Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ - Trung tranh giành miếng bánh vũ khí ở Đông Nam Á

Thị trường vũ khí Đông Nam Á ngày càng "nóng", chủ yếu do tình hình Biển Đông, khiến Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ về vai trò thống trị nguồn cung ở khu vực này.

Báo cáo của Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đầu năm 2017 nêu lên một xu hướng nổi bật rằng Đông Nam Á đang trở thành khu vực mua vũ khí nhiều nhất thế giới, với tổng giá trị tăng hơn 6% từ giai đoạn 2007-2011 so với 2012-2016.

Trong cuộc đua sắm vũ khí, các nước Đông Nam Á là thị trường lý tưởng đối với các nhà thầu quốc phòng thế giới khi có tiền, có năng lực sử dụng các vũ khí hiện đại, và đang đối mặt với sức ép thật sự, mà gần đây chủ yếu do tình hình Biển Đông, để tăng cường mua sắm. 

My Trung canh tranh ban vu khi anh 1
Máy bay vận tải C-17 của Mỹ hạ cánh ở Singapore phục vụ việc tham gia triển lãm hàng không. Ảnh: Today.

Mỹ đi chào hàng ở Đông Nam Á

Tại Triển lãm hàng không Singapore năm 2018, sự kiện diễn ra hai năm một lần, Mỹ là phái đoàn tham gia hùng hậu nhất với 170 đơn vị triển lãm của các công ty quốc phòng. Nhiều quan chức Mỹ trong phái đoàn đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại, Cơ quan quản lý hàng không liên bang (FAA). 

“Đối với Mỹ, khu vực Đông Nam Á ngày càng quan trọng trên thế giới. Chúng tôi cam kết đóng góp vào việc phát triển, hợp tác trên bình diện song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Sự hiện diện của phái đoàn Mỹ hôm nay là một minh chứng, nhưng chưa phải là điều lớn nhất trong cam kết này”, bà Tina Kaidanow, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chính trị - quân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trong cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên khu vực, bao gồm Zing.vn, hôm 5/2.

Đây là cơ quan điều phối chính giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, đặc biệt trong các vấn đề mua bán vũ khí.

Mỹ đưa đến "chào hàng” trong một tuần triển lãm ở Singapore các loại vũ khí như C-17 Globemaster III, RQ-4 Global Hawk, E-3B Sentry, KC-135 Stratotanker, B-52 Stratofortress, P-8 Poseidon, AH-6 Little Bird, F-22 Raptor, F-16 Fighting Falcon, và  F-18 Super Hornet. Cũng lần đầu tiên Mỹ giới thiệu máy bay F-35B Lightning II tại sự kiện.

Đại sứ Kaidanow không giấu giếm nhiệm vụ chính của bà khi đến Singapore chính là khuyến khích các nước Đông Nam Á mua vũ khí của Mỹ nhiều hơn. “Mặc dù một trong những nhiệm vụ của tôi là cố gắng thúc đẩy việc bán vũ khí của Mỹ, tôi không cần phải quá gắng sức vì uy tín không thể bàn cãi với vũ khí Mỹ. Các đối tác cũng hiểu rất rõ giá trị này”, bà Kaidanow nói.

Vấn đề địa chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định, khi các nước cần phải gia tăng năng lực để chống lại mưu đồ và những hành vi bành trướng trên Biển Đông. Do vậy, bà Kaidanow cho biết một nhiệm vụ trong chuyến công du là gặp gỡ và thảo luận việc mua bán vũ khí với “một số nước Đông Nam Á”. “Chúng tôi mong họ cân nhắc mua vũ khí Mỹ, không chỉ là vấn đề an ninh mà còn là cân bằng sức mạnh khu vực”.

My Trung canh tranh ban vu khi anh 2
Chiến đấu cơ F-35B lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm hàng không Singapore. Ảnh: SCMP.

Tại thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ để trở thành nhà cung cấp hàng đầu. Đến nay, Mỹ đã bán vũ khí cho các nước trong khu vực như Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines…  Khi được hỏi về sự lo ngại cạnh tranh giữa Mỹ đối với những “đối thủ” như Trung Quốc trong miếng bánh xuất khẩu vũ khí, bà Kaidanow khẳng định: “Không, tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi thực sự tin rằng vũ khí của chúng tôi là tốt nhất thế giới”.

Tuy nhiên, việc mua vũ khí từ Mỹ có nhiều nhược điểm dễ khiến đối tác nản lòng. Ngoài vấn đề giá cả còn là khâu thủ tục phức tạp, việc xử lý đơn hàng rất mất thời gian, các điều kiện đi kèm cũng ngặt nghèo, và thường được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố như nhân quyền chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế.

So với đó, “vũ khí Trung Quốc cũng rất mạnh mà giá cả lại cạnh tranh trên thị trường, việc mua bán có thể bao gồm chuyển giao công nghệ hoặc các khoản vay, hoặc quá trình phê duyệt không khó khăn như so với Mỹ”, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định trong một báo cáo hồi tháng 8/2017.

