽ làm đảo lộn quá trình trao đổi chất của cây khiến chúng không hút được chất dinh dưỡng và chết. Ít nhất 9 loại hóa chất với thành phần chính là phenoxyacetic, trong đó hợp chất LN-8 cho kết quả khả thi nhất.
LN-8 được bào chế dưới dạng rắn, bột và chất lỏng. Tại Lầu Năm Góc, LN-8 được gọi với các tên rất ấn tượng “Axit diệt rau”. Cuối tháng 4/1945, máy bay ném bom B-25 mang theo bình chứa 2.000 lít chất LN-8 thử nghiệm tại Terre Haute, Indiana và Beaumont, Texas.
Thử nghiệm cho thấy, hợp chất quá nhẹ nên phát tán quá rộng trong không khí dẫn đến hiệu quả không cao. Các nhà khoa học chuyển sang sử dụng một hộp nhỏ chứa 56 kg chất LN-8 và được ném xuống kiểu như bom chùm. Nhưng thử nghiệm lại phát sinh vấn đề nắp hộp thường mở không đúng lúc.
Các kỹ sư thiết kế lại thành những hộp riêng chứa 90,7 kg hợp chất. Máy bay ném bom B-29 có thể mang theo hàng chục bom hóa học. Một ngòi nổ được thiết kế để bung ở độ cao cài đặt sẵn nhằm phát tán hợp chất xuống mặt đất.
Kết quả kiểm tra thực địa cho thấy, hợp chất LN-8 chỉ có tác dụng đối với các loại cây lá rộng, thân cứng, trong khi ít hiệu quả đối với cỏ, các loại cây có hạt như lúa mì, lúa nước. Quân đội cần tìm một hợp chất khác hiệu quả hơn cho kế hoạch tiêu diệt nguồn cung thực phẩm của Nhật Bản.
Trực thăng UH-1 của Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: U.S Army |
Một vấn đề đáng quan ngại là các nhà khoa học không thể xác định hợp chất LN-8 sẽ tồn tại bao lâu trong đất, nước và tác hại của chúng đối với con người, động vật hoang dã. Mặt khác, Công ước Geneva 1925 cấm sử dụng vũ khí hóa học, sinh học trong chiến tranh.
Bên cạnh đó, việc Nhật đầu hàng sau khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki nên kế hoạch ném bom hóa học không còn cần thiết. Tuy vậy, các nhà khoa học Mỹ tiếp tục nghiên cứu hợp chất hóa học mới có khả năng hủy diệt cây cối khủng khiếp là dioxin.
Kế hoạch ném bom hóa học xuống Nhật Bản không thực hiện được, nhưng quân đội Mỹ đã rải hàng chục nghìn lít chất độc dioxin xuống miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1970.
Quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam với thành phần tương tự LN-8 và LN-14 để phát quang cây cỏ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Loại hóa chất độc hại này để lại di chứng nghiêm trọng cho nhiều thế hệ người Việt Nam sau chiến tranh.