Cùng tham dự cuộc họp là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Qua một số tín hiệu tương đối tích cực từ hai bên, các nhà quan sát hy vọng cuộc gặp ở Anchorage sẽ đem lại tiến bộ. Hai bên cũng được dự đoán sẽ vạch rõ quan điểm của mỗi nước, cùng "lằn ranh đỏ" mà đối phương không thể xâm phạm, theo báo South China Morning Post.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp trực tiếp Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày 18/3 ở Alaska. Ảnh: AP. |
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nhắc lại những giới hạn của nước này tại cuộc họp báo hồi tuần trước. Theo đó, ông Vương Nghị nói các vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc, và Mỹ không nên can thiệp.
Dù hai bên được dự đoán sẽ cứng rắn với nhau ở cuộc gặp, các nhà quan sát tin rằng sự kiện tới đây sẽ là bước cải thiện trong quan hệ song phương, so với lần họp trước đó của đại diện hai nước.
Sourabh Gupta, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ ở Washington, cho biết: “Tôi trông đợi việc các nước lặp lại về lợi ích quốc gia của mỗi bên cùng điều cấm kỵ, và nỗ lực nhằm trấn an lẫn nhau. Nhưng tôi không chắc chúng có phải yếu tố chi phối toàn bộ đối thoại ở Anchorage hay không".
Bà Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, nói: “Cuộc gặp ngày 18/3 là dịp để hai bên nhắc lại lập trường của mình, và bày tỏ quan ngại về các chính sách của bên kia. Các vấn đề Tân Cương và Hong Kong sẽ được Mỹ đề cao, Trung Quốc có thể ngó lơ, nhưng có đối thoại vẫn tốt hơn là không gì cả".
Ông Zhiqun Zhu, chuyên gia khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, cho biết: "Việc 2 cán bộ cấp cao Trung Quốc sẵn sàng đến Alaska cho thấy Bắc Kinh xem xét cuộc họp này rất nghiêm túc. Họ nên tận dụng dịp này để đưa ra một danh sách mà Mỹ có thể hợp tác".