Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng leo thang trong ngày 24-25/7. Hai bên cùng tung ra những đòn "ăn miếng trả miếng" chưa từng có kể từ năm 1979, khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tình thế leo thang làm dấy lên lo ngại xung đột bùng nổ giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù hai bên đã có động thái tránh leo thang trong thời gian trước mắt, theo Wall Street Journal.
Mỹ tiếp tục công kích Trung Quốc
Ngày 25/7, giới chức cấp cao trong các cơ quan ngoại giao, tư pháp hình sự và tình báo của Mỹ đồng loạt nhấn mạnh mối đe dọa mà Bắc Kinh tạo ra ngay trong lòng nước Mỹ.
Các quan chức này khẳng định việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là cần thiết bởi Bắc Kinh sử dụng phái bộ này, cùng các cơ sở khác, phục vụ hoạt động gián điệp và đánh cắp công nghệ của Mỹ.
"Về tổng thể, các hoạt động của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vượt quá giới hạn chúng ta có thể chấp nhận", đại diện Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Trong khi đó, đại diện cơ quan tình báo khẳng định các nhân viên khoa học và công nghệ tại phái bộ Trung Quốc hoạt động "đặc biệt tích cực và rất thành công". Quan chức này cáo buộc nhân viên ngoại giao Trung Quốc đã tham gia hoạt động gian lận quy mô lớn tại các cơ sở nghiên cứu trong khu vực, có liên hệ với các nhà nghiên cứu và hướng dẫn họ thu thập thông tin trái phép.
Nhóm người được cho là giới chức Mỹ tiến vào bên trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hôm 25/7. Ảnh: Reuters. |
Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tồn tại "mối liên hệ trong lĩnh vực y tế" giữa phái bộ Trung Quốc với các cơ sở y khoa ở Texas. Trước đó, giới chức Mỹ đã cảnh báo sự gần gũi giữa phái bộ này với Trung tâm ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas, cũng như âm mưu tấn công các nghiên cứu vaccine Covid-19 từ phía Trung Quốc.
Quan chức ngoại giao Mỹ cũng cho biết trước khi quyết định đóng cửa phái bộ Houston được đưa ra, Washington đã cảnh báo Bắc Kinh tại các cuộc họp ở cấp cao nhất.
Đáp lại các tuyên bố này, Trung Quốc tuyên bố cáo buộc của Mỹ về các hoạt động đánh cắp thông tin y học là vô lý.
Leo thang nhưng để ngỏ khả năng đối thoại
Bất chấp những chỉ trích và cáo buộc gay gắt, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đối thoại với Trung Quốc có thể giúp khôi phục trật tự trong quan hệ song phương, ngăn ngừa các động thái trả đũa tiếp theo.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "tình trạng quan hệ Mỹ - Trung hiện tại không phải điều Trung Quốc mong muốn", đồng thời kêu gọi Washington "tạo ra các điều kiện cần thiết để đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng".
Kevin Brady, dân biểu đảng Cộng hòa của thành phố Houston, hôm 24/7 lên án Bắc Kinh hậu thuẫn cho hoạt động đánh cắp công nghệ y học và năng lượng của Mỹ, nhưng cũng nói việc đóng cửa tổng lãnh sự quán "không nhất thiết là bước đi lâu dài".
"Giống như với Hong Kong, hành động của họ sẽ quyết định các bước đi kế tiếp", ông Brady nói.
Hôm 24/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Trong buổi thông tin báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết một số cá nhân tại Tổng lãnh sự quán Thành Đô đã có "các hoạt động không phù hợp với tư cách của họ", can thiệp vào công việc nội bộ và xâm phạm lợi ích an ninh của Trung Quốc.
An ninh được siết chặt bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Ảnh: Reuters. |
Phái bộ Mỹ ở Thành Đô phụ trách cung cấp các dịch vụ lãnh sự cho công dân Mỹ, cũng như thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, thương mại, giáo dục, cùng một số hoạt động khác. Nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao này cũng theo dõi các diễn biến ở khu tự trị Tây Tạng.
"Phía Trung Quốc đã nhiều lần nêu vấn đề này, và phía Mỹ hẳn phải hiểu rõ vấn đề", ông Uông tuyên bố, nhưng không làm rõ hành vi nào của phía Mỹ bị Bắc Kinh cáo buộc.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố "khó khăn hiện tại trong quan hệ Mỹ - Trung hoàn toàn do phía Mỹ tạo ra". Ông Vương cho rằng mục đích của Washington là nhằm "ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc bằng mọi cách".
Ông Vương cũng cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản ứng nhằm đáp trả sự khiêu khích của Mỹ, nhưng cũng tìm kiếm quan hệ dựa trên sự tôn trọng.
"Trung Quốc sẽ không nhảy theo nhạc của Mỹ, và không dung thứ cho hành động thiếu kiềm chế của Mỹ", Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố.
Bắc Kinh đặt ra thời hạn 72 giờ để Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô, một nguồn tin cho biết, theo Wall Street Journal. Đây là khoảng thời gian tương tự với thời hạn Washington đặt ra khi yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Nhân viên ngoại giao Mỹ tại phái bộ Thành Đô có 30 ngày để rời Trung Quốc.
Biến động ở Houston và Thành Đô
16h chiều ngày 24/7 (tức 4h sáng ngày 25/7 theo giờ Việt Nam) là hạn chót phía Mỹ đặt ra cho Trung Quốc. Khi thời gian này qua đi, một nhóm người được cho là thuộc Cục An ninh ngoại giao, Bộ Ngoại giao Mỹ, đã phá cửa sau và đi vào bên trong tòa nhà của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Vài giờ trước đó, nhân viên phái bộ Trung Quốc đã rời đi, mang theo nhiều thùng lớn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã "bày tỏ sự bất mãn và phản đối kịch liệt việc lực lượng chấp pháp Mỹ cưỡng chế tiến vào tổng lãnh sự quán ở Houston".
Cùng thời gian đó, người ta thấy cảnh ra vào hối hả ở Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Ghi nhận của AFP cho thấy nhân viên tại cơ quan này bận rộn dọn dẹp đồ đạc, gỡ bỏ phù hiệu của chính phủ Mỹ bên trong cũng như bên ngoài tòa nhà.
Nhân viên Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô gấp rút dọn dẹp hôm 25/7. Ảnh: Reuters. |
Phóng viên của AFP cho biết quan sát thấy những túi màu đen lớn chứa rác được đưa ra khỏi tòa nhà tổng lãnh sự quán, một trong số đó dường như chứa giấy vụn. Ít nhất 10 bao tải lớn đã được chuyển ra khỏi tòa nhà vào đầu giờ sáng trong ngày 25/7.
Trong quá khứ, căng thẳng giữa hai nước - như khi Bắc Kinh trấn áp người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989, hay tên lửa Mỹ phóng vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 - xuất hiện trên cơ sở một vụ việc đơn lẻ và nhanh chóng xẹp xuống chỉ sau vài tháng.
"Căng thẳng hiện tại ở phạm vi rộng hơn, có tính hệ thống và trên nhiều lĩnh vực rộng lớn", giáo sư Drew Thompson từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Singapore, đánh giá. Ông Thompson cho rằng một hình thức xung đột mới đã xuất hiện giữa hai siêu cường.