Sức mạnh đáng gờm của tàu sân bay Mỹ Mỹ sở hữu hơn một nửa số tàu sân bay trên thế giới, với sức mạnh đáng gờm cùng những trang bị tối tân như lò phản ứng hạt nhân, tên lửa tầm trung và vũ khí tầm gần.

Nguy cơ "vũ khí Trung Quốc chống lại chính Trung Quốc"

Trên thực tế, ngày càng nhiều nước Đông Nam Á chọn Trung Quốc là “nhà thầu” cung cấp để hiện đại hoá kho vũ khí. Dữ liệu của SIPRI cho biết Trung Quốc đã bán vũ khí cho 7 nước ở Đông Nam Á kể từ năm 2006.

Cuối năm 2016, Malaysia và Trung Quốc ký kết hợp đồng quốc phòng trị giá 278 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay, để cùng đóng 4 tàu tuần tra bờ biển. Cũng trong năm này, chính quyền Thái Lan đạt thoả thuận mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc trị giá 1 tỷ USD, theo Asia Times

My Trung canh tranh ban vu khi anh 3
Một xe tăng VT-4 do Trung Quốc chế tạo. Thái Lan từng đặt mua 49 xe tăng của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Indonesia, một trong những nước có nền quân đội hàng đầu trong khu vực, lâu nay thường chọn bạn hàng lớn gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Giai đoạn 2005-2009, Indonesia đã mua nhiều tên lửa chống hạm C-802, các tên lửa phòng không di động, radar từ Trung Quốc, cùng nhiều vũ khí cho tàu chiến…

Trong khi đó, Mỹ đã bán nhiều loại vũ khí cho Indonesia như máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, trực thăng chiến đấu, tiêm kích F-16C, tên lửa và bộ phận dò sonar chống tàu ngầm… Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cho rằng việc Indonesia mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc “không nhất thiết phản ánh mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh mà bỏ qua Mỹ”. “Indonesia chỉ muốn đa dạng hoá nguồn gốc hệ thống vũ khí của họ”, ông nói.

Tờ Asia Times nhận định một lý do khác tạo cơ hội cho các nhà thầu Trung Quốc trong khu vực là khi các nước muốn thông qua các vụ mua bán vũ khí để tạo ra lợi thế hơn so với Mỹ trên bàn đàm phán. Và Bắc Kinh đang tận dụng rất tốt chính sách mới thân thiện với Trung Quốc mà Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương.

My Trung canh tranh ban vu khi anh 4
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana kiểm tra một khẩu súng mua của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, khi Quốc hội Mỹ cấm xúc tiến hợp đồng bán 26.000 khẩu súng cho Philippines vào năm ngoái nhằm thể hiện sự phản đối chiến dịch chống ma tuý mà Tổng thống Duterte tiến hành, Trung Quốc ngay lập tức thấy cơ hội để bán súng trường cho lực lượng hành pháp Philippines. 

Đến cuối năm 2017, Trung Quốc đã bán hàng nghìn khẩu súng trường cho Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP). Giá trị của một hợp đồng 3.000 súng bàn giao hồi giữa tháng 10 năm ngoái trị giá 3,3 triệu USD, thể hiện “mối quan hệ hợp tác và thân thiện”.

Tuy nhiên, cũng vì tình hình Biển Đông căng thẳng mà có thể phát sinh diễn biến “gậy ông đập lưng ông”. Khi Indonesia mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc, số vũ khí này có thể được dùng để chống lại chính các tàu Trung Quốc nếu chúng tiếp cận gần vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. 

Kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với Malaysia. Sau khi hoàn thành hợp đồng đóng 4 tàu với Trung Quốc, họ có thể dùng chính những tàu này để xua đuổi các tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường tới gần vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trên Biển Đông.

Nhưng giới quan sát cũng nhận định Trung Quốc vẫn còn nhiều át chủ bài để sẵn sàng chống trả khi cần thiết, nên họ vẫn tự tin bán vũ khí cho cả những nước có thái độ với mình. “Nó có vẻ nghịch lý nhưng vẫn là điều hợp lý. Việc làm ăn luôn đi trước. Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Trung Quốc không chịu bán vũ khí. Đó chính là dấu hiệu của sự phản đối”, trang Forbes dẫn lời ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu tại Hội nghiên cứu chiến lược Đài Loan, Trung Quốc.

Hạm đội 7 đưa chiến hạm lâu đời nhất trở lại hoạt động Tàu chỉ huy USS Blue Ridge của Hạm đội 7, chiến hạm lâu đời nhất của Hải quân Mỹ vừa được đưa vào hoạt động trở lại sau thời gian bảo trì ở Yokosuka, Nhật Bản.

Trump xin ngân sách quốc phòng 716 tỷ USD để đối phó Nga, Trung

Tổng thống Donald Trump dự kiến yêu cầu 716 tỷ USD ngân sách quốc phòng cho 2019 để xây dựng chiến lược quốc phòng "cực kỳ mạnh mẽ" chống lại Bắc Kinh và Moscow.

Sát thủ diệt tàu sân bay của Trung Quốc đe dọa Hải quân Mỹ

Phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D với sức mạnh tăng thêm 30% có thể đe dọa hoạt động của Hải quân Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm