Phát biểu tại Paris hôm 13/7, Tổng thống Trump hết lời ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là "người bạn mà ông cực kỳ tôn trọng", "nhà lãnh đạo vĩ đại" và "người đàn ông đầy tài năng".
Lời ngợi khen này được đưa ra chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ca ngợi hợp tác kinh tế Mỹ - Trung đang có "bước tiến tích cực" trên tinh thần đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau.
Bước tiến tích cực này ngụ ý tới những tiến triển trong kế hoạch hành động kinh tế 100 ngày. Đây là kế hoạch do Tổng thống Trump công bố hồi tháng 4, bao gồm nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, đầu tư, năng lượng và thương mại.
Dẫu vậy, những tiến bộ về kinh tế không khỏa lấp được những khác biệt và rạn nứt ngày càng lớn trong hàng loạt các vấn đề về chính sách đối ngoại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông "ba bị" Trung Quốc
Trung Quốc là chủ đề ưa thích của Donald Trump trong suốt quá trình tranh cử vào Nhà Trắng. Vị tỷ phú 71 tuổi này nhiều lần chỉ trích Trung Quốc thao túng đồng Nhân dân tệ và thi hành chính sách thương mại bất bình đẳng, khiến người lao động Mỹ mất việc làm.
Nhưng kể từ khi trở thành tổng thống, ông Trump đã dịu giọng hơn về vấn đề tiền tệ. Hồi tháng 5, tổng thống Mỹ công bố thỏa thuận xuất khẩu thịt bò Mỹ và khí đốt sang Trung Quốc, với kỳ vọng cắt giảm thâm hụt thương mại, vốn ở mức khổng lồ 347 tỷ USD nghiên về Trung Quốc trong năm 2016.
Nhưng ở các lĩnh vực căng thẳng khác, hai bên có những quan điểm hết sức trái ngược nhau.
Mỹ tỏ thái độ cực kỳ thất vọng trước việc Trung Quốc không gây sức ép mạnh hơn lên Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Những thống kê mới đây cho biết, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng 10,5 % trong vòng 6 tháng đầu năm 2017.
Mỹ - Trung bất đồng sâu sắc về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Sự kiện Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo đúng ngày quốc khách 4/7 của Mỹ báo hiệu, không sớm thì muộn, Washington cũng sẽ thay đổi chính sách: Washington sẽ không tiếp tục dựa vào Bắc Kinh để kiềm chế Triều Tiên.
Trong khi đó, Bắc Kinh tức giận với chính sách của Washington trong hàng loạt vấn đề. Trên Biển Đông, hải quân và không quân Mỹ tiếp tục thách thức các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, lô vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD Mỹ bán cho Đài Loan hồi cuối tháng 6 không khác gì cái tát vào chính sách "Một Trung Quốc" mà Bắc Kinh luôn khẳng định. Quan hệ Mỹ - Trung càng chia rẽ sâu sắc sau những chỉ trích về tội phạm mua bán người của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.
Sự kiên nhẫn đã hết
Sự rạn nứt đang ngày càng lộ rõ. Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận lên 10 tổ chức và cá nhân Trung Quốc có dính líu tới chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của Triều Tiên, mới đây nhất là ngân hàng Dandong.
Căng thẳng cũng leo thang sau khi tàu chiến Mỹ đi qua một bãi san hô mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp hồi tháng 7, trước khi hai máy bay ném bom B-1 bay qua vùng biển này. Trung Quốc tuyên bố đó là những hành động quân sự nguy hiểm và khiêu khích chính trị nghiêm trọng.
Tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Đông bất chấp Trung Quốc phản đối. Ảnh: Getty. |
Về vấn đề nhân quyền vốn tồn tại dai dẳng, Mỹ không ngại ngần kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền tự do của Hong Kong. Cảnh Sảng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định "những nhân tố tiêu cực" trong quan hệ song phương đều xuất phát từ "các hành động của Mỹ".
"Ông Trump muốn để ngỏ khả năng Trung Quốc thay đổi thái độ trong vấn đề Triều Tiên, cũng như giữ ổn định quan hệ song phương", Evans Revere, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Brookings, nhận định.
Nhưng khác biệt thì cứ ngày càng lớn dần.