Lệnh cấm mới sẽ ngăn Ngân hàng Trung ương Nga giao dịch bằng USD. Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ giờ sẽ không thể thực hiện các giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia Liên bang Nga, và Bộ Tài chính Nga. Lệnh trừng phạt cũng cấm những công ty tài chính nước ngoài gửi USD vào các cơ quan, tổ chức này.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ có ngoại lệ với một số thanh toán liên quan đến năng lượng, nhằm giảm nguy cơ giá dầu và khí đốt tăng đột biến.
Các quan chức Mỹ cho biết lệnh trừng phạt mới sẽ đẩy nền kinh tế Nga lún sâu hơn nữa, là nỗ lực đáp trả việc Moscow tấn công Ukraine.
"Chiến lược của chúng tôi đơn giản là khiến kinh tế Nga thụt lùi, chừng nào Tổng thống Vladimir Putin còn tấn công Ukraine", quan chức chính quyền Biden cho biết.
Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: TASS. |
Lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra hai ngày sau khi Washington và đồng minh đồng ý sẽ ngăn ông Putin tiếp cận 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga - được ví như hòm chiến tranh để ông Putin giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt, theo Hill.
Việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga sẽ ngăn nước này bán ngoại tệ và hỗ trợ đồng rúp, vốn đang giảm mạnh.
Mỹ, Canada, và nhiều nước châu Âu đã loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT), một động thái trừng phạt kinh tế quyết liệt của phương Tây khi Moscow leo thang căng thẳng tại Ukraine.
Đồng rúp giảm hơn 30% so với USD ngày 28/2 đã khiến Nga phải nâng lãi suất chủ chốt từ 9,5% lên 20%. Biện pháp này nhằm đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá và các rủi ro về lạm phát.